Giải thưởng Nobel Kinh tế năm nay thuộc về một người Pháp duy nhất, đó là Jean Tirole, giáo sư kinh tế 61 tuổi đến từ trường đại học Toulouse 1 Capitole.
Đây là điều trái với thông lệ khi hầu hết mọi giải thưởng Nobel trong lĩnh vực kinh tế đều thuộc về người Mỹ. Đặc biệt, mới năm ngoái, Nobel Kinh tế 2013 đã được trao cho 3 giáo sư kinh tế và cả 3 đều là những người Mỹ và đang giảng dạy tại Mỹ. Tuy nhiên, sự ngoại lệ năm nay không phải là không có lý.
Thông cáo phát đi củaViện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển nêu rõ, giải thưởng trao cho Jean Tirole vì "những nghiên cứu của ông về sức mạnh thị trường và quy định trên thị trường".
Jean Tirole - chủ nhân giải Nobel Kinh tế 2014, là một trong những nhà kinh tế học có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất trong thời đại hiện nay. Giáo sư người Pháp đã đóng góp bằng những nghiên cứu lý thuyết về Tổ chức ngành (Industrial organization), mà hầu hết đều xoay quanh việc làm rõ về cácdoanh nghiệp có sức mạnh trên thị trường và cách quản lý ngành hoạt động của các doanh nghiệp đó.
Trên thực tế hiện nay, nhiều ngành kinh tế đang bị chi phối bởi một vài doanh nghiệp lớn hoặc một doanh nghiệp độc quyền duy nhất. Cộng với việc thiếu sự kiểm soát, những thị trường như vậy thường tạo ra kết quả không như mong muốn của xã hội, khi giá bán bị đẩy lên cao hơn do chi phí, hoặc các doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả nhưng vẫn có thể tồn tại được, bằng cách ngăn cản sự gia nhập ngành của các doanh nghiệp mới, có thể tạo ra năng suất cao hơn.
Kể từ giữa những năm 1980, Jean Tirole đã thổi sức sống mới vào lĩnh vực nghiên cứu về những thất bại của thị trường được gây ra do các doanh nghiệp có sức mạnh thị trường thống lĩnh.
Các phân tích của Jean Tirole về doanh nghiệp có sức mạnh thị trường cung cấp một lý thuyết thống nhất có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến các câu hỏi hóc búa trong chính sách kinh tế: Chính phủ nên đối xử như thế nào đối với các doanh nghiệp lớn sau sáp nhập hoặc các doanh nghiệp liên kết với nhau theo mô hình cartel, và làm cách nào để điều tiết các doanh nghiệp độc quyền?
Trước Tirole, các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách đã tìm ra những nguyên tắc chung để điều tiết mọi ngành kinh tế. Tuy nhiên, chủ trương chính sách được rút ra theo quy tắc khá đơn giản, chẳng hạn như áp đặt (hoặc khống chế) mức giá đối với các ngành độc quyền, hay nghiêm cấm sự hợp tác giữa đối thủ cạnh tranh với nhau (để tránh hình thành cartel), tuy nhiên lại vẫn cho phép các doanh nghiệp thực hiện vai trò khác nhau trong cùng chuỗi giá trị tạo ra sản phẩm được hợp tác cùng nhau.
Về mặt lý luận, Tirole đã chứng minh rằng, những quy định như vậy chỉ có thể mang đến hiệu quả tốt trong một số điều kiện nhất định, nhưng lại mang đến nhiều tác hại hơn là những lợi ích cho những đối tượng kinh tế khác. Ví dụ, việc định giá trần có thể khiến cho các doanh nghiệp có vị thế trên thị trường buộc phải cắt giảm chi phí - một điều tốt cho xã hội, nhưng lại tạo ra lợi nhuận siêu ngạch lớn hơn - đây lại là một điều xấu cho xã hội.
Các mô hình cartel về giá trên một thị trường thường mang đến tác động tiêu cực, nhưng việc liên kết trong lĩnh vực bản quyền sáng chế lại mang đến lợi ích cho tất cả mọi người.
Tương tự, việc các doanh nghiệp sáp nhập một mặt có thể khuyến khích sự đổi mới, nhưng mặt khác cũng có thể bóp méo môi trường cạnh tranh.
Do vậy, sự kiểm soát tốt nhất bằng chính sách (hay chính sách cạnh tranh) cần được các Chính phủ điều chỉnh một cách thận trọng, tùy theo điều kiện cụ thể của mỗi ngành kinh tế. Qua hàng loạt các bài viết trên sách báo, Jean Tirole đã trình bày được một khuôn khổ chung cho việc thiết kế chính sách như vậy và áp dụng nó vào một số ngành kinh tế, từ viễn thông cho đến ngân hàng. Dựa trên những kết quả nghiên cứu mới này, các Chính phủ có thể khuyến khích các doanh nghiệp có sức mạnh trên thị trường vừa hoạt động hiệu quả hơn, vừa ngăn chặn các doanh nghiệp này làm tổn hại đến các đối thủ cạnh tranh và khách hàng.
Nguồn Gafin/Theo DVO