Thứ Ba | 05/01/2016 13:34

Vì sao chứng khoán Trung Quốc “sập sàn” ?

Cơ chế tự ngắt của thị trường chứng khoán Trung Quốc đã hoạt động khi nhà đầu tư tháo chạy trong bối cảnh kinh tế giảm tốc, nội tệ suy yếu.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc đã cho thấy “sức nặng” của mình đối với thị trường toàn cầu trong phiên giao dịch đầu năm 2016 khi tình trạng bán tháo trên sàn Thượng Hải khiến thị trường toàn rực sắc đỏ.

Các nhà đầu tư nhỏ lẻ đã bán tống bán tháo cổ phiếu Trung Quốc trước những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này đang tăng trưởng chậm lại và Bắc Kinh tiếp tục phá giá nhân dân tệ (NDT).

Hầu hết những yếu tố dẫn đến tình trạng bán tháo của chứng khoán Trung Quốc phiên 4/1 đều không mới; điều ngạc nhiên là ảnh hưởng của Trung Quốc đối với thị trường toàn cầu. Còn nhớ, khi thị trường chứng khoán Trung Quốc lao dốc hồi mùa hè năm 2015, phải sau vài tuần, thị trường toàn cầu mới có phản ứng, nhưng lần này, chỉ trong một ngày đen tối của chứng khoán Trung Quốc, thị trường toàn cầu cũng ngập trong sắc đỏ.

Leo Gao, nhà quản lý quỹ tại Quỹ phòng hộ Greenwoods Asset Management ở Thượng Hải, cho biết, tình huống hôm 4/1 khá bất ngờ. Hiện tượng bán tháo và thị trường hoảng loạn hơn bao giờ hết.

Phiên giao dịch đầu năm mới 4/1, thị trường Thượng Hải giảm 7%, ghi nhận ngày tồi tệ nhất kể từ khi thị trường chứng khoán sụp đổ mùa hè năm 2015. Tình trạng bán tháo đã khiến cơ chế tự ngắt hoạt động ngay trong ngày đầu tiên có hiệu lực, khiến thị trường chứng khoán Trung Quốc phải đóng cửa sớm.

Yếu tố rõ ràng nhất phía sau đợt bán tháo là chỉ số hoạt động sản xuất của Trung Quốc tháng 12/2015 - cho thấy hoạt động kinh doanh của nhiều ngành hàng, kể cả sản xuất thép, đóng tàu, vv… giảm tháng thứ 10 liên tiếp.

Tin tức này càng làm xấu hơn số liệu kinh tế vốn rất thất vọng của Trung Quốc - dự kiến công bố vào cuối tháng 1 này, cho thấy liệu nước này có đạt được mục tiêu tăng trưởng 7% trong năm 2015 hay không. Các nhà kinh tế học cho rằng kinh tế Trung Quốc năm 2016 chỉ tăng trưởng khoảng 6,5% mà thôi.

Một mối lo ngại khác là đồng nội tệ Trung Quốc đang liên tục giảm giá - đã xuống mức thấp nhất gần 5 năm qua. Đồn đoán NDT tiếp tục suy yếu là một trong những yếu tố khiến người Trung Quốc chuyển tiền ra nước ngoài - một nguyên nhân làm đồng tiền này giảm sâu hơn.

Đà giảm giá của NDT hôm 4/1 bắt đầu sau khi Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) thiết lập tỷ giá tham chiếu thấp hơn vào buổi sáng, ở 6,503 NDT/USD - thấp nhất kể từ năm 2011. Trung Quốc hiện cho phép NDT trên thị trường nội địa giao dịch với biên độ +/-2% so với tỷ giá tham chiếu của PBOC.

Mặc dù NDT suy yếu đều đặn nhiều tháng qua, nhưng giới đầu tư hoài nghi rằng Trung Quốc đang can thiệp vào thị trường tiền tệ nhằm làm chậm lại đà giảm giá này - điều dường như không xảy ra hôm 4/1.

Vi sao chung khoan Trung Quoc “sap san” ?
 

Một áp lực khác đối với thị trường chứng khoán Trung Quốc hôm 4/1: Mối lo ngại rằng một trong những biện pháp giải cứu mà chính phủ Trung Quốc đang áp dụng sẽ hết hiệu lực vào ngày thứ Sáu 8/1 - chính phủ sẽ dỡ bỏ lệnh cấm các cổ đông lớn bán ra cổ phiếu. Hầu hết các nhà phân tích đều cho rằng Bắc Kinh có thể gia hạn lệnh cấm này nếu thị trường chứng khoán tiếp tục tuột dốc.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc chịu ảnh hưởng của các nhà đầu tư nhỏ lẻ - những người có xu hướng mua vào khi giá cổ phiếu tăng, nhất là khi họ tin rằng chính phủ muốn thị trường tăng điểm, và bán ra khi giá cổ phiếu giảm. Phiên 4/1 dường như diễn ra đúng với xu hướng này.

Lần đầu cơ chế tự ngắt hoạt động sau giờ nghỉ trưa, khiến thị trường tạm ngừng giao dịch trong vòng 15 phút sau khi chỉ số CSI giảm 5%. Nhưng ngay khi giao dịch trở lại, thị trường ngay lập tức lao dốc và mức giảm lên 7% chỉ trong vài phút. Và thị trường đóng cửa sớm.

Khi giới chức Trung Quốc giới thiệu cơ chế tự ngắt của thị trường chứng khoán hồi tháng 12/2015, họ cho biết, cơ chế này sẽ giúp thị trường “ổn định để ngăn ngừa hiện tượng hoảng loạn lan tràn”.

Phiên giao dịch 4/1 đánh dấu vòng biến động mới của thị trường chứng khoán Trung Quốc - đã hồi phục hơn 20% từ mức đáy hồi mùa hè năm 2015.

Nhật Trường

Nguồn WSJ