Đồng euro là một trong những loại tiền tệ đã giảm xuống mức thấp nhất so với USD. Ảnh: AP

 
Hải Miên Thứ Hai | 26/09/2022 19:00

USD tăng mạnh là "con dao 2 lưỡi" với Mỹ

Đồng USD đang trải qua một đợt tăng giá vô tiền khoáng hậu, tuy nhiên đối với cả thế giới, đây không phải là điều đáng mừng.

USD là loại tiền tệ chính được sử dụng trong thương mại và tài chính toàn cầu, có nghĩa là sự biến động của nó có tác động rất rộng rãi. Sức mạnh của “đồng bạc xanh” gần đây đang được cảm nhận rõ rệt nhất qua tình trạng thiếu nhiên liệu và lương thực ở Sri Lanka, lạm phát kỷ lục của châu Âu và cán cân thương mại bấp bênh của Nhật Bản.

Đồng USD tăng mạnh có nguy cơ làm suy giảm tăng trưởng toàn cầu và khiến các Ngân hàng Trung ương trên thế giới đau đầu hơn nữa vì lạm phát. Các nhà hoạch định chính sách ở Trung Quốc, Nhật Bản và châu Âu đang ra sức để bảo vệ đồng tiền quốc gia trước đà tăng không ngừng của USD. Tuần trước, 1 USD đã có thể mua được hơn 7 nhân dân tệ, lần đầu tiên kể từ năm 2020. Các quan chức Nhật Bản trước đó cũng chỉ có thể đứng nhìn đồng yên mất 1/5 giá trị trong năm nay. 

Tại sao USD tăng vọt?

Sự tăng giá của USD trong năm 2022 đang được thúc đẩy bởi các đợt tăng lãi suất tích cực của Cục Dự trữ Liên bang, khiến các nhà đầu tư toàn cầu rút tiền ra khỏi các thị trường khác để đầu tư vào các tài sản có năng suất cao hơn của Mỹ. Lạm phát của Mỹ vẫn ở mức cao, cho thấy tương lai Fed sẽ không ngừng tăng lãi suất và đồng USD thậm chí còn mạnh hơn. 

Những sự kiện diễn ra trên thế giới gần đây cũng thúc đẩy đồng bạc xanh. Châu Âu đang ở tuyến đầu của cuộc chiến kinh tế với Nga, Trung Quốc đối mặt với sự suy thoái lớn nhất trong nhiều năm khi lĩnh vực bất động sản sụp đổ. 

 

Đối với Mỹ, USD mạnh hơn có nghĩa là hàng nhập khẩu rẻ hơn, nỗ lực kiềm chế lạm phát suôn sẻ hơn và sức mua của người tiêu dùng mạnh hơn.

Nhưng phần còn lại của thế giới đang căng thẳng dưới đà tăng của loại tiền này, khi khoản nợ mà các chính phủ và công ty trở nên đắt hơn để hoàn trả. Nhiều nước đã phải chạm tay đến kho dự trữ USD và các ngoại tệ khác để giúp nhập khẩu và tiền tệ được ổn định. Trong khi giá hàng hóa đã giảm xuống khỏi mức cao trong những tháng gần đây, thì USD tăng giá lại khiến thực trạng chẳng có gì thay đổi đối với các nước đang phát triển.

Ngân hàng Trung ương ở các nền kinh tế mới đã thực hiện các động thái quyết liệt nhằm kiềm chế sự mất giá của tiền tệ và trái phiếu của nước họ. Argentina đã tăng lãi suất lên 75% nhằm bảo vệ đồng peso, vốn đã mất giá gần 30% so với USD trong năm nay. Ghana cũng đã gây ngạc nhiên cho các nhà đầu tư vào tháng trước khi nâng lãi suất lên 22% - nhưng đồng tiền của nước này tiếp tục giảm.

Tại cuộc họp của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vào ngày 8/9, Chủ tịch Christine Lagarde bày tỏ lo ngại về sự trượt giá 12% của đồng euro trong năm nay, nói rằng nó đã làm tăng thêm áp lực lạm phát.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã cố gắng tăng giá đồng nhân dân tệ bằng cách giải phóng thêm thanh khoản USD vào thị trường.

Tại Nhật Bản, các nhà hoạch định chính sách lo ngại việc đồng yên giảm xuống mức thấp nhất trong 24 năm so với USD sẽ gây tổn hại cho các doanh nghiệp. Sự suy yếu của đồng yên đã khiến Nhật Bản rơi vào mức thâm hụt thương mại trong tháng lớn nhất. Trong tháng 8, con số này đạt kỷ lục 2,82 nghìn tỉ Yên, tương đương khoảng 20 tỉ USD - khi giá trị nhập khẩu tăng 50% vì giá năng lượng cao hơn và đồng tiền giảm giá.

Sự suy yếu của đồng yên đã khiến Nhật Bản rơi vào mức thâm hụt thương mại trong tháng lớn nhất. Ảnh: Bloomberg.
Sự suy yếu của đồng yên đã khiến Nhật Bản rơi vào mức thâm hụt thương mại trong tháng lớn nhất. Ảnh: Bloomberg.

Con dao hai lưỡi

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen thừa nhận rằng sự tăng giá của USD có thể gây ra thách thức cho các nền kinh tế mới nổi, đặc biệt là các nền kinh tế có các khoản nợ lớn bằng đồng USD.

Thế nhưng Mỹ có "miễn nhiễm" trước đồng USD mạnh? Rõ ràng là không.

Sức mạnh của USD đã lan rộng khắp Phố Wall, đè nặng lên lợi nhuận mà các công ty Mỹ kiếm được ở nước ngoài, cũng như các khoản đầu tư gắn liền với vàng và dầu. 

"Đồng USD đang tăng, điều này nghe có vẻ như là một điều đáng mừng, nhưng đồng USD tăng có thể có tác động đến nền kinh tế theo những cách không mong đợi", theo WSJ, đồng USD tăng sẽ giúp giảm chi phí nhập khẩu của Mỹ, nhưng cũng có nghĩa các quốc gia khác mất chi phí cao hơn để nhập khẩu các sản phẩm của Mỹ, làm cho hàng hóa của Mỹ mất tính cạnh tranh, đè nặng lên lợi nhuận của các công ty Mỹ ở nước ngoài, đồng thời hạn chế chi phí đầu tư liên quan đến hàng hóa như vàng và dầu.

Có thể bạn quan tâm: 

Kỷ nguyên “vàng” của Thung lũng Silicon đang khép lại?

Nguồn WSJ