Thứ Tư | 21/10/2015 15:12

USD chợ đen lại bùng nổ tại Myanmar

Từ đầu năm, các ngân hàng Myanmar đã mua vào hàng trăm triệu USD trên chợ đen, giúp tái sinh loại hình giao dịch không được kiểm soát này.

Tuy nhiên, việc này cũng khiến giới đầu tư nước ngoài lo ngại về hiệu quả cải cách của chính phủ Myanmar.

Do khan hiếm USD, các ngân hàng buộc phải cậy nhờ đội ngũ môi giới không giấy phép để tiếp tục duy trì hoạt động thương mại trong khi nỗ lực hỗ trợ đồng nội tệ kyat của Ngân hàng trung ương Myanmar lại đang đe dọa làm đóng băng hệ thống tài chính còn non nớt của nước này.

Tình trạng này cho thấy sự mong manh của công cuộc cải tổ đang được thực hiện kể từ khi chính phủ bán dân sự Myanmar lên nắm quyền năm 2011 sau nhiều thập kỷ bị cô lập với hệ thống tài chính quốc tế.

Động lực chính khiến chính phủ Myanmar "kìm đà" cải cách - kể cả việc thả nổi kyat vào năm 2012 - là làm sao để lạm phát không trở thành vấn đề ảnh hưởng nghiêm trọng đến vị thế của chính phủ trước cuộc bầu cử lịch sử vào ngày 8/11 tới đây.

Tình hình căng thẳng bắt đầu vào năm 2015 khi tỷ giá hối đoái chính thức của ngân hàng trung ương Myanmar càng lúc càng xa so với tỷ giá trên chợ đen.

Trong thời kỳ cải cách, thương mại quốc tế tăng trưởng nhanh chóng với kim ngạch nhập khẩu vượt xuất khẩu, khiến thâm hụt thương mại trong năm tài khóa kết thúc vào 31/3 vừa qua lên đến 4,9 tỷ USD, tăng chóng mặt so với 92 triệu USD 2 năm trước đó, theo số liệu chính thức của Myanmar.

Điều này khiến nguồn cung USD ngày càng thắt chặt bất chấp sự bùng nổ của đầu tư nước ngoại trực tiếp và ngành du lịch.

Tình trạng khan hiếm USD trở nên trầm trọng hơn vào giữa năm 2015 khi các nhà xuất khẩu hoặc găm giữ USD với đồn đoán kyat rốt cuộc sẽ mất giá hoặc từ chối bán USD với tỷ giá chính thức.

Và hệ quả là các ngân hàng buộc phải lao ra chợ đen, cậy nhờ đội ngũ môi giới lâu năm có kinh nghiệm để tránh những quy định trừng phạt của quốc tế.

Win Lwin, nhà quản lý cao cấp tại Ngân hàng KBZ, cho biết "Người ta gọi là chợ đen nhưng đó mới là thị trường thực sự. Rất khó để các ngân hàng Myanmar tuân thủ quy định".

Ngân hàng "không có lựa chọn"

Trong các cuộc phỏng vấn Reuters, giới chức lãnh đạo và nhân viên giao dịch của 3 ngân hàng Myanmar cho biết, họ mua USD ở chợ đen để đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong thanh toán quốc tế và thực tế này ngày càng phổ biến.

"Chúng tôi không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc là đến chợ đen", một nhân viên giao dịch ngoại hối cho biết.

Ước tính, các ngân hàng tại Myanmar mua khoảng 15 triệu USD mỗi ngày thông qua các đơn vị môi giới và thực tế này lên cao điểm vào tháng 6 và tháng 7 khi chênh lệch giữa tỷ giá USD chính thức và chợ đen lên đến 16%.

Dưới áp lực của IMF và World Bank, tháng 7 vừa qua, Ngân hàng trung ương Myanmar đã dỡ bỏ chính sách bảo hộ nội tệ sau 10 tháng triển khai, cho phép kyat giảm giá và tăng nguồn cung USD.

Từ đầu năm đến nay kyat đã giảm 20% so với USD, trở thành một trong những đồng tiền thị trường sơ khai hoạt động kém hiệu quả nhất trong năm.

Nếu không triển khai cải cách sâu rộng hơn nhằm cho phép các ngân hàng nước ngoài bán USD ở Myanmar, việc các ngân hàng Myanmar buộc phải quay lại chợ đen chỉ là vấn đề thời gian mà thôi.

"Mọi người đều biết nguồn cung USD của Ngân hàng trung ương rất hạn chế. Bất kỳ lúc nào cũng có thể nhận được thông báo, dự trữ ngoại hối của Myanmar đã cạn kiệt", lãnh đạo một ngân hàng Myanmar cho biết.

Theo ước tính của IMF, dự trữ ngoại hối tính bằng USD của Ngân hàng trung ương Myanmar sẽ đạt khoảng 5 tỷ USD vào cuối năm tài khóa hiện nay, tương đương 2,5% kim ngạch nhập khẩu.

Mạng lưới ở nước ngoài

Các ngân hàng Myanmar hiện có tài khoản nước ngoài tại Singapore để thực hiện các giao dịch quốc tế.

Để chuyển USD vào các tài khoản này, ngân hàng Myanmar phải trả phí cho các đơn vị môi giới trong nước bằng kyat. Sau đó, đội ngũ môi giới này sử dụng các công ty đăng ký hoạt động tại Singapore để chuyển USD vào tài khoản nước ngoài của các ngân hàng.

Cơ quan Quản lý Tiền tệ Singapore (MAS) không nói rõ họ có biết đến các giao dịch này không mà chỉ cho biết, các định chế tài chính nước này có nghĩa vụ theo dõi và báo báo bất kỳ giao dịch đáng nghi nào.

U Mya Than, chủ tịch Ngân hàng Myanmar Oriental Bank và Ủy ban Thị trường Ngoại hối Yangon, cho biết, tuy các ngân hàng nước này không còn phải mua USD trên chợ đen nữa, song nhiều nhà nhập khẩu và xuất khẩu vẫn tiếp tục thực hiện các giao dịch song phương không chính thức này.

Nguyên nhân là do chính phủ Myanmar chưa có quy định về việc giám sát giao dịch và xử lý vi phạm.

Đây có thể là cảnh báo đối với các ngân hàng quốc tế đang muốn thâm nhập thị trường Myanmar.

"Ngân hàng trung ương nên nỗ lực dẹp bỏ chợ đen. Không thể xây dựng một hệ thống tài chính thông thường nếu tình hình này còn tiếp diễn", phụ trách bộ phận tài chính của một ngân hàng nước ngoài ở Myanmar cho biết.

Nhật Trường

Nguồn Reuters