Thứ Năm | 26/07/2012 15:25

Vai trò của Trung Quốc trong bầu cử tổng thống Mỹ

Hoạt động thao túng tiền tệ và chủ nghĩa trọng thương Trung Quốc đang trở thành nhân tố quyết định tới kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay.
Trung Quốc sẽ là trọng tâm trong chiến dịch chạy đua vào Nhà Trắng của đảng Cộng hòa trong năm 2012. Nếu cựu thống đốc bang Massachusetts Mitt Romney không đưa ra được giải pháp cụ thể để tạo công ăn việc làm cho kinh tế Mỹ thông qua việc chấm dứt tình trạng gia công sản phẩm tại Trung Quốc, chắc chắn ông sẽ thất bại.

Nền kinh tế dưới sự điều hành của tổng thống Barack Obama thực sự là một thảm họa kể từ khi bắt đầu quá trình hồi phục vào tháng 6/2009. Tăng trưởng kinh tế trung bình chỉ khiêm tốn ở mức 2,4%, trong khi tỷ lệ thất nghiệp luôn trên 8%.

Trong lịch sử, tổng thống Ronald Reagan từng gặp hoàn cảnh giống như ông Obama khi phải kế thừa một nền kinh tế gặp khó khăn nghiêm trọng. Tuy nhiên, Reagan đã thực hiện các giải pháp triệt để giải phóng khu vực tư nhân, và khi ông tái tranh cử, kinh tế Mỹ tăng trưởng tới 6%.

s
Đương kim tổng thống Mỹ Barack Obama.

Ở thời điểm hiện tại, kinh tế Mỹ phải đối mặt với tình trạng nhu cầu quá yếu và bị điều chỉnh quá nhiều. Người tiêu dùng bắt đầu chi tiêu trở lại, song nước Mỹ lại phung phí quá nhiều tiền để mua dầu mỏ từ nước ngoài và các loại hàng hóa Trung Quốc thay vì dùng chúng để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu.

Tình trạng này là do Quốc hội Mỹ - với đa số ghế thuộc về đảng Dân chủ - và tổng thống Obama đã ngăn cản sự phát triển của các nguồn tài nguyên bên ngoài nước Mỹ. Bên cạnh đó, ông Obama cũng thất bại trong việc đối đầu với chủ nghĩa trọng thương Trung Quốc.

Lượng hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ hiện cao gấp 4 lần lượng hàng hóa mua vào, chủ yếu là do Bắc Kinh ghìm giá đồng nhân dân tệ đã làm cản trở hoạt động nhập khẩu các mặt hàng cạnh tranh của Mỹ. Chẳng hạn, Trung Quốc duy trì mức thuế 25% đối với mặt hàng xe ô tô và yêu cầu các công ty Mỹ phải thành lập liên doanh với các công ty Trung Quốc nếu muốn hoạt động ở thị trường này.

Trong các ngành công nghiệp mới, như pin năng lượng mặt trời và máy phát điện bằng sức gió, Bắc Kinh cũng yêu cầu các nhà cung cấp phải đặt nhà máy tại Trung Quốc. Khi phải đối mặt giữa hai lựa chọn sản xuất tại Trung Quốc hay tại Mỹ, các nhà sản xuất thường lựa chọn Trung Quốc, do tại đây, họ vẫn có thể phục vụ tốt cả hai thị trường.

Chính quyền của tổng thống Obama đã nhiều lần làm đơn khiếu nại lên các diễn đàn song phương và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nhưng một khi các nhà máy đã được xây dựng tại Trung Quốc, sẽ rất khó để di dời sản xuất ngay cả khi Bắc Kinh dỡ bỏ các hạn chế hành chính đối với các sản phẩm nước ngoài.

Chính sách định giá đồng tiền thấp hơn 40% của Trung Quốc chính là nguyên nhân chủ yếu phá hoại các lợi ích của nước Mỹ và đẩy các sản phẩm xuất khẩu của Mỹ khỏi các kệ bán hàng. Bắc Kinh thậm chí còn chính thức can thiệp vào thị trường tiền tệ khi cấp phép và điều chỉnh tỉ giá USD-nhân dân tệ để đạt được mục tiêu đẩy mặt hàng Mỹ ra khỏi thị trường nội địa.

Một chiêu bài khác của Trung Quốc đó là "quét sạch" nhu cầu đối với đồng nhân dân tệ bằng cách cho in thêm tiền và bán chúng cho các nhà nhập khẩu để đối lấy USD và euro. Sau đó, Bắc Kinh lại dùng chính những số tiền này để đầu tư vào trái phiếu Mỹ, hoặc các mỏ dầu và khoáng sản trên thế giới. Điều đó giúp Trung Quốc không chỉ tăng cường sức mạnh ngoại giao mà còn giúp Bắc Kinh biện minh cho chủ nghĩa tư bản nhà nước của mình.

j
Ứng viên đảng Cộng hòa Mitt Romney.

Hành vi thao túng tiền tệ đó đã vi phạm các cam kết và quy định của Trung Quốc trước WTO và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Trong chiến dịch chạy đua vào Nhà Trắng 4 năm trước, ông Obama nhiều lần cam kết giải quyết triệt để vấn đề này, nhưng kể từ đó, vị tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ đã không thể làm gì ngoài việc từ chối thừa nhận Trung Quốc đang thao túng đồng USD hoặc nộp đơn khiếu nại lên WTO và IMF.

Ngay trong những ngày đầu bước vào tranh cử, ứng viên đảng Cộng hòa Mitt Romney cũng cam kết sẽ đánh bại chủ nghĩa trọng thương Trung Quốc. Tuy nhiên, kể từ khi chính thức được đề cử là ứng cử viên tranh cử tổng thống, người ta lại thấy ông bận rộn nhiều hơn vào việc đòi bãi bỏ quy định, đòi thương mại tự do hay cắt giảm thuế.

Các cuộc thăm dò đã cho thấy những hành động đó không giúp cựu thống đốc bang Massachusetts giành được sự ủng hộ của các cử tri tại các bang trọng yếu. Ngược lại, điều đó lại tạo cơ hội cho ông Obama công kích quan điểm gia công sản xuất các mặt hàng Mỹ ở nước ngoài của ông.

Mặc dù vậy, thất bại của ông Obama trước chủ nghĩa trọng thương Trung Quốc cũng như trong hoạt động thăm dò và phát triển nguồn dầu khí vẫn là một cơ hội lớn cho ông Romney khi còn 4 tháng nữa là đến bầu cử chính thức.

Trung Quốc và dầu mỏ khiến nước Mỹ thiệt hại tới 300 tỷ USD trong tổng số 600 tỷ USD thâm hụt ngân sách hàng năm. Bằng cách áp dụng những chính sách mạnh tay, phát triển nguồn lực trong nước và đánh thuế đối với hoạt động thao túng tiền tệ của Trung Quốc, Mỹ có thể giảm một nửa thâm hụt ngân sách và nâng GDP lên 500 tỷ USD, đồng thời đem về hơn 5 triệu việc làm cho thị trường. Đó chính là câu chuyện mà ông Romney cần nói với các cử tri.

Nguồn CNBC/Khampha


Sự kiện