Thứ Tư | 05/04/2017 14:30

Vì sao nước Mỹ chịu thâm hụt thương mại quá lớn với Trung Quốc?

Các vấn đề thương mại sẽ là trọng tâm đàm phán trong cuộc gặp tới đây giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cảnh báo rằng cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tuần này sẽ là rất khó khăn, phần nhiều do những bất đồng về thương mại. Nhưng trước khi nghĩ đến việc giảm thâm hụt thương mại kỉ lục của Mỹ, hiện đã lên tới 347 tỷ USD chỉ riêng với Trung Quốc, ông Trump cần phải nhận ra đâu là nguyên nhân khiến nước Mỹ phải chịu thâm hụt thương mại lớn như thế.

Không giống như trong quá khứ, phần lớn thâm hụt hiện nay không liên quan nhiều tới thao túng tiền tệ hay bất bình đẳng thuế nhập khẩu. Trong thế kỉ thứ 19, thuế nhập khẩu là công cụ chính để can thiệp thương mại, và sau đó thì thao túng tiền tệ được sử dụng nhiều trong những năm 1920-1930, và vẫn tiếp diễn trong suốt thế kỉ 20.

Ngay cả khi các hiệp định quốc tế do Mỹ khởi xướng bắt đầu giới hạn việc áp dụng biện pháp thuế quan, Châu Âu và Nhật Bản đã lợi dụng các điều kiện thời Chiến tranh Lạnh nhằm bảo vệ các ngành công nghiệp trong nước, với các biện pháp như cố tình hạ giá thấp đồng tiền so với USD. Trong nửa sau thế kỷ 20, hầu hết sự mất cân bằng thương mại chủ yếu được quyết định bởi các khác biệt về giá cả hàng hóa, và dòng vốn từ quốc gia này chảy sang quốc gia khác chủ yếu chỉ để cân bằng dòng chảy thương mại.

Vi sao nuoc My chiu tham hut thuong mai qua lon voi Trung Quoc?
Thâm hụt thương mại hàng tháng giữa Mỹ với Trung Quốc ngày càng tăng mạnh. Ảnh: marketrealist.imgix.net

Luật chơi thay đổi

Tuy nhiên ngày nay, mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn: các dòng vốn đầu tư đã lớn hơn rất nhiều các dòng vốn thương mại, và những quyết định của các nhà quản lý quỹ sẽ quyết định điểm đến và độ lớn của dòng vốn đầu tư.

Về mặt lý thuyết kinh tế, GDP = Tiêu dùng + Đầu tư + Chi tiêu chính phủ + Cán cân thương mại (1)

Cán cân thương mại = GDP - Tiêu dùng - Chi tiêu chính phủ - Đầu tư (2)

Trong khi đó Tiết kiệm quốc dân = GDP - Tiêu dùng - Chi tiêu chính phủ (3)

Từ (2) và (3), ta có: Cán cân thương mại = Tiết kiệm quốc dân - Đầu tư (4)

Điều này có tác động lớn đến thương mại. Phần lớn các khối thặng dư thương mại lớn, chẳng hạn như thặng dư mà Trung Quốc đang có với Mỹ, không còn là hậu quả của các biện pháp trọng thương (mercantilism). Thay vào đó, nó đến từ các chính sách trợ vốn cho sản xuất thông qua việc hy sinh chi tiêu hộ gia đình, từ đó làm tăng tỷ lệ tiết kiệm (theo (2)).

Hãy lấy nước Đức làm ví dụ. Sau một thập kỉ chịu thâm hụt thương mại và tỷ lệ thất nghiệp cao, các nhà lãnh đạo tại Berlin đã thực thi chính sách cải cách lao động vào những năm 2003-2005, làm giảm tốc độ tăng lương. Khi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống và lợi nhuận doanh nghiệp tăng lên, những cải cách cũng làm giảm phần đóng góp của tiêu dùng vào GDP.

Vi sao nuoc My chiu tham hut thuong mai qua lon voi Trung Quoc?
Tỷ lệ đóng góp vào GDP của hoạt động tiêu dùng tại Đức đã giảm đáng kể. Ảnh: theglobaleconomy.com

Các doanh nghiệp Đức, sau khi đạt lợi nhuận cao hơn, đã không bù lại vào sự thiếu hụt đó. Họ lấy lợi nhuận để trả bớt nợ, thay vì đem đi đầu tư, và khiến tỷ lệ tiết kiệm quốc dân tăng lên. Và khi chênh lệch giữa tiết kiệm và đầu tư tại Đức tăng mức cao nhất trong lịch sử, thặng dư thương mại của Đức cũng theo đó tăng lên (theo (4)). Các ngân hàng Đức “xuất khẩu” khoản tiết kiệm dư thừa của mình ra các nước Châu Âu khác, nơi việc điều chỉnh lãi suất và tỷ giá không được thực hiện theo luật của khu vực đồng tiền chung Châu Âu. Vào năm 2009, khi tình trạng vỡ nợ đã ngăn nhiều nước Châu Âu hấp thu thêm dòng vốn từ nước Đức, dòng vốn này lại hướng đến các nước bên ngoài Châu Âu.

Những gì xảy ra tại Trung Quốc và Nhật Bản có thể khác nhau về bề ngoài, nhưng tác động cũng tương tự. Trung Quốc đã giảm mạnh lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng. Điều này làm giảm phần đóng góp của hộ gia đình vào GDP của Trung Quốc xuống mức thấp kỉ lục, và cũng đồng thời tăng tỷ lệ tiết kiệm ở Trung Quốc lên mức cao nhất từ trước tới nay. Ngay cả khi là nước có vốn đầu tư tăng nhanh trên thế giới, Trung Quốc vẫn cần thật nhiều thặng dư thương mại nhằm bù lại nhu cầu tiêu dùng nội địa suy yếu.

Vi sao nuoc My chiu tham hut thuong mai qua lon voi Trung Quoc?
Tỷ lệ tiết kiệm / GDP của Trung Quốc thuộc hàng cao nhất thế giới. Ảnh: CNBC

Nước Mỹ ở đâu trong thế trận mới?

Chuyện gì xảy ra kế tiếp? Đây là điều khiến nhiều nhà kinh tế học bối rối, nhất là những người chưa nhận ra hoạt động thương mại toàn cầu đã thay đổi như thế nào. Theo đó, khi các dòng vốn mới đổ vào các nước phát triển như Hoa Kỳ hay Nam Âu, hoạt động đầu tư không tăng lên mà thay vào đó tiết kiệm lại giảm xuống.

Có nhiều lý giải cho hiện tượng này. Dòng vốn chảy vào có thể tăng tỷ giá thực, làm tăng sức mua và giảm tiết kiệm của các hộ gia đình. Dòng vốn cũng có thể làm giảm lãi suất và tiêu chuẩn tín dụng, cả 2 điều này sẽ khuyến khịch các hộ gia đình giàu có chi tiêu mạnh tay. Nhưng điều này có thể tạo ra hiệu ứng giàu có (wealth effect), khi ngoại tệ đổ vào bất động sản và khiến các hộ gia đình tự nhiên trở nên giàu có hơn. Nó cũng làm tăng tỷ lệ thất nghiệp, khiến người ta phải rút tiền tiết kiệm ra dùng. Những quá trình điều chỉnh tự động này sẽ làm giảm tỷ lệ tiết kiệm của các nước nhận dòng vốn.

Với thị trường vốn linh hoạt và đồng USD được xem là đồng tiền dự trữ cho toàn cầu, nước Mỹ sẽ rất dễ bị ảnh hưởng bởi hiện tượng trên. Đây là nước duy nhất có thể hấp thụ các lượng vốn lớn từ nước ngoài, và hiện đã chiếm 1/2 lượng tiết kiệm dư thừa của thế giới.

Vi sao nuoc My chiu tham hut thuong mai qua lon voi Trung Quoc?
Tỷ lệ tiết kiệm quốc dân của Mỹ đã trên đà giảm từ những năm 1960 tới nay. Ảnh: pgpf.org

Điều này nghe có vẻ ngược đời, nhưng nếu ông Trump muốn làm giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc, ông ta phải tập trung vào tài khoản vốn (capital account), chứ không phải cán cân thương mại. Thay vì áp thuế nhập khẩu, Trump nên lựa chọn chính sách giúp hấp thụ tiết kiệm từ nước ngoài một cách hiệu quả hơn, như tận dụng lãi suất thấp và tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Một cách khác là chính phủ Mỹ phải tăng cường kiểm soát các dòng vốn, ví dụ như đánh thuế dòng vốn chảy vào, điều mà họ đã làm trong những năm 1960.

Điều ông Trump không nên làm là áp dụng biện pháp thuế quan nhằm trả đũa Trung Quốc, vốn không phải là nguyên nhân gây mất cân bằng thương mại giữa 2 nước. Tình trạng mất cân bằng thương mại là đến từ việc mất cân bằng tiết kiệm trên toàn cầu, và nước Mỹ không thể giải quyết vế đầu tiên mà không đả động gì tới vế thứ 2. Cuộc gặp sắp tới giữa ông Trump và ông Tập tuần này cũng sẽ không thay đổi được thực tế này.

Bá Ước

Nguồn Bloomberg