Bloomberg

 
Bá Ước Thứ Bảy | 06/01/2018 08:52

Vì sao Donald Trump là nguyên nhân khiến đồng USD suy yếu?

Bloomberg vừa đưa ra một vài lý do khiến đồng USD suy yếu mạnh trong năm qua.

Tổng thống Donald Trump vẫn khoe khoang về sự gia tăng chỉ số chứng khoán kể từ sau khi ông đắc cử. Ông đã lại khoe khoang như thế vào ngày 5.1, khi tuyên bố rằng ông đã giúp tạo ra "sáu nghìn tỷ USD giá trị." Có thể ông đúng phần nào, nhưng cũng có thể ông Trump cũng phải chịu trách nhiệm một phần về sự suy yếu của đồng USD trong năm 2017, xét trên góc độ quốc tế và làm giảm đi khá nhiều “giá trị” mà ông nói là đã tạo ra.

Trong năm 2017, đồng USD suy yếu 10% so với đồng euro và 5,5% so với đồng Nhân dân tệ (NDT). USD là đồng tiền có màn trình diễn tệ thứ 2  sau đồng đô la New Zealand. Đây là mức suy yếu lớn nhất của đồng bạc xanh trong gần một thập niên dù Fed đã nâng lãi suất 3 lần trong năm 2017 vừa qua và quốc hội Mỹ cũng đã thông qua đạo luật cải cách thuế của ông Trump, đây là hai yếu tố mà theo lý thuyết có thể khiến đồng USD mạnh lên.

Theo Leonid Bershidsky điều này là do nhiều lý do phức tạp, có thể bao gồm sự phổ biến của đồng USD như một công cụ gọi vốn cho các công ty nước ngoài và các chính phủ nước ngoài, nhưng các chính sách đối ngoại của Trump đã làm suy yếu vị thế toàn cầu của nước Mỹ chính là nguyên nhân chủ yếu cho sự suy yếu của đồng USD.

Trong một bài báo năm 2017, nhà kinh tế Barry Eichengreen thuộc Đại học California, Berkeley và Arnaud Mehl và Livia Chitu của Ngân hàng Trung ương Châu Âu đã phát triển lý thuyết "Mercury and Mars" (tạm dịch là Sao thủy và Sao kim) về giá trị của các đồng tiền dự trữ. Họ đã viết rằng một đồng tiền hai sức hút.  Mercury là về mặt kinh tế: Tất cả là về tính an toàn, thanh khoản, hiệu ứng mạng lưới và kết nối kinh tế. Mars là về mặt chính trị: Nó phản ánh sức mạnh chiến lược, ngoại giao và quân sự của đất nước.

Các nhà nghiên cứu đã cố gắng định lượng hai yếu tố này bằng cách xem xét thành phần dự trữ ngoại tệ của các quốc gia. Họ thấy rằng từ giai đoạn năm 1890 và 1913, các quốc gia thường dự trữ bằng đồng tiền của các đối tác quốc phòng của mình,ngay cả khi chỉ thuần vì lý do kinh tế. Và vì lý do chính trị cũng hợp logic, nhất là trong kỷ nguyên hạt nhân. Mỹ là quốc gia đảm bảo an ninh cho Nhật Bản và Hàn Quốc, vì thế các quốc gia này dự trữ đồng USD nhiều hơn Pháp, Nga hay Trung Quốc, vốn tự có  năng lực răn đe hạt nhân riêng.

Eichengreen, Mehl và Chitu đã phát triển một mô hình dự đoán thành phần dự trữ ngoại hối của các nước khi có và khi không có “hiệu ứng Mars”. Họ nhận thấy rằng,  với các quốc gia được Mỹ đảm bảo an ninh, thường nắm nhiều dự trữ bằng USD nhiều hơn là dự báo của mô hình.

Vi sao Donald Trump la nguyen nhan khien dong USD suy yeu?
Dự trữ của các nước bằng đồng USD thực tế (màu đen); Dự trữ của các nước bằng đồng USD theo dự báo của mô hình có bao gồm hiệu ứng Mars, và (màu xám đậm); Dự trữ của các nước bằng đồng USD theo dự báo của mô hình không bao gồm hiệu ứng Mars  (màu xám nhạt). Ảnh: Bloomberg 

Eichengreen và những cộng sự cho rằng " giá trị an ninh" của đồng USD chiếm một phần đáng kể trong tính hấp dẫn của nó như một đồng tiền dự trữ. Việc mất giá trị an ninh khiến dự trữ bằng đồng USD của các quốc gia giảm 30 điểm phần trăm. Chính sách "nước Mỹ trên hết" dường như dường như làm suy yếu "giá trị an ninh". Einchengreen, Mehl và Chitu  nhận định:

“Sự thống trị của đồng USD như một bản vị quốc tế do vai trò của Mỹ như là một siêu cường bảo đảm an ninh cho các quốc gia đồng minh. Nếu vai trò đó suy yếu khi Mỹ ngày càng có xu hướng ít quan tâm hơn an ninh của đồng mình thì  giá trị an ninh của USD có thể sẽ giảm đi. Trong trường hợp này, ước tính của chúng tôi cho thấy rằng một lượng tài sản bằng đồng USD trị giá 750 tỷ USD, tương đương 5% của nợ công  của Mỹ, sẽ bị thanh lý và đầu tư vào các đồng tiền khác như đồng Yên Nhật, đồng Euro và đồng Nhân dân tệ”.

Theo Leonid Bershidsky, trong cả năm 2017, chính quyền Trump đã khiến các đồng minh không thể nắm bắt được liệu Mỹ có còn thiết tha bảo vệ quốc gia của họ hay không, đến mức họ nghi ngờ các cam kết an ninh hiện tại của Mỹ. Sự nóng nảy và hiếu chiến của Trump, như khi ông nói mình có "nút hạt nhân lớn hơn" (trong cuộc khẩu chiến với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un), không giúp làm tăng uy tín của Mỹ như một người bảo đảm an ninh toàn cầu. Những tiết lộ gần đây càng vạch rõ sự kém cỏi của Trump, chẳng hạn như cuốn sách mới của Michael Wolff, cũng làm giảm danh tiếng của đồng USD như một tài sản an toàn.

Không có gì ngạc nhiên khi tỷ lệ đồng USD trong dự trữ ngoại hối toàn cầu vào cuối quý III.2017 xuống mức thấp như từng diễn ra vào năm 2014, theo báo cáo cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế,. Nó đã suy giảm trong suốt 3 quý đầu của năm 2017.

Tỷ lệ này vẫn ở mức 63,5%, cao hơn hẳn các đồng tiền dự trữ khác. Các ngân hàng trung ương nắm giữ 6,13 nghìn tỷ USD. Phải mất nhiều năm hoặc thậm chí cú sốc lớn mới có thể phá huỷ hoàn toàn những lợi thế "Mercury" và "Mars" của đồng USD. Nhưng sự chuyển đổi sang các loại tiền tệ khác phản ánh một nhận thức rằng việc đặt cược lớn hơn vào nước Mỹ là không an toàn. Đó có thể là một trong những lý do khiến các đồng tiền khác mạnh lên so với đồng USD trong thời gian gần đây.

Tất nhiên, ai cũng nhớ rằng Trump thích đồng USD suy yếu vì nó giúp tăng tính cạnh tranh của nước Mỹ trong thương mại. Nhưng sự suy yếu đó lại không đến từ bất kỳ chính sách nhất quán nào. Ngược lại, chính những phát ngôn thiếu tính toán của Trump đã làm suy yếu đồng USD. Leonid Bershidsky ví von rằng một Mars (Sao hỏa) mất phương hướng đang đánh gục một Mercury (Sao thủy) trong sự cuồng nộ và biển lửa (Fire and Fury).