Thứ Sáu | 02/08/2013 10:12

“Vấn đề 7.000 tỷ USD” có thể nhấn chìm châu Á

Rủi ro cuộc chiến trần nợ công Mỹ đe dọa châu Á khi khu vực này đang ngập trong dự trữ ngoại hối chủ yếu là USD.
Các ngân hàng trung ương châu Á đang ngồi trên kho dự trữ ngoại hối lên đến gần 7.000 tỷ USD mà chủ yếu là USD. Các ngân hàng trung ương ở đây đang tham gia vào một cuộc chạy đua tài chính kể từ sau khủng hoảng tiền tệ năm 1997. Họ tăng cường tích USD để đối phó với nguy cơ lặp lại khủng hoảng.

Động thái này đã làm thay đổi bức tranh tài chính theo 2 cách. Thứ nhất, châu Á hiện có nhiều vũ khí hơn để đối phó với bất ổn thị trường. Thứ hai, châu Á mà đặc biệt là Nhật Bản và Trung Quốc thực sự là ngân hàng của Mỹ.

Thực tế này có thể bớt lo ngại hơn nếu như Mỹ không liên tiếp rơi vào các cuộc chiến nâng trần nợ buộc Standard & Poor’s lần đầu tiên trong lịch sử hạ xếp hạng tín nhiệm AAA của Mỹ vào tháng 8/2011. Châu Á đến nay lại “nín thở” trực chờ vài tháng nữa cho đến khi Quốc hội Mỹ họp trở lại để bàn về vấn đề ngân sách, nợ công.

Chiêm nghiệm 42 năm về trước của cựu bộ trưởng tài chính Mỹ John Connally dưới thời tổng thống Nixon rằng “Tiền của chúng tôi, nhưng lại là vấn đề với các anh” dường như trở nên đúng hơn bất cứ khi nào trong lịch sử châu Á. Châu Á đã đến lúc cần ngừng coi dự trữ ngoại hối khổng lồ là một sức mạnh tài chính bởi đó là cái bẫy làm phức tạp hơn quá trình hoạch định chính sách kinh tế.

Các vấn đề tài khóa

Trong bối cảnh giới chức Trung Quốc ra sức tái cân bằng nền kinh tế, bất chấp tăng trưởng kinh tế có thể chậm lại, một cuộc chiến trần nợ ở Mỹ sẽ dẫn đến bất ổn thị trường, khiến nhân dân tệ mạnh lên trong khi USD yếu đi và do đó Trung Quốc có thể phải chấp nhận thua lỗ hàng chục tỷ USD do giá trị nắm giữ trái phiếu Kho bạc Mỹ cũng giảm theo.

Chính quyền của thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan tương tự. Một trong những trụ cột quan trọng trong chiến lược nhằm chấm dứt tình trạng giảm phát kinh tế là ghìm giá yên. Tuy nhiên, yên có thể sẽ tăng trở lại nếu Mỹ một lần nữa bị hạ xếp hạng tín nhiệm.

Châu Á mua càng nhiều trái phiếu chính phủ Mỹ, họ càng khó từ bỏ chúng. Nhà đầu tư chỉ cần nhận thấy tín hiệu nhỏ nhất rằng Trung Quốc sẽ bán kho 1,3 nghìn tỷ USD nợ của Mỹ trong dự trữ ngoại hối, thị trường lập tức sẽ đối mặt với một cơn chấn động. Kịch bản tương tự cũng sẽ xảy ra nếu Nhật Bản có ý định bán 1,1 nghìn tỷ USD nợ chính phủ Mỹ. Do đó, các ngân hàng trung ương vẫn phải tiếp tục mua vào nợ chính phủ Mỹ.

Thế giới từng chứng kiến tình trạng phân bổ không thích hợp nguồn lực tài chính lớn như hiện nay. Tăng cường tích lũy USD sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu của châu Á bởi khi đó nội tệ được duy trì ở mức thấp, tuy nhiên nó cũng gây ra những vấn đề về kiểm soát kinh tế. Khi các ngân hàng trung ương mua USD, họ cần bán nội tệ, làm tăng cung tiền và kéo theo lạm phát. Do đó họ buộc phải bán trái phiếu để hút tiền dư thừa về.
Ngấm ngầm bán

USD

Châu Á nên ngừng tăng dự trữ USD và tìm cách đưa tiền đầu tư về để sử dụng cho xây dựng cơ sở hạ tầng, giáo dục, nghiên cứu, phát triển năng lượng sạng hay bất cứ đầu tư quan trọng nào khác cho tương lai. Tuy nhiên, phải bằng cách nào?

Các nền kinh tế nhỏ hơn rõ ràng có lợi thế hơn khi đi tiên phong. Hàn Quốc (hiện nắm giữ 53 tỷ USD trái phiếu Kho bạc Mỹ), Philippines (nắm 40 tỷ USD) hay Malaysia (nắm 18 tỷ USD) có thể bí mật bán USD. Các chủ nợ lớn hơn của Mỹ sẽ khó làm được việc này nhất là trong thời đại công nghệ thông tin kết nối toàn cầu 24/7 và thông tin về động thái của các ngân hàng trung ương chắc chắn sẽ tạo tiền đề cho các ngân hàng khác.

Mỹ cũng có thể giúp châu Á và không phải chỉ qua việc tránh một cuộc chiến nâng trần nợ mà Bộ tài chính Mỹ có thể kết hợp với các đối tác châu Á để triển khai quá trình giảm quy mô dự trữ ngoại hối của châu Á mà không gây tác động lớn đến thị trường. Đó cũng là điều mà Mỹ mong muốn để thu hút các doanh nghiệp lớn của Mỹ mua lại nợ chính phủ, một kiểu giống như Nhật Bản. Nó sẽ giúp Mỹ ít bị ảnh hưởng bởi nguy cơ bốc hơi nguồn vốn trong tương lai.

Nếu một lúc đó thế giới cần một cuộc hội nghị về tiền tệ thì đó chính là lúc này. Có lẽ Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và G20 có thể đứng ra tổ chức hội nghị này. Những thảo luận cấp cao sẽ giúp châu Á đặt mục tiêu và cân nhắc cơ chế cũng như thời gian lấy lại nguồn ngân sách tiết kiệm của mình. Chỉ đến khi đó, dự trữ ngoại hối mới bắt đầu là giải pháp cho những thách thức của châu Á thay vì trở thành vấn đề của khu vực này.

Nguồn Bloomberg/Dân Việt


Sự kiện