Thứ Tư | 18/12/2013 14:40

Vai trò các thị trường mới nổi trong siêu chu kỳ kinh tế

Tổng giá trị thương mại toàn cầu có thể tăng gấp 4 lần lên 75 nghìn tỷ USD trong giai đoạn này: từ mức 17,8 nghìn tỷ USD năm 2012.
Trong đó, riêng giao thương giữa các nền kinh tế mới nổi có thể chiếm đến 40% tổng hoạt động thương mại toàn cầu vào năm 2030, tăng hơn 2 lần từ con số 18% hiện nay.

Cách đây 3 năm, các chuyên gia nghiên cứu của Ngân hàng Standard Chartered đã công bố một báo cáo phân tích về siêu chu kỳ mới của kinh tế thế giới. Trong đó, nhận định đáng chú ý nhất được đưa ra là thế giới đang trải qua "siêu chu kỳ kinh tế" thứ ba. Giống như các chu kỳ trước (giai đoạn 1870 - 1913 và giai đoạn 1946 - 1973), chu kỳ này sẽ chứng kiến tốc độ tăng trưởng nhanh bất thường của nền kinh tế toàn cầu.


GDP toàn cầu năm 2030 dự báo tăng gần 4 lần so với năm 2010

Tại báo cáo cập nhật vừa công bố liên quan đến vấn đề này, Standard Chartered tiếp tục duy trì nhận định cho rằng, siêu chu kỳ kinh tế toàn cầu vẫn đang tiếp diễn, dù trong đó có một số cột mốc có thể về đích chậm hơn so với dự báo cách đây 3 năm.

Cụ thể, ngân hàng này dự đoán kinh tế thế giới sẽ có được mức tăng trưởng trung bình hàng năm 3,5% trong giai đoạn 2000 - 2030, tức tăng 0,5% so với mức 3,0% của 20 năm trước đó. Theo các chuyên gia, sự gia tăng về quy mô của các nền kinh tế tăng trưởng nhanh - các nền kinh tế mới nổi trên khắp khu vực châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latin sẽ là động lực chính của siêu chu kỳ kinh tế lần này.

Các nước thuộc khu vực này đang chuyển mình nhờ vào sự gia tăng của dân số và tầng lớp trung lưu cùng với quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng. Kéo theo đó, tỷ trọng đóng góp vào GDP toàn cầu của những thị trường mới nổi này được dự báo có thể lên tới 63% vào năm 2030, so với mức 38% hiện nay. Trong đó, Trung Quốc được dự báo là "đầu tàu" trong tăng trưởng.

"Chúng tôi kỳ vọng Trung Quốc sẽ là quốc gia đi đầu về cải cách, nhờ đó đạt được mức tăng trưởng trung bình 7% hàng năm trong giai đoạn 2013 - 2020. Cùng với đó, việc tái cấu trúc nền kinh tế vốn đang hướng tới mục tiêu phát triển bền vững sẽ giúp quốc gia này duy trì mức tăng trưởng trung bình hàng năm 5,3% trong giai đoạn 2021 - 2030", báo cáo cập nhật lần này nhận định.

Trung Quốc có thể vượt qua Hoa Kỳ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2022, chậm hơn 2 năm so với mốc 2020 trong dự báo trước đó. Tuy nhiên, thu nhập bình quân đầu người của quốc gia châu Á này đến lúc đó vẫn sẽ chưa bằng 1/3 so với Hoa Kỳ. Điều này đồng nghĩa với việc Trung Quốc vẫn còn rất nhiều tiềm năng để tăng trưởng.

Nhìn qua các quốc gia phát triển, nhiều nền kinh tế cũng đang dần hồi phục từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2008 - 2009. Trong đó, Hoa Kỳ có sự phục hồi mạnh mẽ nhất trong số các nước phát triển, với tình hình tài chính ở khu vực tư nhân đang dần đi vào ổn định. Dự đoán nền kinh tế lớn nhất thế giới này sẽ đạt mức tăng trưởng bình quân 2,8% trong giai đoạn 2013 - 2020 và 2,5% trong thập kỷ kế tiếp.

Một dự báo khác được đưa ra là tổng giá trị thương mại toàn cầu có thể tăng gấp 4 lần lên 75 nghìn tỷ USD trong giai đoạn này: từ mức 17,8 nghìn tỷ USD năm 2012, nhờ vào các thỏa thuận mới về thương mại ở cấp độ song phương và khu vực, cũng như từ những tác động của toàn cầu hóa và Internet - các nhân tố đang góp phần quan trọng trong thúc đẩy hoạt động thương mại trao đổi hàng hóa và dịch vụ.

Trong đó, riêng giao thương giữa các nền kinh tế mới nổi có thể chiếm đến 40% tổng hoạt động thương mại toàn cầu vào năm 2030, tăng hơn 2 lần từ con số 18% hiện nay.

Ước tính đến năm 2030, dân số thế giới sẽ tăng thêm khoảng 1,1 tỷ người, chủ yếu đến từ các nền kinh tế mới nổi và đi đầu là khu vực Nam Á, châu Phi. Đây cũng chính là một trong những động lực nữa giúp duy trì và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

"Gần đây, người ta đã bi quan thái quá về các thị trường mới nổi. Họ đã thổi phồng những lo ngại về bẫy thu nhập trung bình, việc sử dụng đòn bẩy tài chính quá mức tại châu Á, sự sụp đổ của các mô hình tăng trưởng và lãi suất gia tăng tại Hoa Kỳ...", ông John Calverley, Giám đốc Toàn cầu của Bộ phận nghiên cứu kinh tế vĩ mô của Standard Chartered nhìn nhận và cho biết: "Mặc dù chúng tôi hạ dự báo về tăng trưởng trong dài hạn của Trung Quốc, Ấn Độ và khu vực châu Âu song vẫn duy trì quan điểm về một siêu chu kỳ kinh tế mới với vai trò đầu tàu thuộc về những thị trường mới nổi. Sự thành công trong công cuộc cải cách sẽ đóng một vai trò cực kỳ quan trọng đối với việc nắm bắt các cơ hội phát triển của nhóm nền kinh tế này".

Cũng theo Bộ phận nghiên cứu này, ngay cả những cuộc cải cách khiêm tốn cũng có thể kích hoạt sự phục hồi tăng trưởng tại những nền kinh tế lớn mới nổi, bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Nigeria và Brazil. Trong đó, dự báo vào năm 2030, khu vực châu Á (ngoại trừ Nhật Bản) có thể đóng góp tới 2/5 vào GDP toàn cầu.



Nguồn Tin Công Nghệ Tổng Hơp


Sự kiện