Thứ Hai | 22/09/2014 15:20
Các thị trường chứng khoán vẫn tăng điểm và phá vỡ kỷ lục bất chấp những biến động địa chính trị tại Nga, phương Tây, Ukraine và Trung Đông đang diễn ra.
Nước Nga và Tổng thống Vladimir Putin đang là tâm điểm trong những biến động địa chính trị có tầm ảnh hưởng toàn cầu trong hiện tại - Ảnh: Nouvel Economiste.
Đầu năm nay, tôi đã đề cập đến vấn đề "rủi ro địa chính trị" trong một hội nghị đầu tư với những chủ đề được dẫn ra như Nga, Trung Đông, Biển Đông, khu vực châu Âu. Sau đó, tôi đã dùng cà phê với một người khác cũng phát biểu tại hội nghị. Đó là một nhà đầu tư quỹ tư nhân nổi tiếng và tôi đặt ra câu hỏi rằng, ông đánh giá thế nào về các rủi ro địa chính trị?
"Hầu như là không đáng kể", ông ta trả lời. "Chúng tôi nghiên cứu về các công ty, dòng lưu chuyển tiền tệ và các khoản đầu tư của họ".
Người đàn ông nói chuyện với tôi cũng là một tỷ phú và ông đã kết thúc cuộc trò chuyện bằng một lời mời đi đến Madrid trên chiếc máy bay riêng của ông và sẽ thật ngu ngốc nếu không xem xét lời đề nghị hấp dẫn này. Phần lớn thời gian trên chuyến bay, thật sự phù hợp để nói về những sự kiện đang diễn ra. Tuy nhiên, những sự kiện chính trị đang diễn ra có vẻ như lại có ít liên hệ đến thị trường tài chính.
Cuộc chiến tại Syria khiến gần 200.000 người thiệt mạng đang diễn ra trong bối cảnh các thị trường chứng khoán bùng nổ. Tuần trước, trong khi hàng loạt bài viết về cuộc chiến tranh đang diễn ra ở Ukraine, Trung Đông và phong trào độc lập ở Vương quốc Anh xuất hiện trên khắp các mặt báo, thì chỉ số FTSE vẫn lên mức cao nhất lịch sử trong vòng 14 năm qua. Tuần trước đó, chỉ số S&P 500 cũng lần đầu tiên vượt qua ngưỡng 2000 điểm.
Từ lâu, những sự kiện quốc tế đã thực sự thay đổi cách nhìn của giới đầu tư không chỉ trong nhiều tuần, nhiều tháng mà là nhiều năm. Theo như những gì tôi nhớ, lần cuối cùng các sự kiện chính trị có tác động lớn như vậy đến giới đầu tư là cú sốc dầu mỏ trong những năm 70, tiếp đến là cuộc chiến tranh giữa các quốc gia Ả Rập và Israel năm 1973 và cuộc cách mạng ở Iran năm 1979.
Kể từ đó, thế giới phải chịu ít rủi ro địa chính trị hơn so với những cơ hội mà chính những biến động địa chính trị đó mang lại. Nhưng sẽ là hoàn toàn sai lầm khi cho rằng, sự biến động chính trị trên toàn thế giới đã không hề tác động đến các nhà đầu tư trong nhiều thập kỷ qua. Bởi vì, sự biến đổi của chính trị ở cấp độ thế giới đã tạo ra nhiều cơ hội hơn là sự phá hủy đối với khối tài sản kếch xù của giới đầu tư. Dĩ nhiên, nếu xét về mặt trái của nó thì mọi sự kiện chính trị đều có thể tác động bất lợi đến môi trường đầu tư ở các quốc gia riêng biệt. Tuy nhiên, trong nhiều thập kỷ qua, tâm lý của các nhà đầu tư chịu tác động bởi kinh tế nhiều hơn đáng kể so với những biến động chính trị, đặc biệt từ sau khi bong bóng dotcom bùng nổ vào năm 2000, khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và chương trình nới lỏng tiền tệ lớn nhất lịch sử của Mỹ. Các nhà đầu tư đang ngày càng chú ý hơn đến các chính sách tiền tệ hơn là các cuộc chiến tranh dù chúng cũng có thể được dùng để giải thích cho xu hướng tăng giá mạnh của các thị trường chứng khoán trong hiện tại.
Tuy nhiên, tâm lý này có thể khiến cho nhà đầu tư có thể bỏ qua tình hình địa chính trị đang hỗn loạn hiện nay? Trong những năm 70, chiến tranh và cuộc cách mạng tại Iran đã đẩy giá năng lượng tăng sốc cho tận đến khi đẩy các nền kinh tế phương Tây rơi vào tình trạng suy thoái. Nhưng giờ đây, trong lúc hai khu vực sản xuất dầu lớn nhất trên thế giới là Nga và Trung Đông đều đang rơi vào tình trạng hỗn loạn, nhưng giá dầu vẫn giảm chứ không tăng.
Một số nguyên nhân có thể giải thích cho nghịch lý này. Thứ nhất, thị trường dầu mỏ có thêm nguồn cung lớn nhờ cuộc cách mạng khí đá phiến ở Mỹ. Thứ hai, những xung đột trong thế giới các quốc gia Ả Rập vẫn chưa ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất dầu của Ả Rập Saudi và các nước vùng Vịnh. Thứ ba, lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (ISIS) vẫn phải bán dầu khai thác từ các giếng dầu đang chiếm đóng. Và kết quả là giá dầu giảm.
Tồn tại một mối đe dọa chính trị lớn hơn mà các nhà đầu tư có thể phải sẽ đối mặt. 40 năm qua, sự thay đổi chính trị diễn ra theo một chiều hướng chung, đó là một hệ thống kinh tế toàn cầu chịu chi phối từ ngày càng nhiều các quốc gia và cơ hội kinh doanh ngày càng lớn hơn. Tuy nhiên, chính trị có thể mở ra các thị trường mới thì cũng có thể đóng cửa các thị trường đang hoạt động. Chẳng hạn, doanh số bán hàng của các công ty Nhật Bản tại Trung Quốc đã sụt giảm mạnh ngay sau khi căng thẳng Trung-Nhật diễn ra và đầu tư trực tiếp nước ngoài của Nhật Bản tại Trung Quốc cũng đã giảm một nửa trong năm nay.
Hiện nay, trong bối cảnh cuộc chiến các đòn trừng phạt lẫn nhau đang diễn ra giữa Nga và phương Tây, cũng không có gì ngạc nhiên khi thị trường chứng khoán Nga (một trong những thị trường chứng khoán lớn) đã suy yếu. Ngay cả những nhà đầu tư không có lợi ích trực tiếp ở Nga cũng nên cẩn trọng, bởi cuộc xung đột ở Ukraine luôn có thể tồi tệ hơn, với những hậu quả không thể đoán trước đối với toàn bộ các quốc gia châu Âu.
Những gì đang xảy ra có thể dẫn đến kịch bản thậm chí còn tồi tệ hơn: sự trở lại của chủ nghĩa dân tộc. Người ta có thể nhận ra kịch bản này đã diễn ra tại Trung Quốc, Ấn Độ, Ai Cập, Pháp và Scotland. Chủ nghĩa dân tộc và đầu tư nước ngoài hiếm khi là một kết hợp hoàn hảo. Rồi một ngày nào đó, sự quay trở lại của chủ nghĩa dân tộc có thể đe dọa những chiếc máy bay tư nhân đang bay lượn trên bầu trời như thế này.