USD mạnh khiến thị trường hàng hóa chao đảo
Nhưng có những việc ngoài khả năng dự đoán và kiểm soát. Tháng 7, Trung Quốc thông báo khối lượng nhập khẩu đồng và dầu mỏ đều sụt giảm. Do Trung Quốc là nước tiêu thụ lớn nhất hầu hết các loại khoáng sản, kể cả dầu thô, nên tin tức nêu trên khiến giá hàng hóa liên tục giảm.
Đến 2/10, giá dầu thô giảm xuống dưới 90 USD/thùng lần đầu tiên 17 tháng qua. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu chững lại, và các công ty hàng hóa đối mặt với lực cầu giảm hơn nhiều so với dự đoán hồi tháng 1.
Vấn đề lớn nhất là các biện pháp kích thích của Trung Quốc không giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là bao. Ba quy tắc đầu tiên của nhu cầu hàng hóa, theo Quincy Krosby, chiến lược gia thị trường tại Prudential Financial, là “Trung Quốc, Trung Quốc, Trung Quốc”. Kinh tế Trung Quốc luôn tăng trưởng 2 con số trong thập niên qua. Nhưng giờ đây, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này đang giảm tốc, hướng đến tốc độ tăng trưởng chậm nhất trong 2 thập kỷ.
Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng trước kia đã khiến giới đầu tư đổ tiền vào hoạt động sản xuất mới như quặng sắt, đồng và dầu thô. Nhưng lại được đưa ra thị trường vào đúng thời điểm nền kinh tế này chậm lại. Đầu tháng 10, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu 2015 xuống 3,8%, giảm so với 4% dự đoán hồi tháng 7.
Từ cuối tháng 6, USD đã tăng 5,6% so với rổ 10 đồng tiền chính. Do giao dịch thương mại hàng hóa toàn cầu được thực hiện bằng USD, nên các nước đang phát triển có đồng nội tệ yếu sẽ phải chi nhiều tiền hơn cho cùng một khối lượng hàng hóa.
Đầu năm 2014, giá hàng hóa tăng khi hạn hán tại Brazil ảnh hưởng xấu đến vụ mùa cà phê, mùa đông khắc nghiệt tại Mỹ khiến nhu cầu khí đốt tăng cao, và xung đột tại Ukraine nhiều nhà đầu tư đổ tiền vào vàng như tài sản trú ẩn an toàn. Những yếu tố này giờ đây hoặc đã phần nào lắng dịu hoặc đã đảo chiều. Giới thương nhân dầu thô dự đoán bạo lực tại Trung Đông sẽ khiến nguồn cung dầu bị gián đoạn, nhưng điều này lại không xảy ra, thay vào đó, thế giới lại rơi vào tình trạng dư cung.
Sau đợt hạn hán tồi tệ nhất từ những năm 1930 gây mất mùa, giờ đây nông dân Mỹ lại có được vụ mùa ngô và đậu nành bội thu. Tỷ lệ lạm phát thấp đã phần nào làm lu mờ sự hấp dẫn của vàng.
Tuy vậy, cũng có vài ngoại lệ như cà phê do hạn hán tại Brazil khiến thiếu cung, thịt bò do hạn hán tại Texas khiến đàn gia súc giảm xuống mức thấp nhất 60 năm qua và cacao do bùng phát đại dịch Ebola lan sang cả Bờ Biển Ngà – nước xuất khẩu chính.
Sản lượng dầu thô của Mỹ đạt kỷ lục nhờ đá phiến sét cũng góp phần làm giảm giá dầu và dư cung. Đồng bạc xanh được tiếp thêm sức mạnh từ sản lượng dầu nội địa – cao nhất 28 năm qua – làm giảm nhu cầu nhập khẩu và thu hẹp thâm hụt thương mại.
Arab Saudi, Iraq và Iran cũng giảm giá thay vì giảm sản sản lượng vì thà cứ để cho giá giảm còn hơn mất thị phần.
Người tiêu dùng Mỹ hoan hỉ vì giá dầu giảm. Nếu giá ổn định ở mức hiện tại, khoản hoàn thuế của mỗi hộ gia đình từ số tiền chi cho nhiên liệu lên đến 600 USD/năm, theo ước tính của Citigroup.
Một số nhà sản xuất hàng hóa đã thông báo giảm sản lượng, kể cả Rio Tinto Group và BHP Billition, 2 công ty khai mỏ lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, giá hàng hóa giảm cũng mang lại lợi ích cho một số công ty tiêu thụ nguyên nhiên liệu, kể cả Delta Air Lines (sử dụng nhiên liệu máy bay), Gap (sử dụng bông) và J.M. Smucker (sử dụng dầu đậu nành và các loại hạt).
Vấn đề là USD càng lên giá, hàng hóa nhập vào Mỹ càng rẻ và làm giảm lạm phát của Mỹ, và điều này lại đẩy USD lên cao hơn.
Nguồn Theo DVO/Business Week