Thứ Bảy | 06/04/2013 16:07

Vì sao giảm phát là cơn ác mộng với Mỹ?

Các chương trình kích thích kinh tế tích cực được Fed thực hiện, một phần được thúc đẩy bởi nỗi sợ giảm phát ngày càng tăng.
Khoảng một thập kỷ trước, 12 nhà kinh tế hàng đầu của Fed đã được giao cho nghiên cứu về tình trạng giảm phát ở Nhật Bản. Họ kết luận rằng cách tốt nhất để chống lại giảm phát là bắt đầu một gói kích thích cực lớn và nhanh chóng, đó là chính xác những gì các ngân hàng trung ương đã thực hiện.

Nhìn lại Cuộc Đại Suy Thoái sẽ thấy, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Ben Bernanke từng nhận xét: "Tính nghiêm trọng của Cuộc Đại Suy Thoái không chỉ bởi vì sự lan rộng của giảm phát mà còn vì sự lan rộng của những khoản nợ có quy mô và ảnh hưởng rất lớn của những năm 1920”.

Trong bài phát biểu "Giảm phát-hãy bảo đảm không xảy ra nơi đây”, Ben Bernanke từng đưa ra dự định “điên rồ” về việc rải tiền từ trực thăng xuống. Ông còn tiết lộ Fed đã chuẩn bị đến đâu để ngăn ngừa giảm phát.

Giải pháp của Bernanke là cung cấp nhiều và nhiều hơn nữa tiền tệ thanh toán, chứ không phải tiền. Trong bài phát biểu đó, ông còn đề cập đến khả năng cắt giảm lãi suất về mức 0%.

Vì sao Bernanke và Fed lại lo sợ cơn ác mộng giảm phát đến thế, liệu thúc đẩy tăng trưởng có giúp tránh khỏi vòng xoáy giảm phát?

Giảm phát triệt tiêu nỗ lực khuyến khích vay, thúc đẩy tăng trưởng

Fed lo ngại giảm phát sẽ cản trở những nỗ lực điều chỉnh lạm phát, lãi suất thực tế âm như là một cách để khuyến khích người dân vay. Bởi lãi suất mục tiêu ngân hàng trung ương không thể nhỏ hơn không, lãi suất thực luôn luôn dương khi giảm phát xảy ra. Vì thế giảm phát nếu xảy ra sẽ triệt tiêu mọi nỗ lực của Fed nhằm khuyến khích đi vay và cho vay, qua đó thúc đẩy tăng trưởng.

Tuy nhiên, do chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vẫn đang tăng, lãi suất thực xuống âm, một thời gian ngắn sau khi Fed cắt giảm lãi suất cơ bản về bằng không.

Chỉ cần nhìn lượng tiền dự trữ vượt quá 1,7 nghìn tỷ USD trong tài khoản của các ngân hàng thương mại tại Fed để biết rằng điều này vẫn không thúc đẩy một làn sóng vay mượn như mong đợi.

Fed cũng lo ngại về kỳ vọng giảm phát, khi mà người mua trì hoãn việc mua hàng vì họ kỳ vọng giá sẽ thấp hơn. Điều này làm trầm trọng thêm tình trạng dư thừa hàng tồn kho và bắt buộc giá phải giảm.

Nghi ngờ của Fed được khẳng định, người mua trong tương lại sẽ chờ đợi thậm chí còn lâu hơn và một vòng xoáy giá giảm đang phát triển.

Giảm phát làm trầm trọng hơn vấn đề nợ, ngân sách chính phủ

Fed luôn lo rằng giảm phát sẽ làm tăng giá trị thực của các khoản nợ chính phủ. Giá trị danh nghĩa không thay đổi, nhưng khi giá giảm, chi phí vay nợ tăng theo giá thực tế.

Hãy đặt vào tình huống cụ thể của nước Mỹ và nghĩ theo hướng sau đây: Liệu bạn có nhận giấy nợ và cho một gã nào đó vay tiền mà bạn đã tiết kiệm cả đời, trong khi gã này đang gặp vấn đề về khả năng trả nợ (do giảm phát)? Bạn biết rằng gã này đã vay nợ khắp thiên hạ suốt hơn 70 năm qua, và rằng trong phần lớn những năm đó gã vẫn tiêu sài nhiều hơn hẳn số tiền mà gã vay? Có lẽ câu trả lời của bạn là không.

Cái "gã" được nhắc tới ở trên chính là chính phủ Mỹ. Lần cuối cùng họ trả nhiều hơn vay đã hơn 75 năm về trước.

Quốc hội và chính quyền Mỹ cũng ghét giảm phát vì làm giảm doanh thu danh nghĩa, lợi nhuận doanh nghiệp và thu nhập của các hộ gia đình giảm và người nộp thuế rơi vào khung thuế suất thấp hơn.

Chủ tịch Fed với cuộc chiến chống giảm phát dai dẳng.
Giải pháp chống giảm phát của Bernanke là cung cấp nhiều và nhiều hơn nữa tiền tệ thanh toán.

Trong hoàn cảnh chi phí thực của nợ liên bang ngày càng tăng và làm suy yếu khả năng chi trả của chính quyền. Điều này ngược lại với lạm phát - tồn tại từ những năm 1930 giúp cho giá trị thực của nợ liên bang tăng chậm hơn so với giá trị danh nghĩa.

Nguyên nhân gốc rễ của giảm phát trong tương lai là gì? Giảm phát là kết quả tổng hợp từ nguồn cung cấp dư thừa hàng hoá và dịch vụ so với nhu cầu.

Những nhà kinh tế chịu ảnh hưởng bới tư tưởng chủ nghĩa tiền tệ của Milton Friedman, tin rằng “lạm phát (giảm phát) ở đâu và bao giờ cũng luôn là một hiện tượng tiền tệ…và nó chỉ có thể xuất hiện một khi cung tiền tăng nhanh hơn sản lượng”. Sự cân bằng cung cầu hàng hóa mới là yếu tố quyết định hiệu quả của một chính sách tăng hoặc giảm cung tiền.
Chính sách tiền tệ chỉ mang lại hiệu quả tạm thời

Chỉ trích nặng nề nhất về chính sách tiền tệ Mỹ là vào những năm 1940, các cơ quan quản lý tiền tệ khi đó như những "kẻ ngu ngốc vô trách nhiệm" đã cho phép tăng lượng cung tiền khổng lồ và gây ra lạm phát chưa từng có. Đó cũng là thời điểm diễn ra Thế chiến thứ II, trong thời chiến chính sách tiền tệ chỉ đơn thuần là “người hầu gái” cho chính sách tài khóa.

Nhằm phục vụ chiến tranh, rất nhiều sản phẩm của nền kinh tế đổ vào quân sự, còn lại khu vực dân sự lượng cung hàng hóa và dịch vụ ít hơn so với sức mua. Thế là lạm phát xảy ra do nguyên nhân đầu tiên: chi phí đẩy.

Chính phủ cũng tránh tăng thuế để tài trợ cho chiến tranh. Thay vào đó, chính phủ bán trái phiếu chiến tranh và cho phép một sự gia tăng rất lớn trong cung tiền. Nguyên nhân thứ 2 của lạm phát xuất hiện và người dân Mỹ đều phải chịu một thứ thuế không được công khai, đó là thuế lạm phát.

Tuy nhiên, tốc độ tăng cung tiền (M2) tương đối ổn định 3% hàng năm ở Nhật Bản trong hai thập kỷ qua cũng không ngăn chặn được giảm phát dai dẳng cùng sự gia tăng rất lớn của nợ chính phủ. Cả hai kích thích tiền tệ và tài khóa đều bị vô hiệu bởi tỷ lệ tiết kiệm của người tiêu dùng Nhật Bản tăng, mức chi tiêu ít ỏi của các hộ gia đình trong những năm 1990 và gần đây là của cả khu vực kinh doanh.

Câu chuyện tương tự diễn ra ở Mỹ, các chính sách nởi lỏng tiền tệ không vượt qua được hoạt động giải chấp của khu vực tư nhân. Không chỉ tăng trưởng yếu, mà lạm phát gần như đã biến mất.

Đối với Mỹ, nhiều khả năng giảm phát là kịch bản trong những năm tới. Các chương trình kích thích tài chính được thu hẹp như một kết quả tất yếu từ cuộc chiến ngân sách ở Washington, nơi mà Quốc hội và chính quyền Barack Obama đang nghiêm túc bàn thâm hụt ngân sách và giảm sản xuất do thế hệ bùng nổ người trẻ đang dần rời khỏi thị trường lao động.

Fed cam kết thực hiện các chương trình nới lỏng định lượng cho đến khi tỷ lệ thất nghiệp đạt 6,5% và mục tiêu chống giảm phát được chinh phục. Nhưng khi kết thúc giải chấp và tăng trưởng kinh tế trở lại bình thường, ngân hàng trung ương sẽ buộc phải cắt giảm lượng dự trữ dư thừa rất lớn, cung tiền có xu hướng giảm xuống và do vậy, các chính sách tài chính và tiền tệ hiện tại nhằm chống lại áp lực giảm phát mạnh mẽ chỉ là tạm thời.

Nguồn Dân Việt/Bloomberg


Sự kiện