Thứ Năm | 29/11/2012 16:57

Ủy ban châu Âu công bố các kế hoạch cải cách cơ cấu

Trọng tâm cải cách cơ cấu của Ủy ban châu Âu là kế hoạch phát triển dài hạn với hai nhóm khác nhau phát triển kinh tế - tài chính khác nhau.
Trong tài liệu dài năm trang trình bày chi tiết kế hoạch thành lập một liên minh kinh tế-tiền tệ "sâu rộng và thực sự," chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso cho rằng 17 thành viên khu vực đồng euro (eurozone) cần phải được phép hội nhập sâu rộng hơn so với các nước còn lại trong Liên minh châu Âu (EU) để vượt qua cuộc khủng hoảng nợ hiện nay.

Theo ông, eurozone nên được phép chia sẻ nợ để bảo vệ các thành viên yếu hơn về mặt tài chính. Ông Barroso khẳng định nếu không cho phép hội nhập như vậy, châu Âu không thể tạo ra một khu vực đồng tiền chung mạnh và ổn định hơn.

Bên cạnh đó việc chia sẻ nợ, chủ tịch Ủy ban châu Âu còn đề xuất rằng quyền đưa ra các quyết định quan trọng nên được tập trung ở Brussels và các nền kinh tế khu vực cần được giám sát chặt chẽ hơn. Mọi chính sách về tài chính và kinh tế chủ chốt mà các nước thành viên lựa chọn cũng phải được thông qua và giám sát ở cấp độ toàn EU.

Tuy nhiên Đức, nền kinh tế lớn nhất khu vực đồng tiền chung, bác bỏ việc chia sẻ nợ. Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle khẳng định đề xuất của EC về kế hoạch chia sẻ nợ là hoàn toàn sai lầm và không thể chấp nhận được. Ông cho rằng điều này có thể chất thêm gánh nặng cho một số nước trong khi làm giảm đi nỗ lực tiến hành cải cách của một số nước khác.

Đồng ý với Đức, phản đối lại quan điểm trên của chủ tịch EC, một số nước cho rằng "EU hai tốc độ," trong đó bao gồm nhóm các nước eurozone hội nhập với tốc độ nhanh hơn, sẽ đe dọa cô lập các nước EU không phải thành viên eurozone. Một số nước thành viên eurozone cũng thận trọng với việc trao quá nhiều quyền lực cho Brussels.

Nguồn Vietnam+


Sự kiện