Ảnh: Denvor Post.
Vì sao giá dầu tăng 50%?
Venezuela đang hỗn loạn. Iran đang vật lộn với các lệnh trừng phạt của Mỹ. Và bây giờ bạo lực đang gia tăng ở Libya. Rắc rối ở ba quốc gia OPEC này đã giúp đưa giá dầu của Mỹ tăng trở lại trên 64USD/thùng.
Những bất ổn mới nhất tại ba nước thành viên OPEC khuếch đại các lệnh giới hạn nguồn cung được áp đặt bởi khối này. Ả rập Saudi đã cắt giảm sản xuất cũng như xuất khẩu sang Mỹ trong nỗ lực đẩy giá dầu lên cao hơn và cân đối ngân sách của mình.
Bất chấp sản lượng dầu của Mỹ tăng kỷ lục, giá dầu ở Mỹ đã tăng 50% kể từ khi giảm mạnh xuống mức 42,53 USD/thùng vào đêm Giáng sinh. Và giá xăng dầu đang tăng cao hơn khi nền kinh tế Mỹ vật lộn với sự suy giảm.
"Câu chuyện nguồn cung là nguyên nhân khiến giá dầu tăng lên," Shin Kim, người đứng đầu bộ phận nguồn cung và sản lượng dầu tại S&P Global Platts cho biết. Và ông nói thêm: "Tiềm năng leo thang xung đột ở Libya đã làm gia tăng rủi ro đáng kể cho sản xuất dầu."
Giá dầu WTI đạt mức cao nhất trong 5 tháng là 64,79 USD/thùng vào sáng 9.4 trước khi giảm xuống.
Ryan Fitzmaurice, chiến lược gia năng lượng tại Rabobank, nói: "Tôi sẽ không ngạc nhiên khi thấy giá dầu đạt 70USD/thùng trước giữa mùa hè".
Hiện giá dầu Brent đã lần đầu tiên ở mức trên 71 USD/thùng kể từ giữa tháng 11 năm ngoái.
Giá dầu tăng mạnh thời gian qua |
“Khủng hoảng an ninh nghiêm trọng” tại Lybia
Các cuộc đụng độ ở Libya trong những ngày gần đây đe dọa 1,3 triệu thùng dầu/ngày do đất nước này đang sản xuất. Chính phủ Lybia do Liên Hợp Quốc ủng hộ cho biết họ đã đẩy lùi một cuộc tấn công của phiến quân vào cuối tuần rồi sau khi mất kiểm soát sân bay của Tripoli trong một thời gian ngắn.
Việc sản xuất dầu của Libya đã bị ảnh hưởng trong nhiều năm do cuộc nội chiến đẫm máu. Nhưng sản xuất dầu đã tăng trở lại trong những tháng gần đây. Nguồn cung thực tế chưa bị ảnh hưởng, nhưng các nhà giao dịch dầu khí đang theo dõi tình hình chặt chẽ.
Ben Cook, giám đốc danh mục đầu tư của BP Capital Advisors cho biết: "Thị trường sẽ trở nên tồi tệ. Nếu Libya không thể sản xuất, giá dầu có thể dễ dàng tăng 5-10 USD/thùng so với mức hiện tại".
Lệnh trừng phạt, mất điện đang bóp nghẹt Venezuela
Trong khi Libya là trung tâm thu hút mọi sự chú ý hiện tại, tình trạng hỗn loạn ở Venezuela mới là nguyên nhân lớn hơn cho những rắc rối về nguồn cung trong thực tế.
Venezuela đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi lệnh trừng phạt của chính quyền Trump đối với công ty dầu mỏ nhà nước PDVSA. Mỹ đã không nhập khẩu một thùng dầu thô nào từ Venezuela trong ba tuần cuối tháng ba, theo thống kê của chính phủ Mỹ. Đó là một sự sụt giảm mạnh từ mức nhập khẩu hàng tuần khoảng 600.000 thùng/ngày trước khi lệnh trừng phạt được công bố vào cuối tháng 1.
Mỹ chưa bao giờ trải qua cả một tháng mà không nhập dầu một thùng dầu nào từ Venezuela kể từ khi chính phủ nước này bắt đầu theo dõi số liệu này vào năm 1973.
Sản lượng dầu của Venezuela tiếp tục bị gián đoạn bởi sự cố mất điện hàng loạt ở nước này, điều này đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo của quốc gia này.
Trong khi đó, các nhà đầu tư dầu mỏ đang theo dõi chính quyền Trump để tìm manh mối về việc liệu họ gia hạn quyền miễn trừ cho phép các nước tiếp tục mua dầu từ Iran hay không. Việc miễn trừ đã được công bố vào mùa hè năm ngoái và góp phần vào tình trạng dư cung đã khiến giá dầu thô rơi vào một thị trường gấu.
"Những miễn trừ đó chủ yếu được thúc đẩy bởi động cơ chính trị," Cook nhắc đến cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ mùa thu năm ngoái. "Chúng tôi không nghĩ nó sẽ lại diễn ra lần này".
OPEC và các đồng minh có lẽ đã thành công trong việc nâng giá dầu thành công trong thời gian ngắn. Ả rập Saudi đã rất tích cực trong việc hỗ trợ giá dầu. Nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới đã cắt giảm mạnh các chuyến hàng đến Mỹ như một cách để thể hiện cam kết cân bằng thị trường.
Thế còn sự bùng nổ dầu đá phiến của Mỹ?
Một động lực khác khiến giá dầu cao hơn đó là việc các quỹ phòng hộ và các tổ chức khác đã gia tăng đặt cược giá dầu sẽ tăng lên.
Sau khi đặt cược giá dầu giảm vào năm ngoái, các nhà giao dịch theo xu hướng này đã kì vọng giá dầu sẽ tăng lên trong những tháng gần đây. Những vị thế đầu cơ có thể phóng đại biến động giá.
"Tình thế là khá kịch tính" Fitzmaurice của Rabobank nói. "Khi giá đã tăng, tất cả số tiền này đã đổ lại vào thị trường. Và giá dầu có thể lại càng tăng mạnh hơn". Đà tăng giá này sẽ vẫn diễn ra dù sản lượng tại Mỹ có thể tăng lại.
Mỹ đã bơm dầu với mức kỷ lục 10,96 triệu thùng/ngày trong năm 2018, tăng 17% so với năm trước, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ. Xu hướng đó đã gia tăng vào tháng 12 khi sản lượng của Mỹ đạt mức cao nhất mọi thời đại là 11,96 triệu thùng/ngày.
Sự tăng trưởng bùng nổ của Mỹ nhiều khả năng sẽ vẫn chưa kết thúc. EIA dự kiến sản lượng của Mỹ sẽ đạt trung bình 12,3 triệu vào năm 2019 và 13 triệu vào năm 2020.
Ông Trump sẽ phản ứng như thế nào?
Có thể việc giá dầu tăng giá sẽ khiến Tổng thống Donald Trump lại đưa ra những chỉ trích về OPEC. Các cuộc công kích của ông trước đây đã gây ra sự sụt giảm ngắn hạn trong giá dầu.
Chính quyền Trump cũng có thể giải phóng thùng từ Cục Dự trữ Dầu khí Chiến lược, kho dự trữ dầu khẩn cấp của quốc gia.
Nhưng Fitzmaurice không cho rằng một động thái như vậy sẽ khó mang lại tác động lâu dài.