Bác sĩ phẫu thuật tim mạch và ghép tim, Tiến sĩ Paul Jansz

 
Thứ Năm | 13/03/2025 18:42

Úc thực hiện thành công ca ghép tim nhân tạo toàn phần đầu tiên

Ca phẫu thuật kéo dài sáu giờ đồng hồ được thực hiện vào ngày 22/11/2024 tại Bệnh viện St Vincent’s Sydney.

Ca cấy ghép là một phần trong Chương trình Tim Nhân Tạo Tiên Phong, do Đại học Monash dẫn đầu và được tài trợ 50 triệu đô la Úc từ Quỹ Nghiên Cứu Y Tế Tương Lai của Chính phủ Úc.

Ca cấy ghép BiVACOR Total Artificial Heart (Tim Nhân Tạo Toàn Phần BiVACOR) đầu tiên tại Úc đã được công nhận là một thành công lâm sàng trọn vẹn, khi bệnh nhân trở thành người đầu tiên trên thế giới được xuất viện với thiết bị này.

Bệnh nhân (đã được giữ kín danh tính) là một người đàn ông ở độ tuổi 40 tại New South Wales. Anh đã làm nên lịch sử khi trở thành người đầu tiên trên thế giới xuất viện với trái tim nhân tạo toàn phần. Ca phẫu thuật kéo dài sáu giờ đồng hồ được thực hiện vào ngày 22/11/2024 tại Bệnh viện St Vincent’s Sydney, do bác sĩ phẫu thuật tim mạch và ghép tim danh tiếng, Tiến sĩ Paul Jansz, dẫn đầu.

Sau nhiều tuần trong phòng điều trị tích cực (ICU) và một giai đoạn hồi phục dưới sự giám sát của đội ngũ bác sĩ tại St Vincent’s, đứng đầu là chuyên gia tim mạch suy tim và ghép tim Giáo sư Chris Hayward, bệnh nhân đã chính thức xuất viện vào đầu tháng 2/2025. Vào ngày 6/3/2025, bệnh nhân đã được ghép tim thành công, lập kỷ lục 105 ngày sống với Tim Nhân Tạo Toàn Phần BiVACOR trước khi nhận được tim hiến tặng thời gian dài nhất từng được ghi nhận. Về lâu dài, công nghệ này hứa hẹn sẽ mở ra kỷ nguyên mới, giúp bệnh nhân có thể sống vô thời hạn mà không cần ghép tim, thay đổi hoàn toàn phương pháp điều trị suy tim trên toàn cầu.

Ca cấy ghép Tim Nhân Tạo Toàn Phần BiVACOR đầu tiên trên thế giới diễn ra vào ngày 9/7/2024 tại Viện Tim Texas, Hoa Kỳ. Kể từ đó, đã có thêm bốn ca phẫu thuật khác được thực hiện tại Mỹ. Lần cấy ghép tại Úc đánh dấu ca đầu tiên ngoài nước Mỹ và là ca thứ sáu trên toàn cầu. Bệnh nhân đã từng trải qua tình trạng suy tim nghiêm trọng, đã tình nguyện trở thành người đầu tiên tại Úc nhận thiết bị tiên phong này.

Tiến sĩ Daniel Timms, nhà sáng chế người Úc của BiVACOR và đồng thời là Nhà sáng lập kiêm Giám đốc Kỹ thuật của công ty BiVACOR, bày tỏ niềm tự hào khi chứng kiến công nghệ này phát triển tại quê hương. “Việc đưa nước Úc tham gia vào hành trình này và góp mặt trong những thử nghiệm lâm sàng đầu tiên là điều vô cùng quan trọng đối với tôi, cũng như là mục tiêu tôi đã theo đuổi ngay từ đầu. Thật tuyệt vời khi thiết bị của chúng tôi có thể hỗ trợ bệnh nhân trong thời gian dài như vậy. Thiết kế độc đáo và tính năng vượt trội của BiVACOR đã tạo nên một bằng chứng an toàn chưa từng có, và thật xúc động khi chứng kiến nhiều thập kỷ nghiên cứu giờ đây trở thành hiện thực.”

Ông cũng gửi lời tri ân đến bệnh nhân: “Toàn bộ đội ngũ BiVACOR vô cùng biết ơn bệnh nhân và gia đình vì đã đặt trọn niềm tin vào trái tim nhân tạo của chúng tôi. Sự dũng cảm của họ sẽ mở đường cho vô số bệnh nhân khác tiếp cận công nghệ cứu sinh này.”

Giáo sư Chris Hayward, bác sĩ tim mạch tại Bệnh viện St Vincent’s Sydney, nhấn mạnh tác động to lớn của công nghệ này trong điều trị suy tim. “BiVACOR mở ra một kỷ nguyên hoàn toàn mới cho lĩnh vực ghép tim, không chỉ ở Úc mà còn trên toàn thế giới. Trong vòng một thập kỷ tới, tim nhân tạo này sẽ trở thành lựa chọn thay thế cho những bệnh nhân chưa tìm được tim hiến tặng phù hợp, hoặc khi đơn giản là không có tim hiến”

Giáo sư Sharon Pickering, Phó Hiệu trưởng và Chủ tịch Đại học Monash – nhấn mạnh vai trò quan trọng của sự hợp tác đổi mới trong việc đạt được những thành tựu mang tính bước ngoặt như vậy: “Chương trình Tim Nhân Tạo Tiên Phong là minh chứng cho cam kết của Monash với việc thúc đẩy nghiên cứu và đổi mới để tạo ra những giá trị thiết thực cho con người, gia đình và cộng đồng, không chỉ ở Úc mà trên toàn cầu. Thành tựu y học mang tính cách mạng này không chỉ đánh dấu một cột mốc trong lịch sử y khoa Úc, mà còn mang lại niềm hy vọng cho bệnh nhân và gia đình họ.”