Vì sao Obama cắt ngắn công du Ấn Độ, tức tốc đến Arab Saudi?
Tổng thống Obama hôm 27/1 dẫn đầu một phái đoàn quan chức cấp cao gặp mặt tân Quốc vương Salman của Arab Saudi để chia buồn về sự ra đi của nhà vua Abdullah và làm bền chặt mối quan hệ song phương quan trọng. Các quan chức Mỹ cho biết cuộc gặp gỡ là phiên thảo luận chính thức đầu tiên của tân quốc vương với quan chức nước ngoài.
Sau khi cắt ngắn chuyến thăm Ấn Độ kéo dài ba ngày, ông Obama đến Arab Saudi và chỉ ở Riyadh trong vài giờ. Tuy nhiên, cuộc thăm viếng này có ý nghĩa quan trọng, vì ông hiếm khi xuất ngoại để chia buồn cho sự ra đi của một lãnh đạo nước ngoài. Ông thường cử phó tổng thống, ngoại trưởng hoặc các quan chức cấp cao khác đại diện cho Mỹ làm nhiệm vụ này.
Phái đoàn hoành tráng
Tham gia phái đoàn của Obama là Thượng nghị sĩ John McCain, người từng là đối thủ tranh ghế tổng thống năm 2008, cùng một số quan chức đảng Cộng hòa khác như hai cựu ngoại trưởng James A. Baker III và Condoleezza Rice. Ngoài bà Rice, ba cựu cố vấn an ninh khác cũng có mặt trong chuyến thăm là Brent Scowcroft, Stephen J. Hadley và Samuel Berger.
Các quan chức cấp cao khác tham gia phái đoàn là Ngoại trưởng John Kerry, cố vấn an ninh quốc gia Susan E. Rice, giám đốc CIA John O. Brennan và tướng Lloyd J. Austin III, người giám sát hoạt động của Mỹ tại Trung Đông. Các thành viên đảng Dân chủ đi cùng có Thượng nghị sĩ Mark Warner bang Virginia, và các nghị sĩ Nancy Pelosi và Ami Bera của bang California, Eliot Engel và Joseph L. Crowley của New York.
Quy mô phái đoàn của Mỹ thu hút sự chú ý của nhiều người trong khu vực. "Rõ ràng Obama muốn khẳng định rằng 'chúng tôi quan tâm đến Arab Saudi. Tôi đã tập hợp cả bạn bè và đối thủ để đưa họ đi cùng'", Jamal Khashoggi, một nhà báo và nhà bình luận Arab nổi tiếng nhận định. "Điều đó rất tốt, nhưng liệu cử chỉ này có mang ý nghĩa sâu xa hơn là chỉ chia buồn?".
Lợi ích của Mỹ
Mục đích chuyến thăm của Tổng thống Obama, ngoài chia buồn đến gia quyến Quốc vương Abdullah, còn nhằm lặng lẽ đánh giá tân Quốc vương Salman, ít nhất là về mặt sức khỏe. Nhà vua đã 79 tuổi và từng bị đột quỵ ít nhất một lần, khiến một cánh tay của ông bị hạn chế cử động.
Một số người cho rằng sự quan tâm có vẻ như đầy sốt sắng của Mỹ dành cho vương quốc này phần nhiều là vì lợi ích của Washington. "Dầu của chúng tôi xác định 'phương hướng' cho các cử tri Mỹ, bất kể họ thuộc đảng Dân chủ hay Cộng hòa", Musawi al-Qaisi viết.
Arab Saudi là nhà sản xuất lớn nhất và quan trọng nhất trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), khối kiếm soát khoảng 40% sản lượng dầu mỏ thế giới. Mỹ cho đến gần đây là nhà nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới, vì vậy, liên minh giữa Mỹ với Arab Saudi có ý nghĩa địa chính trị.
Theo The Atlantic, sự bùng nổ trong sản lượng dầu đá phiến gần đây ở Mỹ đã khiến Washington hy vọng rằng không lâu sau, liên minh với Riyadh sẽ không thật sự cần thiết nữa. Mỹ hiện bơm hơn 9 triệu thùng dầu mỗi ngày, gần bằng sản lượng tại Arab Saudi. Các nhà quan sát dự đoán rằng trong 5 năm, Mỹ sẽ có được 80% lượng dầu từ Bắc và Nam Mỹ, và sẽ gần như tự cung tự cấp vào năm 2035. Quyết định không cắt giảm nguồn cung để điều chỉnh giá dầu của OPEC báo hiệu rằng sự bùng nổ của Bắc Mỹ đã cơ bản thay đổi logic hàng hóa toàn cầu.
Arab Saudi vẫn có thể chống đỡ tốt dù giá dầu liên tục giảm. Giá dầu ngày 28/1 ở mức 45,59 USD/thùng. Riyadh về cơ bản cần giao dịch dầu ở mức 80 USD/thùng để cân bằng ngân sách. Tuy nhiên, với dự trữ 750 tỷ USD, áp lực mà vương quốc phải đối mặt tương đối nhỏ.
Ngoài ra, Arab Saudi và các nước thành viên OPEC khác như Kuwait và Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất có dự trữ 460 tỷ thùng dầu trong khi Mỹ chỉ dự trữ 10 tỷ thùng. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ dự báo sản lượng dầu đá phiến của Mỹ sẽ ít có sự thay đổi vào năm 2020.
Như vậy, dù Mỹ có thể giảm phụ thuộc vào dầu của Arab Saudi nhờ bùng nổ sản xuất trong nước, việc vương quốc sẵn sàng giữ sản lượng cao mặc dù giá dầu thấp đã hỗ trợ nỗ lực phục hồi kinh tế trong nước của Tổng thống Obama. Quyết định này cũng giúp ông giữ được áp lực đối với Nga và Iran, hai quốc gia sản xuất dầu đang hứng chịu lệnh trừng phạt của phương Tây.
Đồng minh cần khôi phục đồng thuận
Theo New York Times, tuy là đồng minh nhưng quan hệ giữa Mỹ và Arab Saudi căng thẳng vì ông Obama không tấn công chống lại chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, dù Syria bị Arab Saudi tố là sử dụng vũ khí hóa học. Arab Saudi đối chọi gay gắt với ông Assad, người đàn áp cộng đồng Hồi giáo dòng Sunni chiếm đa số ở Syria. Chính quyền của ông Assad còn nhận được sự ủng hộ từ Iran, đối thủ trong khu vực của Arab Saudi.
Arab Saudi cũng băn khoăn về việc chính quyền Obama theo đuổi thỏa thuận hạt nhân với Iran. Nước này lo ngại thỏa thuận sẽ có ít tác dụng trong việc kiềm chế Iran phát triển vũ khí hạt nhân. Riyadh cũng không hài lòng về chính sách của Washington đối với các cuộc nổi dậy ở thế giới Arap, đặc biệt là ở Ai Cập, nơi Arab Saudi chỉ trích Mỹ quay lưng với một "người bạn", Tổng thống Hosni Mubarak.
Tuy nhiên, chính quyền Obama đã làm việc không ngừng nghỉ để cố gắng khôi phục mối quan hệ với Arab Saudi. Sau cuộc họp giữa Ngoại trưởng John Kerry và Quốc vương Abdullah hồi tháng 6 tại Jidda, Arab Saudi đồng ý tham gia cùng Mỹ không kích chống lại Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria và Iraq. Chuyến thăm mới của ông Obama có thể là một bước nữa để cải thiện quan hệ với vương quốc này.
Ông Khashoggi cho rằng, với rất nhiều vấn đề cấp bách trong khu vực, bao gồm xung đột ở Iraq, Syria, Libya và Yemen, Washington và Riyadh sẽ cần phải làm nhiều hơn để khôi phục ổn định trong khu vực hơn là chỉ cải thiện giao thiệp. "Arab Saudi cùng Mỹ cần khởi động một chính sách mới ở Trung Đông, vì các biện pháp trước đây của hai nước đã thất bại", ông nói.
Một số cựu quan chức trong phái đoàn cho biết việc tăng cường quan hệ với Arab Saudi càng trở nên quan trọng khi Trung Đông ngày càng mất ổn định. "Đây là thời điểm cực kỳ quan trọng và nhạy cảm ở Trung Đông, mọi thứ dường như đã đổ vỡ", cựu ngoại trưởng Baker nói. "Chúng tôi có vấn đề với họ không? Chắc chắn là có. Nhưng chúng tôi sẽ có thể xử lý vấn đề tốt hơn rất nhiều, nếu quan hệ song phương mạnh mẽ trở lại như thời tôi còn đương chức".
Trước khi bay đến Riyadh từ Ấn Độ, ông Obama cho biết Mỹ coi trọng quan hệ đối tác mạnh mẽ với Arab Saudi, mặc dù nước này có vấn đề về nhân quyền và liên quan tới khủng bố.
"Chúng ta cần phải xem xét mối quan hệ và liên kết hiện tại ở Trung Đông để nhận ra rằng chúng ta có chung lợi ích chiến lược với Arab Saudi. Chúng ta cần cùng nhau làm việc để đạt được những lợi ích chung đó, ví dụ như chống lại các tổ chức khủng bố. Chúng tôi cũng đang khuyến khích họ thay đổi theo hướng mới, không chỉ vì lợi ích của chúng tôi, mà quan trọng hơn là vì lợi ích của họ", ông nói trong một cuộc phỏng vấn tại New Delhi.
Ông Obama được hỏi liệu ông có nêu ra vụ việc blogger người Arab Saudi bị phạt 1.000 roi vì ủng hộ chủ nghĩa vô thần hay không. Ông cho biết ông sẽ không nhắc đến vụ việc đó trong dịp này, tuy nhiên, tổng thống khẳng định rằng ông thường xuyên nhắc đến vấn đề nhân quyền với chính phủ Arab Saudi, như ông làm với các nước Washington coi là thiếu dân chủ khác.
"Điều tôi cho là hiệu quả là phải gây áp lực đều đặn và phù hợp. Đôi khi, việc đó làm cho một số đồng minh khó chịu và bực bội", ông Obama nói. "Nhiều lúc chúng ta phải cân bằng giữa quan tâm về vấn đề nhân quyền với các vấn đề cấp bách như chống lại chủ nghĩa khủng bố hoặc bình ổn khu vực".
Nguồn VnExpress