Vì sao Mỹ là trở ngại chính đối với thỏa thuận đóng băng sản lượng dầu thô?
OPEC và Nga sẽ nhóm họp bên lề Diễn đàn Năng lượng Quốc tế (IEF) tại thủ đô Algiers của Algeria vào cuối tháng 9 này. Áp lực đối với cả OPEC và Nga là không chỉ đóng băng mà còn là cắt giảm sản lượng.
Dù các đối thủ [OPEC và Nga] quyết định ra sao, một nhà sản xuất dầu thô đã "qua mặt" họ về tăng trưởng sản lượng trong 5 năm qua và sẽ không bao giờ có thể tham gia vào bất kỳ nỗ lực kiểm soát nguồn cung nào của "liên minh" trên. Đó là Mỹ.
Kể từ năm 2010, nhờ sự bùng nổ sản lượng dầu đá phiến, Mỹ đã chứng kiến mức tăng trưởng sản lượng dầu thô hàng ngày cao hơn bất kỳ nước sản xuất chủ chốt nào trên thế giới.
Sản lượng dầu thô của Mỹ hiện cao hơn 2,87 triệu thùng/ngày so với 6 năm trước, trong khi sản lượng dầu thô của Arab Saudi tăng 2.47 triệu thùng/ngày và Irag tăng 1,9 triệu thùng/ngày cùng thời gian.
Thực tế, sự gia tăng sản lượng dầu thô của Mỹ cao hơn so với mức tăng của cả OPEC - khoảng 3,15 triệu thùng/ngày.
Ann-Louise Hittle, nhà phân tích tại Wood Mackenzie, cho biết, nếu OPEC đồng ý cắt giảm sản lượng trong cuộc họp tại Algiers hoặc thực sự đóng băng sản lượng, giá dầu sẽ tăng và nước sản xuất dầu thô nào sẽ hưởng lợi nhiều nhất khi giá tăng? Câu trả lời là Mỹ.
Đó cũng là một lý do khác giải thích tại sao OPEC rất khó đạt được thỏa thuận đóng băng sản lượng. Mỹ - nhất là giờ đây có thể xuất khẩu dầu thô - đang là mối nguy tranh giành thị phần chứ không còn là mối nguy gián tiếp thông qua việc xuất khẩu sản phẩm.
Hồi tháng 11/2014, OPEC đã không thông qua chính sách cắt giảm sản lượng để hỗ trợ giá dầu - đã giảm hơn 40% kể từ thời điểm đó.
Alexander Poegl, nhà phân tích tại JBC Energy, cho biết, cấu trúc của ngành dầu mỏ và số lượng đông đảo các nhà sản xuất tại Mỹ sẽ không cho phép việc đóng băng sản lượng. Mỹ sẽ hạn chế tăng trưởng sản lượng dầu thô thế nào khi mà chưa có bất kỳ điều khoản nào cho phép chính phủ thực thi việc này?
Nhật Trường
Nguồn Reuters