CNBC/Getty Images
Vì sao quan hệ Nga và Arab Saudi ngày càng thắt chặt?
Trong tuần này, Nga đang trải thảm đỏ chào đón vua Salman của Arab Saudi, khi ông dẫn đầu một phái đoàn cao cấp và có sức ảnh hưởng đến Moscow với mục đích tìm kiếm các thỏa thuận đầu tư chung trị giá hàng tỷ đô la.
Khi vua Salman hạ cánh xuống Moscow và đi đến trung tâm Matxcơva, ông được chào đón với rất nhiều bảng quảng cáo dọc theo con đường được trang trí bằng hình ảnh của chính ông và một thông điệp chào đón ông đến Nga bằng tiếng Arab và Nga. Chuyến thăm của ông chắc chắn là lịch sử, đánh dấu chuyến viếng thăm nước Nga đầu tiên của một quốc vương Arab Saudi.
Điện Kremlin nói rằng Vua Salman đã gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin vào thứ 5 và "các nhà lãnh đạo sẽ xem xét các bước chung để phát triển hơn nữa hợp tác song phương trong các lĩnh vực thương mại, kinh tế, đầu tư và văn hoá-nhân đạo".
Ngoài ra, các vấn đề quốc tế bao gồm xung đột ở Trung Đông dự kiến sẽ là một phần của các cuộc thảo luận giữa ông Putin và nhà vua của Arab Saudi.
Theo lịch trình, ông Putin và Vua Salman tổ chức hai cuộc họp, một cuộc họp mở rộng và sau đó là một cuộc họp kín, sau đó sẽ có một bữa tối vào hôm thứ 5, theo một nguồn tin từ chính phủ Nga thân cận với CNBC. Nguồn tin cho biết họ tin rằng phái đoàn Arab Saudi tới Nga có hơn 100 người, đây là một chuyến thăm cấp nhà nước trong bốn ngày.
Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak đã nói với tờ Financial Times hôm thứ 4 rằng các nhà lãnh đạo dự kiến sẽ kí các thỏa thuận hợp tác đầu tư trị giá hơn 3 tỷ USD, trong đó có một thỏa thuận trị giá 1,1 tỷ USD cho phép công ty hóa dầu Sibur của Nga xây dựng nhà máy ở Arab Saudi.
Chuyến thăm này chỉ là dấu hiệu gần đây nhất của mối quan hệ ngày càng thân mật và gần gũi về kinh tế và chính trị giữa 2 gã khổng lồ dầu mỏ. Hai nước đã bắt đầu thắt chặt mối quan hệ gần gũi hơn vào năm ngoái khi Nga và khối OPEC - do Arab Saudi dẫn đầu - tuyên bố họ sẽ hạn chế sản lượng dầu nhằm hỗ trợ giá dầu thế giới.
Hàng loạt thỏa thuận
Kể từ đó, các thỏa thuận mua vũ khí trị giá hàng tỉ USD và các thoả thuận về năng lượng đã được công bố, gần đây nhất là quỹ đầu tư năng lượng trị giá 1 tỷ USD, có thể được hoàn tất sau khi Putin và Vua Salman hội kiến.
Điện Kremlin nói rằng "một số tài liệu song phương nhiều khả năng sẽ được ký kết sau cuộc hội đàm." Điều này nhằm đề cập đến một quỹ đầu tư năng lượng trị giá 1 tỷ USD do Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF), Quỹ Đầu tư Công của Saudi Arabia và Saudi Aramco đồng quản lý. Kirill Dmitriev, giám đốc điều hành của RDIF, nói với CNBC rằng chuyến thăm của hoàng gia Arab Saudi tuần này là "lịch sử".
Dmitriev cho biết: "Đây là lần đầu tiên một quốc vương Arab Saudi viếng thăm Nga. Quan hệ giữa hai nước trải qua nhiều thăng trầm và trong vài năm qua nó đã có một sự cải tiến đáng kể. Vào tháng 5 năm 2017, thái tử kế vị Mohammed Bin Salman đã viếng thăm Nga và hội kiến Tổng thống Putin và cam kết đầu tư 10 tỷ USD vào quỹ đầu tư trực tiếp của Nga. Kể từ thời điểm đó, chúng tôi đã thực hiện hợp đồng năng lượng và một số khoản đầu tư khác, vì vậy những điều này đã đặt nền móng cho một chuyến viếng thăm rất thành công của nhà vua và sự tích cực đối với quan hệ Nga-Saudi.
Hai nước cũng có thể thảo luận gia han thỏa thuận hạn chế sản lượng dầu qua thời điểm tháng 3/2018.
Bỏ rơi Mỹ?
Các nhà kinh tế học và các nhà phân tích đã lưu ý rằng sự gần gũi ngày càng tăng của Nga và Arab Saudi là nhằm tạo ra một liên minh chiến lược vượt ra ngoài năng lượng, với sự hợp tác về chính trị và kinh tế có thể sẽ đi kèm với các thỏa thuận năng lượng gắn kết hơn.
Chris Weafer, chuyên gia cao cấp của Macro-Advisory, nói với CNBC hôm thứ ba rằng: "Đây là đoàn đại biểu nước ngoài lớn nhất từ trước tới Moscow. Arab Saudi coi trọng mối quan hệ này với Nga. Vua Salman không đến đây chỉ để chụp hình và thăm xã giao. Chuyến thăm này và mối quan hệ với Nga có ý nghĩa rất lớn đối với Arab Saudi, khi họ cần cần đa dạng hoá nền kinh tế và vai trò của mình trong nền kinh tế toàn cầu ".
"Cuộc thăm viếng này rất có ý nghĩa và diễn ra vào thời điểm ảnh hưởng của Mỹ ở vùng Vịnh đang suy giảm. Nga đã tận dụng cơ hội này", Weafer nói.
Theo Weafer, chuyến thăm này cũng đến vào thời điểm Arab Saudi cảm thấy khó chịu với mức độ phát triển mạnh mẽ của ngành dầu đá phiến tại Mỹ.
"Điều này làm Arab Saudi buồn vì họ có một thỏa thuận ngầm rằng các nước OPEC sẽ luôn khai thác vượt mức để đảm bảo rằng họ có thể đáp ứng nhu cầu từ Mỹ ... Nhưng sau đó Mỹ phát triển ngành dầu đá phiến và đẩy Arab Saudi và Opec vào thế khó," ông nói. Arab Saudi được xem như là một đồng minh truyền thống của Mỹ.
Không phải tất cả các nhà phân tích đều tin rằng cuộc hội kiến này báo hiệu một kỷ nguyên mới của sự hợp tác và hòa hợp mới. Đầu tiên là tình hình địa chính trị phức tạp tại Trung Đông, khi Nga và Arab Saudi có những khác biệt về Tổng thống Syria Bashar Assad và vai trò của Iran trong khu vực.
Arab Saudi có lẽ thừa nhận rằng không giống như Mỹ, Nga có thể đóng một vai trò quan trọng việc kiềm tỏa Iran ", ông Ayham Kamel, phụ trách khu vực Trung Đông và Bắc Phi; Greg Priddy, Giám đốc Dầu khí và Zachary Witling, nhà phân tích của Eurasia, nói trong một bản tin hôm thứ 4.
"Về vấn đề Syria, Arab đã chấp nhận việc họ không thể lật đổ Tổng thống Bashar Assad và sẽ giải quyết những khác biệt với Moscow về vấn đề này, trong khi Arab Saudi đang tìm kiếm sự đảm bảo của Nga rằng ảnh hưởng của Iran tại quốc gia sẽ bị hạn chế”, các nhà phân tích trên lưu ý.
Họ cho biết thêm: “Arab Saudi có lẽ quan tâm nhiều hơn đến vấn đề Yemen, nơi mà nước này nhiều khả năng ngừng các chiến dịch quân sự. Arab Saudi sẽ tìm kiếm sự hợp tác của Nga trong việc đảm bảo rằng cán cân quyền lực ở Yemen không nghiêng về hướng có lợi cho Iran ".
Bá Ước
Nguồn CNBC