Vì sao người Mỹ không ăn mừng khi Dow Jones cao nhất 6 năm?
Bên cạnh đó, sự phục hồi của thị trường nhà đất cũng là yếu tố không nhỏ giúp chỉ số Dow Jones phục hồi ngang với thời điểm trước khủng hoảng.
Vậy tại sao người Mỹ lại dường như đứng ngoài niềm vui lớn lao đó của phố Wall? Theo các nhà kinh tế, có 5 lý do kéo người Mỹ ra khỏi niềm vui đó:
1. Người Mỹ ngày càng có ít tiền để đầu tư vào thị trường chứng khoán
Trong năm 2012, số người Mỹ bán cổ phiếu tiếp tục tăng cao, bất chấp những nỗ lực chưa từng có của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nhằm kích thích thị trường và khuyến khích đầu tư từ người dân. Thậm chí, ngay cả khi thị trường chứng khoán tiếp tục tăng trưởng bền vững, người Mỹ vẫn ồ ạt bán ra hàng tỷ USD cổ phiếu.
Một số chuyên gia cho rằng tình trạng bán tháo cổ phiếu của người dân Mỹ tình cờ trùng hợp với một số sự kiện không mấy vui vẻ với thị trường chứng khoán trong năm qua, điển hình là vụ phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO) thất bại thảm hại của Facebook; những sai sót kỹ thuật khiến chỉ số Dow Jones mất tới 600 điểm chỉ trong 5 phút; những biến động chưa từng có liên quan đến châu Âu hay chính sách tài khóa Mỹ.
Điều này cho thấy niềm tin vào thị trường của người dân Mỹ đã sụt giảm nghiêm trọng kể từ khủng hoảng tài chính 2008. Người Mỹ không mua cổ phiếu đơn giản họ không cảm thấy được lợi từ sự tăng kỷ lục của chỉ số Dow Jones.
Bên cạnh đó, việc ngày càng nhiều nhà đầu tư quay trở lại thị trường chứng khoán khiến chi phí gia nhập thị trường cũng tăng cao hơn. Điều này càng khiến nhiều người Mỹ ngại đầu tư vào cổ phiếu.
2. Lương trì trệ và thu nhập giảm
Một trong những nguyên nhân chính khiến người Mỹ không mặn mà đầu tư vào cổ phiếu là do thị trường việc làm yếu khiến lương của họ bị cắt giảm nghiêm trọng.
Trong năm 2012, lương theo giờ của người lao động Mỹ tăng 2,1%, vừa đủ để họ bắt kịp với tốc độ lạm phát của nền kinh tế. Theo báo cáo từ trung tâm nghiên cứu Sentier Research, sau khi điều chỉnh lạm phát, thu nhập trung bình của các hộ gia đình Mỹ đã giảm 4,8% trong giai đoạn từ tháng 6/2009 đến 6/2012.
Trong khi đó, người dân Mỹ vẫn tiếp tục phải chi trả những khoản nợ khổng lồ. Do đó, số tiền dư dả để đầu tư gần như không có.
3. Thuế an sinh xã hội tăng 2%
Trong năm nay, gần 80% người lao động Mỹ bị rơi vào diện chưa đóng thuế sau khi chương trình miễn giảm thuế an sinh xã hội của chính phủ Mỹ hết hiệu lực.
Sau khi thỏa thuận ngân sách vào thời hạn chót giữa quốc hội Mỹ và tổng thống Barack Obama thất bại, thuế an sinh xã hội của mỗi hộ gia đình Mỹ đã tăng từ 4,2% lên 6,2%.
Con số tăng 2% đồng nghĩa một người có thu nhập 50.000 USD/năm sẽ phải đóng 1.000 USD thuế an sinh xã hội. Trong khi đó, 1 hộ gia đình có 2 người lao động sẽ phải đóng 4.500 USD tiền thuế an sinh.
Đây cũng là một nguyên nhân không nhỏ khiến người Mỹ không mấy bận tâm tới niềm vui của phố Wall.
4. Thị trường nhà ở vẫn chưa thực sự hồi phục
Vào thời điểm bùng nổ của thị trường nhà đất Mỹ, mỗi năm có tới 1,5 triệu căn nhà được xây mới. Trong năm 2012, số nhà xây mới là 780.000 căn, tăng 41% so với năm 2009.
Tuy nhiên, đối với người Mỹ, điều đó vẫn chưa đủ để làm sống lại một trong những ngành công nghiệp lớn nhất của nước Mỹ. Với nhiều người Mỹ, nhà là tài sản giá trị nhất của họ. Khi nó mất giá, họ cũng cảm thấy mình không còn giàu có như trước và có xu hướng ít chi tiêu cũng như đóng góp vào sự phục hồi của thị trường nhà đất.
Bên cạnh đó, vẫn còn hàng triệu người Mỹ mang gánh nặng nợ thế chấp trên vai, và số nợ đó thậm chí còn cao hơn giá trị căn nhà mà họ đang sở hữu. Theo số liệu thống kế, có hàng triệu người Mỹ đang đứng trước nguy cơ bị thu hồi nhà do không đủ khả năng trả nợ.
5. Thị trường việc làm cải thiện, nhưng còn chậm
Tỷ lệ thất nghiệp Mỹ vẫn duy trì ở mức 7,9%, mặc dù cải thiện khá nhiều song vẫn cao hơn 5% so với mức trước khủng hoảng. Tình trạng thất nghiệp cao đã ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế Mỹ cũng như niềm tin của người dân.
Những người thất nghiệp không chỉ đóng góp ít hơn cho chi tiêu quốc gia, ước tính chiếm tới 70% hoạt động kinh tế Mỹ, mà còn là gánh nặng tài chính đối với chính phủ.
Bên cạnh đó, chương trình cắt giảm chi tiêu tự động mới đây của quốc hội Mỹ càng làm nhiều người lo sợ bị mất việc làm, khi một loạt bộ, ngành chính phủ phải cho nhân viên nghỉ việc không lương.
Nguồn AP/Khampha