USD quay đầu giảm sau số liệu kinh tế trái chiều
Chốt phiên, euro tăng 0,1% so với USD lên 1,1285 USD/EUR, trong khi đó, USD mất 0,6% so với yên xuống 108,7600 JPY/USD. Tuy nhiên, cả tuần, đồng tiền chung vẫn giảm 1% so với đồng bạc xanh và USD tăng 0,6% so với yên.
Chỉ số Đôla Wall Street Journal, theo dõi USD với 16 đồng tiền trong giỏ tiền tệ, phiên 15/4 giảm 0,2% nhưng cả tuần tăng gần 0,1%. Trong khi đó, Chỉ số Đôla ICE, theo dõi sức mạnh của đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt, phiên 15/4 giảm 0,2% xuống 94,69 điểm, nhưng cả tuần vẫn tăng 0,6%.
Số liệu kinh tế đáng thất vọng công bố hôm thứ Sáu 15/4 củng cố quan điểm cho rằng Fed sẽ thận trọng trong việc nâng lãi suất, gây áp lực lên USD vì lãi suất cao hơn sẽ giúp đồng bạc xanh hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư đang tìm kiếm lợi tức. Tuy nhiên, USD vẫn ghi nhận tuần tăng giá là nhờ số liệu kinh tế khởi sắc công bố trước đó và nhờ nỗ lực của các nhà hoạch định chính sách tại châu Á trong việc kiềm chế đà tăng của đồng nội tệ.
Theo số liệu công bố hôm thứ Sáu 15/4, chỉ số niềm tin tiêu dùng sơ bộ của Đại học Michigan trong tháng 4/2016 giảm xuống 89,7 điểm so với 91 điểm và thấp hơn so với 92 điểm dự đoán của các nhà kinh tế học. Trước đó, trong buổi sáng thứ Sáu 15/4, Fed cho biết, sản lượng công nghiệp của Mỹ trong tháng 3, điều chỉnh theo mùa, giảm 0,6% so với tháng 2/2016.
Tuy nhiên, số liệu công bố hôm thứ Năm 14/4 lại cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ trong tháng 3/2016 xuống mức thấp nhất kể từ năm 1973.
Thị trường chứng khoán Mỹ mất điểm và giá dầu giảm mạnh trong phiên thứ Sáu 15/4 sau khi tăng hồi đầu tuần, cho thấy tâm lý né tránh rủi ro của giới đầu tư và cũng gây áp lực lên USD.
Phan Nguyễn
Nguồn WSJ,MW