Vì sao phục hồi kinh tế Trung Quốc là công việc đầy khó khăn?
30 năm qua, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng bình quân 10%/năm, giúp 500 triệu người thoát khỏi đói nghèo. Tuy nhiên, đó là huy hoàng của ngày xưa và giờ đây nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang phải tìm cách duy trì tốc độ tăng trưởng và thực hiện sự chuyển đổi tăng trưởng kinh tế từ phụ thuộc vào đầu tư và xuất khẩu sang tiêu dùng và dịch vụ.
Trung Quốc đang chật vật để đạt được mục tiêu tăng trưởng
Tuy tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc vẫn ở mức ấn tượng so với tiêu chuẩn quốc tế, song những năm gần đây nước này thường xuyên bỏ lỡ các mục tiêu mà Chính phủ đề ra. Các nhà lãnh đạo muốn phát triển theo con đường sạch hơn, xanh hơn, tăng trưởng nợ chậm hơn và giải quyết những vấn đề như ô nhiễm, tham nhũng và lãng phí.
Nền kinh tế chuyển hướng sang dịch vụ
Lao động giá rẻ, những nhà máy công suất lớn và “cơn bão xây dựng” là những yếu tố chủ chốt tạo nên phép màu kinh tế Trung Quốc. Nhưng thời thế đang thay đổi. Lĩnh vực dịch vụ giờ đây chiếm hơn một nửa nền kinh tế và chuyên gia pha chế cà phê, thợ cắt tóc và bảo mẫu đang trở thành động lực tăng trưởng mới.
Chuyển sang cơ chế thị trường là công việc không hề dễ dàng
Các lãnh đạo Trung Quốc đã cam kết cho phép thị trường đóng vai trò lớn hơn trong nền kinh tế. Tuy nhiên đây không phải là quá trình dễ dàng và trơn tru. Thị trường chứng khoán Trung Quốc tuột dốc từ giữa năm 2015 đã khiến 5 nghìn tỷ USD bốc hơi và nhân dân tệ cũng có thời kỳ rơi vào tình trạng bất ổn.
Nguy cơ già trước khi giàu
Người Trung Quốc giàu hơn và nhiều vùng được đô thị hóa hơn, nhưng dân số nước này cũng đang già hóa rất nhanh. Liệu Trung Quốc sẽ rơi vào cái bẫy dân số già như Nhật Bản hay những đồng tiền tiết kiệm của người nghỉ hưu sẽ giúp thúc đẩy tiêu dùng và tái cân bằng kinh tế?
Dòng tiền bị rút ra ồ ạt khi nhân dân tệ mất giá
Nhiều năm tăng trưởng mạnh mẽ khiến dòng vốn đầu tư toàn cầu ồ ạt đổ vào Trung Quốc, trong khi xuất khẩu tăng tạo nên thặng dư khổng lồ. Kết quả là Trung Quốc có dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới. Giờ đây, khi nhân dân tệ suy yếu, Ngân hàng trung ương Trung Quốc buộc phải tiêu tốn dự trữ ngoại hối để ổn định đồng nội tệ và bù đắp lượng vốn bị rút ra.
Nếu không xử lý khéo léo quá trình chuyển đổi, những chính sách sai lầm và tình trạng suy thoái sâu có thể khiến Trung Quốc rơi vào bẫy thu nhập như nhiều nước đang phát triển khác. Ngược lại, nếu thành công, Trung Quốc sẽ tiếp tục vững bước trên con đường trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Nhật Trường
Nguồn Bloomberg