Thứ Ba | 12/03/2013 16:41

Vì sao các ngân hàng Mỹ không thể bị truy tố?

Các quan chức Mỹ cho rằng việc truy tố các ngân hàng lớn có thể gây hậu quả khôn lường tới nền kinh tế.
Từ trước đến nay, bộ luật của nước Mỹ cũng như các quan chức chính quyền Washington đều khẳng định các ngân hàng đều có thể bị truy tố nếu mang tội hình sự hoặc gây ra những sai lầm nghiêm trọng làm ảnh hưởng tới nền kinh tế.

Đó là về mặt lý thuyết. Trên thực tế, kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 cho đến nay, gần như chưa có 1 ngân hàng Mỹ nào phải đứng ra chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Trong phiên điều trần trước Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ, luật sư liên bang Eric H. Holder cho biết: "Hiện nay, quy mô của một số tổ chức tài chính Mỹ đã trở nên quá lớn, khiến việc truy tố trở nên vô cùng khó khăn. Ngay cả khi có thể, việc truy tố có thể tác động tiêu cực tới nền kinh tế quốc gia, thậm chí là nền kinh tế thế giới. Có thể nói, các ngân hàng hiện nay đã trở nên quá lớn".

Ông Holder cũng nhấn mạnh với quy mô khổng lồ, các ngân hàng có thể tạo nên một sức ép rất lớn lên các cơ quan lập pháp. "Các ngân hàng có thể làm ảnh hưởng tới khả năng đưa ra giải pháp tốt hơn cho ngành tài chính của các cơ quan chức năng", ông Holder nói.

Kết thúc bài phát biểu, ông Holder thừa nhận các cơ quan pháp luật Mỹ đã bỏ qua không truy tố các ngân hàng lớn do lo ngại các bản cáo trạng có thể gây nguy hiểm cho hệ thống tài chính Mỹ.

Bình luận của ông Holder về các ngân hàng Mỹ khiến nhiều người đặt câu hỏi: "Phải chăng các ngân hàng Mỹ đã quá lớn để sụp đổ (too big to fail)? Và liệu có nên truy tố các tập đoàn lớn? Chính sách giải quyết các tổ chức tài chính lớn khi họ phạm sai lầm là gì?"

Theo các nhà phân tích, bình luận của ông Holder là đòn giáng mạnh vào chính quyền tổng thống Barack Obama. Năm 2010, khi thông qua dự luật quy chế tài chính Dodd-Frank, cựu bộ trưởng tài chính Mỹ Timothy Geithner khẳng định: "Điều luật Dodd-Frank sẽ chấm dứt tình trạng "quá lớn để sụp đổ" của các tổ chức tài chính lớn. Chính quyền liên bang có quyền đóng cửa các tổ chức tài chính lớn một cách có kiểm soát và công bằng mà không làm ảnh hưởng tới người nộp thuế và nền kinh tế".

Bên cạnh câu hỏi về cách thức xử lý các ngân hàng bị sai phạm, một câu hỏi khác cũng làm đau đầu chính quyền Mỹ đó là: Liệu có thực sự cần thiết phải buộc tội các ngân hàng hay không?

Sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008, gần như không một nhân vật nào của phố Wall phải chịu trách nhiệm pháp lý vì đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế và hàng triệu người dân Mỹ.

Mặc dù không ít người cho rằng việc xác định trách nhiệm pháp lý của các ngân hàng lớn là điều vô cùng quan trọng với Mỹ trong việc cải tổ hệ thống tài chính. Tuy nhiên, nếu nhìn lại những bài học trong quá khứ, điển hình là vụ kiện công ty kế toán Arthur Andersen, có thể hiểu vì sao chính quyền Mỹ chấp nhận làm ngơ sai phạm của các tổ chức tài chính lớn.

Arthur Andersen từng bị cáo buộc là nguyên nhân dẫn đến vụ phá sản của tập đoàn Enron. Tuy nhiên, việc kết án công ty kế toán này khiến 28.000 nhân viên bị mất việc - hầu hết trong số đó không liên quan tới vụ việc của Enron. Trước hậu quả nhãn tiền đó, Tòa án tối cao Mỹ buộc phải bác bỏ vụ kiện và các công tố viên cũng chấp nhận ngừng theo đuổi vụ việc này.

Nguồn WSJ/Khampha


Sự kiện