Ukraine chìm sâu vào khủng hoảng
Ngoài cam kết sẽ nỗ lực tiến tới một văn bản chung về lập lại thỏa thuận hòa bình ký vào tháng 9 năm ngoái ở Minsk (Belarus), các bên đã rời bàn đàm phán mà không mở ra triển vọng về việc dập tắt cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại không gian hậu Xô viết.
Thế nhưng, bất kỳ thỏa thuận ngừng bắn nào tại Ukraine được đưa ra vào thời điểm này cũng không khỏi khiến người ta nghi ngờ về hiệu lực thực sự của nó. Đã không ít lần Chính phủ Ukraine và lực lượng nổi dậy ở miền Đông đưa ra thỏa thuận ngừng bắn, song các cuộc giao tranh không chấm dứt mà còn có nguy cơ leo thang và lan rộng.
Ngày 7-2, ngay sau khi cuộc gặp thượng đỉnh giữa 3 nhà lãnh đạo Đức, Pháp và Nga kết thúc, tiếng súng lại vang lên tại vùng Donbass. Các nguồn tin địa phương cho biết, phe ly khai đang triển khai ồ ạt xe tăng, xe bọc thép và bệ phóng tên lửa hướng tới thị trấn chiến lược Debaltseve nằm giữa Donetsk và Lugansk; đồng thời cũng là khu vực có khoảng 10.000 binh sĩ Ukraine đang bị vây hãm.
Trên thực tế, sự hiện diện của Thủ tướng Đức A.Merkel và Tổng thống Pháp F.Hollande tại Mátxcơva là một động thái cho thấy Châu Âu đang muốn làm hòa với xứ Bạch dương sau màn "đấu trí" kéo dài trên bàn cờ địa - chính trị khiến các bên bắt đầu thấm mệt. Mới đây, Giám đốc Trung tâm Brookings tại Mỹ và Châu Âu Fiona Hill đưa ra nhận định, phương Tây sẽ bị lạc hướng nếu chờ đợi các trừng phạt Nga mang lại kết quả.
Rõ ràng, qua những gì đã diễn ra, có thể thấy Tổng thống Nga V.Putin sẽ không dễ lùi bước trước sức ép được cho đang ngày một gia tăng từ Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) nhằm chiếm thế thượng phong trong cuộc tranh giành ảnh hưởng tại Ukraine. Câu hỏi đặt ra là EU sẽ ứng xử ra sao với người hàng xóm khổng lồ khi xung đột kéo dài trong 2 năm hoặc thậm chí là 10 năm nữa? Chắc chắn, đây sẽ là một viễn cảnh không có lợi cho cả hai bên.
Trước khi cuộc đàm phán hòa bình cho miền Đông Ukraine diễn ra ở Mátxcơva, các nhà phân tích đã tiên liệu được những khó khăn mà các bên sẽ vấp phải. Ngoài những bất đồng liên quan tới cuộc cạnh tranh địa - chính trị, vấn đề mấu chốt hiện nay là mâu thuẫn mới liên quan tới vùng đất mà lực lượng ly khai vừa chiếm được.
Trong những tuần gần đây, giao tranh có xu hướng lan rộng ra toàn miền Đông với thế trận có dấu hiệu nghiêng về phe ly khai. So với thời điểm thỏa thuận Minsk được ký kết cách đây 5 tháng, lực lượng đối lập hiện nay đã kiểm soát thêm vài trăm kilômét vuông, đường giới tuyến cũ đã không còn nguyên trạng.
Trước khi đến Mátxcơva, Thủ tướng Đức A.Merkel và Tổng thống Pháp F.Hollande đã bác bỏ đề xuất của Tổng thống Nga V.Putin về việc trao cho lực lượng ly khai Ukraine lãnh thổ rộng hơn. Còn "ông chủ" Điện Kremlin cũng không đồng ý với đề xuất của hai nhà lãnh đạo Đức và Pháp về giữ nguyên đường giới tuyến theo thỏa thuận Minsk và chỉ trao thêm quyền tự trị cho Donetsk và Lugansk.
Trong khi đó, tiến trình hòa bình càng kéo dài thì thiệt hại với Ukraine càng gia tăng. Những tin tức bất lợi từ chiến trường gửi về Kiev đã và tiếp tục khiến những chỉ số về kinh tế của đất nước này thêm bi đát.
Hơn một năm bất ổn đã khiến Ukraine rơi vào tình trạng kiệt quệ. Nền kinh tế tăng trưởng âm trong khi đồng nội tệ hryvnia đã mất giá tới 30% so với đồng USD. Ukraine đang xúc tiến kế hoạch đàm phán để có thể vay thêm tiền từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), một kế hoạch đang khá chật vật. Không phải ngẫu nhiên, trong tuần qua cả Mỹ và Châu Âu đều cấp tập viện trợ (mỗi bên 2 tỷ USD) cho Ukraine. Tuy nhiên, theo ước tính của tờ Financial Times, Ukraine cần thêm ít nhất 15 tỷ USD trong năm nay, để có thể cân bằng ngân sách khi chiến dịch quân sự ở miền Đông tiêu tốn của Kiev 7 triệu USD/ngày.
Sức ép từ thị trường quá lớn đã buộc Ngân hàng trung ương Ukraine từ bỏ những nỗ lực nhằm hỗ trợ đồng nội tệ. Ngay lập tức, những ngày cuối tuần qua, đồng hryvnia đã giảm xuống mức kỷ lục (1 USD đổi được 25 hryvnia). Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài và các bên không sớm tìm ra giải pháp vãn hồi hòa bình thì khả năng nền kinh tế Ukraine sụp đổ sẽ không chỉ là lời cảnh báo.
Nguồn Hà Nội Mới