Thứ Tư | 11/09/2013 13:45

Vì sao khối ngân hàng nhà nước Trung Quốc bỏ tiền nuôi dự án lớn?

Bên cạnh việc hỗ trợ các dự án trong nước, mục đích của Trung Quốc là thúc đẩy đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Lộ trình bản kế hoạch 5 năm lần thứ 12 của Trung Quốc chỉ rõ mục tiêu, cho đến cuối năm 2015, đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Trung Quốc phải đạt tăng trưởng trung bình 17% mỗi năm.

Để hỗ trợ các công ty, khối ngân hàng nhà nước của Trung Quốc không thể đứng ngoài cuộc. Đặc biệt là 2 ngân hàng: Ngân hàng Xuất nhập khẩu (Eximbank) và Ngân hàng Phát triển (CDB). Trong đó, CDB được thành lập vào năm 1994 để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng lớn của các tỉnh dưới sự chấp thuận của chính quyền trung ương Trung Quốc. Ngân hàng CDB chắc chắn sẽ mang lại sự hỗ trợ lớn để những công trình khổng lồ như đập Tam Hiệp được xây dựng thành công. Trong năm 2010, CDB đã từng cho vay ra 687 tỷ USD, con số lớn gấp đôi so với Ngân hàng Thế giới.

Đập thủy điện Tam Hiệp
Đập Tam Hiệp, công trình thủy điện lớn nhất thế giới.

Dĩ nhiên, để phục vụ mục tiêu trên, vị trí giám đốc điều hành cấp cao của cả hai ngân hàng này đều do Ban Tổ chức của Đảng Cộng sản Trung Quốc bổ nhiệm. Tương tự như những ngân hàng đã công khai sở hữu nhà nước, nhưng định hướng theo mô hình ngân hàng thương mại, như Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) chẳng hạn.

Tuy nhiên, vai trò của Eximbank và CDB là không thể thay thế để đạt đến những bước đột phá dành của các công ty Trung Quốc ở nước ngoài. Andre Loesekrug-Pietri, giám đốc quỹ A Capital cho rằng: "CBD và Eximbank đóng một vai trò quan trọng, bởi hầu hết các hoạt động trong lĩnh vực khai thác tài nguyên thiên nhiên đều liên quan đến hai ngân hàng này".

Các ngân hàng nhà nước Trung Quốc có nhiệm vụ hỗ trợ cho các dự án lớn, thường đó là các dự án phát triển cơ sở hạ tầng để đổi lấy hợp đồng khai thác và chế biến dầu mỏ tại châu Phi. Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB) đã cho vay 18,9 tỷ USD sang Châu Phi. Đồng thời, ngân hàng này cũng tài trợ cho các doanh nghiệp Trung Quốc phát triển ngành công nghiệp tại Châu Âu. Chẳng hạn, Volvo đã nhận được một khoản vay lên đến 922 triệu euro từ CDB hồi tháng 12/2012, nhằm phục vụ cho kế hoạch tái cơ cấu và tăng trưởng.

Hỗ trợ các công ty Trung Quốc tiến ra các thị trường nước ngoài là một lựa chọn mới và có hiệu quả của chính quyền Bắc Kinh. Tỷ suất lợi nhuận từ hoạt động đầu tư ra nước ngoài được kiểm chứng, mà ít nhất là cao hơn lợi suất trái phiếu của Mỹ, nơi luôn là lựa chọn số một trong số các hình thức dự trữ ngoại hối của quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới. Đó là sự thay đổi tự nhiên, như giáo sư George Yip từng nói, đây là sự "tiến hóa" tự nhiên cho Trung Quốc, để có thể tìm kiếm nhiều lợi nhuận hơn ở nước ngoài".

Trong bối cảnh đồng vốn nhà nước đầu tư vào khu vực nội địa đang bộc lộ nhiều yếu kém, do hiệu quả không cao và tình trạng tham nhũng nặng nề, thì lựa chọn đầu tư ra nước ngoài với sự hỗ trợ đắc lực từ các ngân hàng nhà nước của Trung Quốc có thể sẽ đem đến những khoản đầu tư tốt hơn nhiều, trên cả ba phương diện kinh tế, chính trị và ngoại giao.

Nguồn Dân Việt


Sự kiện