Khách hàng tại một siêu thị ở tỉnh Hà Bắc của Trung Quốc. Ảnh: Getty Images.
Vấn đề nhức nhối của kinh tế Trung Quốc hiện tại là gì?
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này chỉ tăng 0,7% trong tháng 3, so với một năm trước đó. Còn giá cổng nhà máy giảm trong sáu tháng liên tiếp. Trong khi đó, tại Mỹ, lạm phát giá tiêu dùng tháng 3 vẫn ở mức 5% dù đã giảm mạnh; ở Liên minh châu Âu là 8,3% và ở Vương quốc Anh là 10,1%.
Giá cả đang đình trệ hoặc giảm ở Trung Quốc bất chấp việc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã cắt giảm lãi suất và bơm tiền vào hệ thống tài chính để thúc đẩy nền kinh tế, cũng như dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt của COVID-19 vào cuối năm ngoái.
Nền kinh tế bất ổn đã khiến các hộ gia đình Trung Quốc tiếp tục gửi tiền tiết kiệm thay vì đi ra ngoài để chi tiêu, và các công ty vẫn cảnh giác với việc thực hiện các khoản đầu tư mới. Điều đó làm dấy lên nỗi ám ảnh về một vòng xoáy của giá cả và tiền lương giảm, từ đó nền kinh tế có thể phải rất khó khăn để phục hồi.
Có rất nhiều tiền trong nền kinh tế hiện tại của Trung Quốc. Cung tiền rộng rãi, được đo bằng M2 (gồm tiền mặt trong lưu thông và tiền gửi trong ngân hàng), đã tăng lên mức cao kỷ lục là 5,6 nghìn tỉ USD trong 15 tháng qua. Và PBOC đã cố gắng khuyến khích mọi người chi tiêu bằng cách tăng thanh khoản ngân hàng thông qua nhiều công cụ chính sách, chẳng hạn như nghiệp vụ thị trường mở và hạ thấp tỉ lệ dự trữ bắt buộc của ngân hàng.
Nhưng người tiêu dùng hầu như không phản ứng trước những chính sách này. Thay vì tiêu tiền, mọi người đang tích trữ tiền mặt với tốc độ kỷ lục. Theo các nhà phân tích, phần lớn các khoản vay mới của hệ thống ngân hàng thời gian qua tới tay chính quyền các địa phương để trả nợ.
Sự kết hợp bất thường giữa xu hướng giảm giá cả hàng hóa và cung tiền nhiều chưa từng thấy khiến nhiều người cho rằng quá trình giảm phát tại Trung Quốc đã bắt đầu.
Giảm phát đã bắt đầu
Giảm phát được định nghĩa là sự suy giảm kéo dài và rộng rãi của mức giá chung đối với hàng hóa và dịch vụ trong một khoảng thời gian. Hiện tượng này mang đến tác động tiêu cực cho nền kinh tế vì trong một môi trường như vậy, người tiêu dùng và doanh nghiệp có thể ngừng chi tiêu với kỳ vọng giá cả sẽ giảm hơn nữa. Điều này càng làm trầm trọng thêm các vấn đề của nền kinh tế. Đây chính là vấn đề khiến nền kinh tế Nhật Bản rơi vào cảnh trì trệ trong hai thập kỷ và phải tới gần đây các nhà chức trách nước này mới có thể đảo ngược xu hướng.
Vấn đề này đã gây khó khăn cho nền kinh tế trì trệ của Nhật Bản trong hai thập kỷ và các quan chức của nước này chỉ mới thành công trong việc bắt đầu đảo ngược xu hướng gần đây.
“Nếu phải mô tả tình hình kinh tế hiện tại của Trung Quốc thì có thể nói giảm phát đã bắt đầu và nền kinh tế đã rơi vào vùng suy thoái,” ông Liu Yuhui, Giáo sư tại một tổ chức tư vấn hàng đầu của chính phủ, Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS), cho biết. Và bài phát biểu gần đây của ông đã được lan truyền rộng rãi trên phương tiện truyền thông xã hội.
Ông nói thêm: "Nhịp đập của nền kinh tế vẫn còn yếu vì giá bất động sản và tài sản tài chính không gia tăng". Các hộ gia đình Trung Quốc đang nợ nần chồng chất và không có khả năng hoặc không sẵn sàng chi tiêu. Chính quyền địa phương, nơi tài chính bị suy giảm do sự kết hợp của sự sụp đổ bất động sản và đại dịch, cũng đang cuống cuồng vì những khoản nợ của họ.
“Do vấn đề về tình hình tài chính, các đối tượng của nền kinh tế đều không sẵn sàng dùng tín dụng. Trung Quốc hiện tại giống như Mỹ của 15 năm trước và giống như Nhật Bản của 30 năm trước”, ông Liu nói.
Phát tiền mặt?
Ông Yu Yongding, cựu Giám đốc Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới tại CASS, bày tỏ quan điểm thận trọng hơn. Nhưng ông thừa nhận rằng nền kinh tế đang phải đối mặt với áp lực giảm phát.
Trong khi đó, một cựu cố vấn ngân hàng trung ương đã thúc giục Bắc Kinh cung cấp tiền mặt cho người tiêu dùng để kích thích nhu cầu, một biện pháp đã được nhiều nền kinh tế lớn, như Mỹ và Úc, áp dụng. Nhưng hiếm khi được chính quyền trung ương Trung Quốc sử dụng.
Ông Li Daokui, Giáo sư kinh tế tại Đại học Thanh Hoa, người từng phục vụ trong ủy ban cố vấn của PBOC, đã kêu gọi Bắc Kinh trao 500 tỉ nhân dân tệ (72,5 tỉ USD) dưới dạng phiếu tiêu dùng để thúc đẩy chi tiêu trong thời gian còn lại của năm nay.
“Kể cả với những ước tính khiêm tốn nhất, 500 tỉ nhân dân tệ phiếu tiêu dùng có thể thúc đẩy tiêu dùng chung lên tới 1.000 tỉ Nhân dân tệ”, ông Li nói. “Đổi lại, Chính phủ sẽ thu về ít nhất 300 tỉ Nhân dân tệ tiền thuế từ lượng tiêu dùng tăng lên. Theo đó, Chính phủ chỉ mất 200 tỉ Nhân dân tệ để thúc đẩy 1.000 tỉ Nhân dân tệ tiêu dùng”.
“Vậy tại sao không làm?” ông nói.
Về phần mình, PBOC đã bác bỏ những lời bàn tán về giảm phát và bảo vệ các chính sách hiện tại. Ông Zou Lan, một quan chức của PBOC, cho biết tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh vào ngày 20/4: “Không có cơ sở nào để nói về việc giảm phát hay lạm phát trong dài hạn cả. Khi các chính sách hỗ trợ tài chính có hiệu lực, nhu cầu của người tiêu dùng dự kiến sẽ biến động và giá cả có thể sẽ quay trở lại mức trung bình của các năm trước trong nửa cuối năm nay".
Có thể bạn quan tâm: ChatGPT thông minh đến đâu?
Nguồn CNN