Đường phố Bắc Kinh. Ảnh: Boston The Bigpictures.

 
Bá Ước Thứ Ba | 18/12/2018 14:00

Vì sao kinh tế Trung Quốc tăng trưởng liên tục trong nhiều năm?

Liệu Trung Quốc đã chứng minh rằng các nguyên lý cơ bản của kinh tế học phát triển là đúng?

Việc kinh tế Trung Quốc  đã có nhiều thập kỷ tăng trưởng vô cùng ấn tượng là điều không bàn cãi. Nhưng thế giới vẫn tranh cãi rằng liệu sự bùng nổ về kinh tế đó của Trung Quốc có thể áp dụng ở nơi khác. Liệu Trung Quốc đã chứng minh rằng các nguyên lý cơ bản của kinh tế học phát triển là đúng? Hay nó cần được sửa đổi? Những câu hỏi này đã được đặt ra khi một nhóm các nhà kinh tế Trung Quốc và nước ngoài gặp nhau tại Bắc Kinh vào ngày 9.12.

Cuộc tranh luận đó được tổ chức tại Đại học Thanh Hoa gợi nhắc về sự khởi đầu bốn thập kỷ trước khi Trung Quốc thực hiện cải cách và mở cửa, tái sinh nền kinh tế. Đây cũng là dịp để tìm hiểu xem làm thế nào Trung Quốc đã làm tốt như vậy. Bốn mươi năm trước, Trung Quốc chỉ chiếm 2% GDP toàn cầu tính theo ngang giá sức mua, bây giờ con số đó là hơn 18%.

Có một điểm nhận được sự đồng thuận rông lớn. Cuộc tranh luận về sự tăng trưởng của Trung Quốc thường diễn ra giữa 2 nhóm gồm: những người tin tưởng bàn tay của chính phủ (của John Maynard Keynes) và những người lại yêu thích trường phái để thị trường tự điều chỉnh hay còn gọi là lý thuyết bàn tay vô hình (của Adam Smith). Nhiều học giả hay chuyên gia tại diễn đàn không đồng tình với sự phân định rạch ròi giữa 2 nhóm này: chính sách của chính phủ và lực lượng thị trường rõ ràng đều quan trọng. Vấn đề thực sự là chúng sẽ bổ trợ nhau như thế nào.

Một báo cáo liên quan đến vấn đề này đã được thực hiện bởi các học giả từ Trung tâm Học thuật về Ý tưởng và Thực hành Kinh tế Trung Quốc thuộc Đại học Thanh Hoa (Tsinghua’s Academic Centre for Chinese Economic Practice and Thinking).  Báo cáo tập trung vào sự cần thiết của khuyến khích đúng cách.

Bởi vì chính phủ trung ương thăng chức cho các quan chức dựa trên hiệu quả kinh tế địa phương, từ lâu họ đã có động lực để thu hút các doanh nghiệp và khuyến khích đầu tư. Ông Li Daokui, người đứng đầu Trung tâm, lập luận rằng đây là yếu tố quan trọng giúp Trung Quốc cất cánh, ngay cả khi nó cũng dẫn đến các vấn đề như ô nhiễm và nợ tăng mạnh.

Những lời phê bình đến từ 3 khía cạnh. Đầu tiên, một số người cho rằng bài học kinh tế của Trung Quốc thực ra cũng không có gì mới. Một trong số đó là chính phủ nên chế ngự các chu kỳ kinh tế - một quan điểm Keynes. Thứ hai, Trung Quốc có những lợi thế nhất định mà những nước khác không có. Như Edward Prescott, một người đoạt giải Nobel Kinh tế của Mỹ, lưu ý diện tích rộng lớn của đất nước Trung Hoa đã thúc đẩy sự cạnh tranh lành mạnh giữa các khu vực.

Thứ ba, phần lớn những gì đã được áp dụng cho Trung Quốc có thể không còn hiệu quả nữa. Ông Barry Eichengreen, giáo sư kinh tế thuộc Đại học California, Berkeley, kết luận rằng do đã đầu tư (một cấu thành của GDP) rất nhiều, Trung Quốc chỉ có cách là phải tăng năng suất nhằm để thăng tiến hơn nữa, điều này đòi hỏi Bắc Kinh phải cải cách mạnh mẽ như tư nhân hóa các công ty nhà nước.

Việc giới phân tích không thể đạt được một sự đồng thuận quá lớn lại gợi ra một luận điểm lớn hơn. Ông Dani Rodrik, một nhà kinh tế học và là giáo sư của Đại học Harvard, nhấn mạnh việc Trung Quốc thử nghiệm liên tục, từ những khu vực xuất khẩu đầu tiên hay trong việc thực thi mô hình kinh tế thị trường. Khi các chính sách hoạt động tốt ở một nơi, chúng đã được sao chép. Nếu không, chúng bị loại bỏ. Điều đó không đủ để tạo ra một một lý thuyết kinh tế mới lớn. Nhưng nó hướng đến việc tạo ra một nền kinh tế tốt trong thực tế.