Thứ Ba | 30/10/2012 19:30

Vay đòn bẩy nợ châu Á 2013 có thể giảm mạnh do kinh tế toàn cầu xấu đi

Cho vay đòn bẩy tại châu Á trong năm 2013 có thể giảm do khủng hoảng nợ châu Âu và suy thoái của Trung Quốc, các ngân hàng cho vay nhận định.
Theo các ngân hàng, bên cạnh khủng hoảng nợ châu Âu và sự chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc gây ảnh hưởng mạnh tới các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A), việc các công ty cổ phần tư nhân né tránh bán các doanh nghiệp với mức giá chiết khấu cũng góp phần khiến hoạt động vay nợ đòn bẩy của châu Á giảm trong năm 2013.

Theo HSBC, trong bối cảnh bất ổn kinh tế không ngừng gia tăng, các công ty có xu hướng bất đồng về giá trị tài sản, đồng thời tỏ ra thận trọng trước những vụ giao dịch lớn.

Trong nửa cuối năm nay, số lượng các thương vụ M&A giữa doanh nghiệp nhà nước và tư nhân tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã giảm 30% so với 6 tháng đầu năm, trong khi số hợp đồng M&A từ tư nhân sang nhà nước cũng giảm 34%, hãng Bloomberg cho biết.

Người đứng đầu chương trình tài chính đòn bẩy và sáp nhập khu vực châu Á Thái Bình Dương tại HSBC, ông Lyndon Hsu, cho biết: "Số lượng các hợp đồng M&A trong năm nay của châu Á giảm, song không phải vì lý do bên mua thiếu vốn cổ phần hoặc vốn vay nên các hợp đồng này không thể thực hiện. Thực tế, các ngân hàng trong khu vực không thiếu tiền cho vay và số vốn cổ phần đang trôi nổi ngoài thị trường còn rất nhiều. Tuy nhiên, khi tình hình châu Âu vẫn không được cải thiện và Trung Quốc tiếp tục gặp khó khăn trong tăng trưởng, các luồng giao dịch chậm lại là điều tất yếu".

Không chỉ ở châu Á, số lượng các hợp đồng M&A toàn cầu cũng đang giảm mạnh. Kể từ ngày 30/6 cho đến nay, số hợp đồng M&A đã giảm khoảng 27%, với tổng giá trị giảm còn 743 tỷ USD, so với 6 tháng đầu năm, số liệu từ hãng Bloomberg cho thấy.

Nguyên nhân chủ yếu là do niềm tin của các giám đốc điều hành (CEO) tại châu Âu đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi khủng hoảng tài chính nổ ra, trong khi Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng buộc phải hạ dự báo tăng trưởng khu vực.

Triển vọng kinh tế yếu kém cũng góp phần làm hạn chế nhu cầu phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của các doanh nghiệp, do các nhà đầu tư tỏ ra thận trọng khi phải đặt cược vào doanh số bán cổ phiếu lần đầu, Citigroup cho biết.

Nguồn Bloomberg/Khampha


Sự kiện