USD giảm giá tại châu Á
Chỉ số đôla ICE, theo dõi tỷ giá giữa USD và 6 đồng tiền chủ chốt khác, giảm 0,2% về 97,696 điểm trong đầu phiên - sát mức điểm ghi nhận trong ngày Fed công bố quyết sách tháng 3.
Euro tăng lên 1,0838 USD sau khi xuống thấp nhất 12 năm ở 1,0457 USD trong tuần trước. Trong khi đó, USD gần như không đổi so với yên, giao dịch ở 120,01 yên.
USD suy yếu cũng tạo đà cho đồng tiền của các nước phụ thuộc vào hàng hóa tăng giá. 1 đôla Australia đổi được ở gần 78 cent Mỹ, phục hồi từ mức thấp nhất 6 năm ghi nhận ngày 11/3. Đôla New Zealand cũng tăng lên 76 cent Mỹ.
Theo một số chiến lược gia tiền tệ, có nhiều yếu tố bất lợi với USD trong đầu tuần - thời điểm không có nhiều báo cáo kinh tế để làm tín hiệu giao dịch. Kết quả là, đồng bạc xanh sẽ giảm giá so với cả euro, bảng Anh và đôla Canada. Ngược lại ở châu Á, USD được dự báo sẽ không biến động mạnh.
Tuy nhiên, thị trường sẽ sớm thiết lập lại đặt cược vào đà tăng giá của USD với đồn đoán rằng, Fed sẽ sớm nâng lãi suất vào tháng 6 - khẳng định sự khác biệt lớn về chính sách giữa Mỹ và các nền kinh tế lớn khác. Trong cuộc họp chính sách tuần trước, Fed đánh tín hiệu có thể sẽ nâng lãi suất vào tháng 6 hoặc cuối năm nay, phụ thuộc vào các số liệu kinh tế trong thời gian tới.
Hiện tại, giới đầu tư đang chờ đợi cuộc họp của Ủy ban quốc hội châu Âu để bàn về vấn đề Hy Lạp và tiến trình nới lỏng định lượng của ECB. Cùng với đó, Thủ tướng Hy Lạp sẽ có chuyến thăm chính thức sang Đức để gặp Thủ tướng Angela Merkel.
Thị trường tuần này sẽ tập trung chủ yếu vào báo cáo PMI sản xuất của các nền kinh tế lớn cũng như theo dõi sự phục hồi của kinh tế Nhật Bản qua một loạt số liệu kinh tế.
Nguồn DVO/ Reuters