Vì sao 2016 sẽ là năm sóng gió đối với Trung Quốc?
Hồi cuối những năm 1990, cựu Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân tự hào công bố nước này bắt đầu bước vào một kỷ nguyên kéo dài hai thập kỷ của "cơ hội chiến lược", giai đoạn Mỹ nắm quyền bá chủ thế giới trong khi Trung Quốc là quốc gia có thu nhập trung bình và tiếp tục theo đuổi đường lối chiến lược của Đặng Tiểu Bình, song song với việc củng cố năng lực, thức đẩy nền kinh tế quốc gia.
Ông Tập Cận Bình (trái) và ông Obama (phải). |
Trong thời gian này, Trung Quốc giữ một vị trí khiêm tốn, hoàn toàn không lãnh trách nhiệm hoặc liên quan đến vai trò lãnh đạo trên thế giới. Viện dẫn lý do là một nước nghèo, cần tập trung giải quyết những vấn đề nội bộ của quốc gia, Trung Quốc luôn tìm cách trốn tránh nghĩa vụ ngoại giao.
Sau ¾ chặng đường trong kỷ nguyên của "cơ hội chiến lược", có thể kết luận giai đoạn này đã đi đến hồi kết thúc. Xét về mặt kinh tế và địa chính trị, Trung Quốc của ông Tập Cận Bình ngày càng tăng cường vị thế và hành động như một siêu cường quốc mới nổi.
Với những đề xuất vĩ mô về "mô hình quan hệ quyền lực vĩ đại kiểu mới" cho Trung Quốc và Mỹ, cũng như sáng kiến về "con đường tơ lụa mới" cho phần còn lại của thế giới, ông Tập dường như mang giọng điệu và uy lực của một người muốn tạo dựng chỗ đứng vững chắc hơn trên vũ đài toàn cầu và thu hút mọi sự chú ý.
Ông Hồ Cẩm Đào (bìa trái) đỡ ông Giang Trạch Dân vào ghế ở đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc hồi năm 2012. |
Dường như "thời đại của cơ hội chiến lược", trong đó Trung Quốc chỉ tập trung vào các vấn đề nội bộ và tỏ ra khiêm tốn trên trường quốc tế, đã được thay thế bằng một Trung Quốc có chính sách đối nội và đối ngoại liên hệ mật thiết với nhau. Đối với Trung Quốc, áp lực hiện nay là tập trung tìm kiếm các giải pháp toàn diện, để chủ động đóng vai trò dẫn đầu trên toàn cầu, “bắt” các nước khác phải lắng nghe mình.
Tuy nhiên, việc tận dụng những cơ hội chiến lược nhỏ hơn là những gì Trung Quốc cần xem xét, vì chỉ còn một năm nữa, quốc gia này có thể phải đối mặt với bầu không khí ngột ngạt và căng thẳng trong cả khu vực và trên toàn cầu.
Lý do đầu tiên là cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Trước những phát biểu về định hướng "xoay trục" và tái cân bằng toàn cầu, Tổng thống Obama tỏ ra là vị Tổng thống thân thiện với Trung Quốc. Tuy nhiên, trong chuyến thăm đầu tiên đến Bắc Kinh năm 2009, ông Obama bị nhận định là yếu đuối và bị đối xử thiếu tôn trọng.
Dưới thời Obama, chúng ta đã chứng kiến sự trỗi dậy của một Trung Quốc quyết đoán, tự đề cao bản thân và thậm chí là dám gây hấn, ít nhất là với các nước láng giềng. Cuối năm ngoái, ông Obama đạt được thỏa thuận liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu với Trung Quốc, điều này có thể xem là một động thái có tầm nhìn xa, mang lại lợi ích lâu dài.
Tuy nhiên, cả Bắc Kinh và Washington đều nhận định ông Obama là một người yếu đuối. Trong quan hệ ngoại giao, nhận thức thường quyết định 99% vấn đề liên quan đến hợp tác giữa các đối tác.
Năm 2016 có thể sẽ chứng kiến bà Hilary Clinton trở thành bà chủ Nhà Trắng. Trong mắt của Trung Quốc, bà là một người mạnh mẽ. Từ chuyến thăm Trung Quốc khi tham dự hội nghị Thế giới về phụ nữ của Liên Hợp Quốc vào năm 1995 cho đến thời kỳ là Ngoại trưởng Mỹ, bà được các phương tiện truyền thông Trung Quốc nhìn nhận với thái độ nửa ngưỡng mộ, nửa dè chừng.
Bà được coi là một người cứng rắn và đầy tham vọng. Các nhà phân tích và hoạch định chính sách Trung Quốc cũng bắt đầu tỏ ra lo ngại trước tình hình cục diện thay đổi khi Nhà Trắng “đổi chủ”. Trong tương lai, bà Clinton có thể bắt đầu tập trung tái khẳng định vai trò dẫn đầu của Mỹ trên thế giới, đây sẽ là vấn đề đối với Trung Quốc.
Cùng năm đó sẽ diễn ra cuộc bầu cử vị trí người đứng đầu chính quyền Đài Loan. Giống như ông Obama, nhà lãnh đạo đương nhiệm của Đài Loan, ông Mã Anh Cửu thuộc Quốc Dân Đảng (KMT) là một đồng minh tốt của Bắc Kinh. Ông thúc đẩy sự hợp tác kinh tế gần gũi và cẩn trọng về chính trị, làm giảm đáng kể những căng thẳng hai bờ eo biển Đài Loan vốn tồn tại 8 năm dưới chế độ của cựu lãnh đạo Trần Thủy Biển.
Nhưng tỷ lệ ủng hộ ông Mã Anh Cửu đã xuống thấp nhất trong số những nhà lãnh đạo Đài Loan từ trước tới giờ. Năm 2016 có thể chứng kiến sự “lên ngôi” của Đảng đối lập Dân chủ Tiến bộ. Và trong trường hợp Đảng này trở thành nhà cầm quyền mới của Đài Loan, họ sẽ thi hành những chính sách cứng rắn hơn so với Quốc Dân Đảng, gây bất lợi cho nhà cầm quyền Trung Quốc.
Từ đó có thể thấy, năm 2016, Bắc Kinh sẽ chứng kiến sự thay đổi lãnh đạo của hai đối tác quan trọng, nhiều khả năng điều này sẽ mang lại một môi trường đối đầu hơn. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tỏ ra thành thạo trong việc nắm bắt lợi ích cho Trung Quốc. Tuy nhiên, thay vì giúp Trung Quốc dệt “giấc mơ Trung Hoa”, năm 2016 có thể là khởi đầu cho ác mộng kinh hoàng của quốc gia này.
Chỉ còn chưa đến 18 tháng cho ông Tập tận dụng cơ hội những chiến lược nhỏ để khai thác Tổng thống Mỹ Obama và lãnh đạo chính quyền Đài Loan Mã Anh Cửu. Trong năm 2015 và 2016, có thể Trung Quốc sẽ có những động thái bất ngờ và ngạc nhiên để tận dụng điều này. Câu hỏi đặt ra là liệu ông Obama và ông Mã Anh Cửu có tâm trạng để đáp ứng những lời đề nghị, hoặc yêu cầu từ phía Trung Quốc không, hay trí tưởng tượng và sự kiên nhẫn của họ đối với những vấn đề của Trung Quốc cũng đã dần cạn kiệt.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin The Diplomat, một tạp chí có trụ sở ở Tokyo, chuyên về chính trị, văn hóa và xã hội tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Nguồn Infonet