Vì sao chưa thể có Bretton Woods 2.0?
Thế giới đang sống trong những ngày kỷ niệm 70 năm sự kiện định hình nền tài chính toàn cầu trong thế kỷ trước - Hội nghị Bretton Woods - nơi mà từ đó các định chế tài chính lớn như Ngân hàng Thế giới (WB) hay Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) chính thức ra đời.
Sự kiện lịch sử này chứa đựng những tham vọng của những người tổ chức, không kém gì chiến dịch quân Đồng Minh đổ bộ lên bờ biển Normandy, cũng diễn ra đúng 70 năm về trước (Chiến dịch đổ bộ được xem là lớn nhất trong lịch sử nhân loại đã giúp mở đường cho quân Đồng Minh vượt qua eo biển Anh để cùng với Hồng quân Liên Xô tiến vào giải phóng châu Âu). Đối lập với bối cảnh hỗn loạn đó, mục tiêu đặt ra của hội nghị là tạo ra một khuôn khổ hay một chế độ tiền tệ quốc tế ổn định, có thể được sử dụng như nền tảng của một trật tự thế giới hòa bình mới. Và trên thực tế, hệ thống Bretton Woods đã thành công, ít nhất là trong một khoảng thời gian.
Hội nghị Bretton Woods đã diễn ra cách đây 70 năm và cũng đã 43 năm trôi qua kể từ khi chế độ tiền tệ được thống nhất tại New Hamshire sụp đổ. Nhưng hội nghị đó vẫn thu hút được sự chú ý mạnh mẽ cho đến hiện tại. Điều gì khiến cho một sự kiện hầu hết đều chỉ có những quý ông nói chuyện tiền bạc lại trở nên cuốn hút đến vậy?
Sự cuốn hút có thể đến từ những điều thú vị bề ngoài của một hội nghị trang trọng. Điệu nhảy của Lydia Lopokova (vợ John Maynard Keynes), một nữ diễn viên ba-lê người Nga đã giữ cho Harry Dexter White, một điệp viên của Liên Xô trong Bộ Tài chính Mỹ, tỉnh táo với nhiệm vụ gián điệp tình báo cho Liên Xô. Tuy nhiên kịch tính thực sự của hội nghị nằm ở diễn biến tổ chức trong cấu trúc thể chế đã làm nền móng cho sự ổn định và thịnh vượng toàn cầu trong ít nhất 3 thập kỷ.
Tầm nhìn của một hệ thống liên quan đến an ninh toàn cầu. Vì vạy trong thỏa thuận ban đầu, 5 cường quốc sẽ có đại diện thường trực trong Ban điều hành tại IMF bao gồm Mỹ, Anh, Liên Xô, Trung Quốc và Pháp - những quốc gia cũng duy trì ghế thường trực trong Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.
Thậm chí trong một khuôn khổ như vậy, cuộc đàm phán vẫn đầy thách thức. Làm thế nào để 44 quốc gia, trong nhiệm vụ bảo vệ lợi ích quốc ra của riêng mình lại có thể thống nhất trong một hệ thống tiền tệ toàn cầu mới?
Theo Keynes, chìa khóa của cuộc đàm phán chính là quá trình thảo luận và lập kế hoạch quốc tế mà ở đó được dẫn dắt bởi "một quyền lực duy nhất hoặc một nhóm quyền lực". Nếu không, kết cục sẽ giống như sự thất bại của 66 quốc gia chia rẽ, tại Hội Nghị Kinh tế Thế giới được tổ chức tại London năm 1933.
Những gì đã diễn ra tại Bretton Woods đã cho thấy có nhiều cơ sở để tin tưởng vào đánh giá trên của Keynes. Trong 44 quốc gia đại diện chính thức tại Bretton Woods, Anh và đặc biệt là Mỹ là hai quốc gia đóng vai trò dẫn dắt.
Trên thực tế, những đàm phán song phương có thể làm nên bất kỳ thành công ngoại giao quy mô lớn nào.
Vào những năm 1970, khi chế độ tỷ giá hối đoái cố định được thiết lập tại Bretton Woods sụp đổ, tổ chức IMFvẫn tiếp tục tồn tại, lâu hơn những chức năng vốn có nhờ sự linh hoạt của Mỹ và tham vọng đưa chế độ bản vị vàng trở lại của Pháp.
Một thập kỷ sau đó, những nỗ lực của Pháp, Đức và Anh nhằm thảo luận về chính sách tiền tệ đã thất bại. Nhưng những đối thoại song phương giữa Pháp và Đức lại tỏ ra hiệu quả và đang giữ những tiếng nói đầy sức nặng trong những tranh luận về chính sách tiền tệ tại châu Âu. Tương tự như vậy, vào giữa những năm 1980, khi tỷ giá biến động khiến chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, thì Mỹ và Nhật Bản đã tìm cùng ra giải pháp giúp ổn định tỷ giá.
Sự vắng bóng của sự thống nhất "tầm cỡ" trong nền tài chính hiện tại
Ngày nay, các cuộc đối thoại kinh tế quốc tế thường xoay quanh Mỹ và Trung Quốc. Trong nhiều năm gần đây, những tranh luận nổi lên đã tập trung vào câu hỏi: Hệ thống kinh tế toàn cầu trong những năm 2000 - nơi các nền kinh tế mới nổi với định hướng xuất khẩu đều chủ động hạ giá đồng nội tệ để có được tăng trưởng cao hơn, tích lũy dự trữ ngoại hối với tốc độ tăng ấn tượng - liệu có tạo ra phiên bản Bretton Woods 2.0? Và liệu Trung Quốc và Mỹ có thể cùng thống nhất tạo ra một hệ thống như vậy với vị thế cao hơn của đồng nhân dân tệ?
Bản chất song phương của những đàm phán có thể mang đến một cơ hội để Bretton Woods 2.0 được hình thành. Nhưng chỉ vậy thôi là chưa đủ, bởi một yếu tố đã bị bỏ qua nhưng lại là trụ cột quyết định thành công của Bretton Woods 70 năm về trước: môi trường chính trị và an ninh toàn cầu.
Dường như mọi thứ không thể khác trong sự dẫn dắt của một mục tiêu tối thượng chính đáng: đó là sự ổn định. Hội nghị Bretton Woods diễn ra ngay sau tháng mà quân Đồng Minh có cuộc đổ bộ lịch sử lên bờ biển Normandy và Chiến tranh Thế giới II đã thực sự khép lại.
Để đạt đến một hiệp định thống nhất ở quy mô và tầm ảnh hưởng lớn như vậy, các nhà lãnh đạo trên thế giới - đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc - sẽ cần cùng được đặt trong một áp lực lớn tương tự. Một hiệp ước toàn cầu cần phải đến từ sự cần thiết khẩn cấp hơn là một khả năng có thể thu lợi của các bên tham gia.
Vậy điều gì có thể thuyết phục các nhà lãnh đạo Trung Quốc cần nhanh chóng củng cố nền kinh tế mở với định hướng xuất khẩu? Một trong những xúc tác có thể đến từ một cuộc khủng hoảng tài chính bắt nguồn từ hệ thống ngân hàng ngoài luồng (shadow banking) đầy rủi ro. Hoặc có thể đến từ những kích thích kinh tế trong lo ngại chủ nghĩa bảo hộ đang quay trở lại trên thế giới, với những hiệp định thương mại song phương và khu vực, chẳng hạn như TPP có thể sẽ đào sâu chia rẽ giữa Trung Quốc với các bên tham gia và phần còn lại của thế giới.
Những gì diễn ra tại Bretton Woods năm 1944 đã chỉ ra rằng, cần có một cuộc khủng hoảng lớn để định hình nên một cuộc cải cách mang tính toàn cầu. Thế giới ngày hôm nay, với tất cả những rắc rối đang tồn tại, chỉ đơn giản chưa đủ nguy hiểm để tất cả các quốc gia phải thống nhất một dẫn dắt chung cho nền kinh tế toàn cầu.
Hội nghị Bretton Woods diễn tại khách sạn Mt. Washington (Bretton Woods, New Hamshire, Mỹ) năm 1944, trong bối cảnh hệ thống tài chính khi Chiến tranh thế giới lần thứ II sắp kết thúc đã trở nên hỗn loạn, sau một loạt sự kiện như Đại khủng hoảng, sự sụp đổ của chế độ bản vị vàng và sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ.Với sự tham gia của 44 quốc gia, hệ thống tài chính thế giới mới được định hình với hai quyết định quan trọng.Thứ nhất, hội nghị đã thống nhất chế độ tỷ giá cố định xoay quanh đồng tiền chính là đô-la Mỹ (USD) và gắn với trữ lượng vàng quy định 1 USD tương đương 35 oz vàng. Các quốc gia cũng đồng ý mua hoặc bán USD để giữ tiền tệ quốc gia mình chỉ giao động trong biên độ +/-1% so với tỷ giá cố định. Kể từ đó, kỷ nguyên vàng của đồng bạc xanh chính thức bắt đầu.Thứ hai, một loạt các định chế tài chính lớn ra đời như và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Quốc tế phục vụ tái cấu trúc và phát triển (International Bank for Reconstruction and Development) - tiền thân của Ngân hàng Thế giới (WB).Tuy nhiên, hệ thống tiền tệ Bretton Woods đã sụp đổ vào năm 1971 với quyết định chấm dứt mối liên kết giữa USD với vàng được đưa ra bởi Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ - Richard Nixon. Nguồn: The Economist & TIME |