USD giảm do giá dầu, chứng khoán đi xuống
Giá dầu thô giảm 6% sau khi Iraq công bố sản lượng tháng 12/2015 đạt kỷ lục, làm trầm trọng hơn tình trạng thừa cung toàn cầu trong khi các quan chức OPEC phát tín hiệu sẽ không cắt giảm sản lượng trừ khi các nước ngoài OPEC cũng có hành động tương tự.
Các chỉ số chứng khoán chủ chốt của Mỹ cùng với chứng khoán châu Âu lao dốc vì cổ phiếu năng lượng.
Ngoài ra, giá dầu giảm mạnh trong phiên đầu tuần 25/1 còn khiến giới đầu tư quay lại tâm lý lo ngại về viễn cảnh kinh tế thế giới - thống trị thị trường từ đầu năm 2016, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới - giảm tốc.
Tuy vậy, viễn cảnh này lại giúp euro, yên và franc Thụy Sỹ hưởng lợi.
Chốt phiên 25/1, USD giảm 0,6% so với đồng tiền chung xuống 1,0855 USD/EUR, giảm 0,4% so với yên xuống 118,310 JPY/USD và giảm 0,3% so với franc Thụy Sỹ xuống 1,0129 CHF/USD.
Tuy nhiên, USD lại tăng giá so với đồng tiền các nước xuất khẩu hàng hóa, kể cả peso Colombia, rúp Nga và đôla Canada, do giá dầu giảm mạnh.
Kết thúc phiên giao dịch, peso Colombia giảm 2,7% so với USD xuống 3,399,2 COP/USD. Rúp Nga giảm 2,4% xuống 80,054 RUB/USD và đôla Canada giảm 1,1% xuống 1,4272 CAN/USD.
Tuy giá dầu là yếu tố dẫn dắt thị trường tiền tệ trong phiên 25/1, song giới đầu tư cũng đang theo dõi sát sao phiên họp chính sách của Fed và Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ). Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) sẽ có tuyên bố sau kết thúc phiên họp vào thứ Tư 27/1 với phần lớn giới phân tích dự đoán Fed sẽ giữ nguyên lãi suất.
Thứ Sáu tuần này, BOJ cũng sẽ công bố đánh giá mới nhất về nền kinh tế Nhật Bản và quyết định có tiến hành thêm các biện pháp nới lỏng hay không.
Phan Nguyễn
Nguồn Reuters,WSJ