USD giảm khi chứng khoán suy yếu
Theo hoạt động kinh doanh chênh lệch lãi suất (carry trade), giới đầu tư sẽ bán đồng tiền lợi tức thấp để mua những đồng tiền lợi tức cao hơn nhưng rủi ro hơn. Nhưng khi thị trường tài chính biến động và chứng khoán giảm, giới đầu tư sẽ cắt giảm vị thế này.
Chốt phiên giao dịch, USD giảm 0,4% so với yên xuống 121,25 yên/USD, cả tháng 8 USD giảm 2,2%. Đây cũng là tháng tháng yên tăng giá mạnh nhất so với USD kể từ tháng 1/2014 khi tăng 3,2% so với đồng bạc xanh.
Trong khi đó, euro cũng tăng 0,2% so với USD lên 1,1210 USD/euro. Cả tháng 8, euro tăng 2,4%, ghi nhận tháng tăng giá mạnh nhất kể từ tháng 4/2015 khi tăng 4,6% so với USD.
Phiên 31/8, chỉ số Đôla ICE, theo dõi tỷ giá USD và 6 đồng tiền mạnh trong giỏ tiền tệ, giảm 0,15% xuống 95,97 điểm. Chỉ số này giảm 1,4% trong cả tháng 8/2015.
Số liệu báo cáo việc làm phi nông nghiệp tháng 8, công bố vào thứ Sáu, sẽ cung cấp thêm manh mối về việc liệu Fed có tăng lãi suất trong tháng 9 hay không. Khảo sát hoạt động doanh nghiêp của Mỹ, số đơn hàng nhà máy và số liệu thương mại cũng sẽ được công bố trong tuần này.
USD có thể tăng giá trở lại nếu số liệu tích cực làm tăng đồn đoán Fed sẽ nâng lãi suất trong vài tuần tới.
Phó chủ tịch Fed Stanley Fischer trong bài phát biểu tại phiên họp thường niên của Ngân hàng trung ương Mỹ tại Wyoming hôm thứ Bảy cho biết, lạm phát của Mỹ có thể hồi phục khi áp lực từ USD giảm, cho phép Fed nâng lãi suất một cách từ từ.
Một số nhà phân tích cho rằng euro có thể là "thiên đường trú ẩn" khi thị trường biến động thất thường. Trước đó, giới đầu tư bán tháo mạnh euro, yên và mua các đồng tiền mới nổi nhằm kiếm lời từ hoạt động kinh doanh chênh lệch lãi suất. Nhưng sau khi Trung Quốc phá giá nhân dân tệ, giới đầu tư lại ồ ạt bán tháo tiền tệ của khối mới nổi và mua vào euro.
Phan Nguyễn
Nguồn Reuters, MW