USD lại lên cao nhất 12 năm so với yên
Kết quả khảo sát của Viện Quản lý Nguồn cung (ISM) cho thấy, hoạt động sản xuất và việc làm của Mỹ trong tháng 5 đều tăng.
Chốt phiên 1/6, tỷ giá yên/USD tăng lên 124,79 yên/USD so với 124,14 yên/USD chốt phiên thứ Sáu tuần trước, ghi nhận mức cao nhất kể từ tháng 12/2002.
Trong khi đó, cặp tỷ giá USD/euro cũng giảm xuống 1,0929 USD/euro từ 1,0993 USD/euro cuối tuần trước.
Chỉ số Đôla ICE, theo dõi USD với 6 đồng tiền mạnh trong giỏ tiền tệ, tăng 0,5% lên 97,43 điểm.
USD tăng giá sau khi chỉ số nhà quản trị mua hàng ngành sản xuất tháng 5 của ISM tăng lên 52,8 điểm từ 51,5 điểm trong tháng 4 và tháng 3 và cao hơn so với 51,8 điểm dự đoán của các nhà kinh tế học.
Báo cáo của ISM cũng cung cấp quan điểm chéo về kinh tế Mỹ, kể cả số liệu về việc làm, tăng lên 51,7 điểm trong tháng 5 từ 48,3 điểm trong tháng 4 và lạm phát, tăng lên 49,5 điểm trong tháng 5 từ 40,5 điểm tháng 4 - đây là 2 chỉ số Fed đang theo dõi sát sao.
Giới đầu tư hồi đầu năm đã đặt cược USD tăng khi tin rằng kinh tế Mỹ tiếp tục đà tăng trưởng sẽ thúc giục Fed nâng lãi suất trước khi ngân hàng trung ương Nhật Bản và eurozone làm điều tương tự. Tuy nhiên, USD liên tục gặp khó khăn từ giữa tháng 3 đến giữa tháng 5 khi kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại trong quý I/2015. Giờ đây, giới đầu tư dự đoán Fed sẽ nâng lãi suất vào tháng 9 hoặc muộn hơn.
Giới đầu tư đang chờ số liệu việc làm phi nông nghiệp tháng 5 của Mỹ, công bố vào thứ Sáu. Nếu báo cáo cho thấy có thêm ít nhất 300.000 việc làm mới, tăng trưởng lương ổn định và tỷ lệ thất nghiệp giảm, “lãi suất có thể tăng sớm hơn dự đoán”, Joe Manimbo, nhà phân tích thị trường cao cấp tại Western Union cho biết.
Trong một diễn biến khác, won Hàn Quốc giảm so với USD - một trong những nạn nhân lớn nhất ở châu Á khi yên giảm và kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại. Chốt phiên 1/6, tỷ giá won/USD tăng lên 1.116,2 won/USD so với 1.113,01 won/USD hôm thứ Sáu tuần trước.
Phan Nguyễn
theo WSJ/M.W