USD giảm giá so với đồng tiền các nước sản xuất hàng hóa
Giá dầu Mỹ tăng 3,7% trong phiên 26/1 đã làm tăng mối quan tâm của nhà đầu tư đối với tài sản rủi ro, khiến họ bán ra USD và mua vào đồng tiền các nước sản xuất hàng hóa.
Rúp Nga tăng mạnh nhất khi tăng 2,6% so với USD. Bên cạnh đó, đồng bạc xanh cũng giảm 1,5% so với đôla Canada, giảm 1,1% so với peso Mexico, giảm 1% so với rand Nam Phi và giảm 0,9% so với real Brazil.
Tuy giảm so với đồng tiền các nước sản xuất hàng hóa song USD lại tăng so với yên và franc Thụy Sỹ - thường được coi là hầm trú ẩn.
Chốt phiên, tỷ giá yên/USD đạt 118,445 JPY/USD so với 118,3 JPY/USD hôm thứ Hai 25/1, trong khi USD tăng 0,4% so với franc Thụy Sĩ lên 1,0171 CHF/USD.
Tuy nhiên, USD đã xóa sạch mức tăng trong đầu phiên so với đồng tiền chung khi chốt phiên tỷ giá USD/EUR đứng ở 1,0857 USD/EUR so với 1,0799 USD hôm thứ Hai 25/1.
Yên liên tục mạnh lên so với USD kể từ đầu năm đến nay và tuần trước đã lên cao nhất 1 năm so với đồng bạc xanh.
Tỷ lệ dự đoán Fed nâng lãi suất trong phiên họp tháng 3/2016 đã giảm. Tuy kinh tế Mỹ vẫn duy trì được đà tăng trưởng với thị trường lao động được cải thiện, song các nhà kinh tế cho rằng giá dầu và thị trường chứng khoán sụp đổ sẽ buộc Fed phải thận trọng hơn trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ.
Fed hiện là ngân hàng trung ương duy nhất tăng lãi suất trong khi Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) được dự đoán sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng.
Phan Nguyễn
Nguồn WSJ