Vatican sẽ chia rẽ sau khi Đức Giáo hoàng Benedict XVI thoái vị?
Trong suốt lịch sử 2000 năm, Vatican luôn tuân thủ một truyền thống lâu đời là các vị giáo hoàng đều trị vì Giáo hội cho tới lúc chết. Khi Đức Giáo hoàng qua đời, một nhóm các Hồng y giáo chủ sẽ họp bí mật (mật nghị Hồng y) để bầu ra người kế vị mới cho Vatican.
Tuy nhiên, truyền thống lâu đời đó đã bất ngờ bị thay đổi dưới thời Đức giáo hoàng Benedict XVI - Đức giáo hoàng đầu tiên của Vatican tuyên bố thoái vị kể từ năm 1415.
Sự ra đi của Đức Giáo hoàng Benedict XVI cũng đặt Vatican dưới một nguy cơ mới, đó là ngay cả khi đã thoái vị, giáo hoàng Benedict vẫn có thể là nguồn gốc tạo nên sự bất mãn và chia rẽ trong nội bộ giáo hội đối với người sẽ kế nhiệm ông.
Nhiều người có lý do để lo ngại bởi trong lịch sử, Giáo hội Vatican từng phải đối mặt với sự chia rẽ sâu sắc sau một loạt cuộc chiến nhằm tranh giành vị trí người đứng đầu Vatican.
Năm 1415, Đức Giáo hoàng Gregory XII tuyên bố thoái vị trong một nỗ lực nhằm chấm dứt sự chia rẽ trong giáo hội. Vào thời điểm đó, Vatican bị chia làm 2 phe đối đầu chính, tập trung tại 2 thành phố Pisa của Italia và Avignon thuộc miền Nam nước Pháp. Sự đối đầu giữa hai phe phái này đã đẩy giáo hội Vatican vào một cuộc khủng hoảng trầm trọng.
Khi Đức Giáo hoàng Benedict XVI tuyên bố thoái vị hôm 28/2, ông ngay sau đó đã được đưa tới Castel Gandolfo, khu vực dành riêng cho các giáo hoàng, ngoại vi thành Rome. Vị giáo hoàng 85 tuổi sẽ ở lại đây trong vòng 15 đến 20 ngày, cho đến khi hội đồng 120 hồng y giáo chủ từ khắp nơi trên thế giới tập hợp tại Vatican tìm ra được người kế vị ông.
Ngay khi tên tuổi Đức giáo hoàng mới được công bố, Đức giáo hoàng Benedict sẽ phải rời khỏi khu mật viện trong tòa thành Vatican, và phong hiệu cũng như vai trò của ông vào thời điểm đó cũng không được công bố.
Mặc dù vậy, chắc chắn giáo hoàng Benedict XVI vẫn sẽ giữ liên lạc chặt chẽ với các hồng y giáo chủ cùng người sẽ kế vị ông, cũng như những nhân vật có ảnh hưởng khác trong Vatican.
Theo phát ngôn viên Vatican, sau khi thoái vị, Đức giáo hoàng Benedict XVI sẽ tập trung vào công việc viết sách và xuất bản một số tiểu luận về tôn giáo.
Tuy nhiên, nhiều người lo ngại sự đổi ngôi tại Vatican có thể tạo thành một cơn bão nghiêm trọng khi người kế vị giáo hoàng Benedict XVI thực hiện một quan điểm hoàn toàn khác so với ông.
John Thavis, tác giả người Mỹ chuyên nghiên cứu về lịch sử Vatican trong suốt 30 năm qua, cho biết: "Theo truyền thống, các giáo hoàng thường không từ chức, bởi Vatican sẽ vô cùng khó xử khi có tới 2 vị giáo hoàng, với 2 quan điểm trái ngược nhau".
"Câu hỏi đặt ra là vị giáo hoàng thoái vị sẽ có vai trò gì - liệu ông sẽ tiếp tục im lặng và sống nốt quãng đời còn lại? Sẽ ra sao nếu ông ta bày tỏ chính kiến và bất đồng với người kế vị? Khi đó giáo hội Vatican có thể sẽ bị chia rẽ theo 2 phe phái, một ủng hộ giáo hoàng cũ, một nghiêng về giáo hoàng mới", ông Thavis nói.
Nhiều người cho rằng Đức Giáo hoàng Benedict XVI là một người không theo thiên hướng chính trị và nhiều khả năng ông sẽ lựa chọn một cuộc sống yên tĩnh, chuyên tâm vào nghiên cứu tôn giáo. Tuy nhiên, ông Thavis cho rằng giáo hoàng Benedict sẽ được Vatican theo dõi chặt chẽ mọi phát ngôn cũng như tác phẩm nào do ông viết ra.
Trong khi đó, người phát ngôn của Vatican, Đức cha Federico Lombardi, đã lên tiếng bác bỏ thông tin cho rằng tuyên bố thoái vị của Đức Giáo hoàng Benedict XVI sẽ gây ra một làn sóng chia rẽ trong nội bộ giáo hội.
"Vatican không lo ngại bất kỳ sự chia rẽ nào. Chắc chắn Giáo hội sẽ không bị rối loạn cũng như chia rẽ như nhiều thông tin đưa ra", Đức cha Lombardi tuyên bố.
Bất chấp tuyên bố mạnh mẽ từ Vatican, nhiều tín đồ Công giáo vẫn tỏ ra lo ngại cho tương lai của Giáo hội sau tuyên bố thoái vị của Đức Giáo hoàng Benedict XVI.
Nguồn News.Yahoo/Khampha
chuyên tâm vào viết sách sau khi thoái vị.