UBS: Trung Quốc đứng trước nguy cơ vỡ nợ 1 nghìn tỷ USD
Kinh tế Trung Quốc ngày càng dễ bị tổn thương trước những thay đổi trên thị trường tiền tệ và chính sách lãi suất trong bối cảnh hoạt động thương mại quốc tế phát triển mạnh mẽ và quy định giao dịch ngoại tệ dần được nới lỏng, theo nhận định của Trưởng phòng nghiên cứu ngân hàng châu Á Stephen Andrews tại UBS.
Công ty Daiwa Capital Markets ước tính, dòng vốn chảy vào Trung Quốc thông qua hoạt động kinh doanh chênh lệch lãi suất (carry-trade) đã lên tới 1 nghìn tỷ USD kể từ năm 2008 khi Mỹ triển khai chương trình nới lỏng định lượng đầu tiên. Trong đó, có 380 tỷ USD được "ngụy trang" dưới dạng dòng vốn thương mại.
Tuy nhiên theo ông Andrews, con số 1 nghìn tỷ USD này có thể sẽ không làm khó được chính phủ Trung Quốc với nền kinh tế 9,2 nghìn tỷ USD. Thậm chí, tỷ lệ nợ/tiền gửi của Trung Quốc vẫn đang ở mức an toàn với dự trữ ngoại hối đạt 4 nghìn tỷ USD tính đến tháng 6/2014.
Mặt khác ông Andrews cho rằng, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) vẫn nên áp dụng các biện pháp kiểm soát dòng vốn và tăng cường dự trữ ngoại hối nhằm đối phó với những tình huống tương tự như khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Vào thời điểm đó, khối doanh nghiệp châu Á gặp rất nhiều khó khăn trong việc trả nợ nước ngoài do nội tệ mất giá.
Kể từ đầu năm đến nay, nhân dân tệ đã giảm 2,8% so với USD do sự đối lập về chính sách lãi suất của Trung Quốc và Mỹ. Trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang hướng tới kế hoạch nâng lãi suất trong năm tới thì PBOC lại phải cắt giảm chi phí vay vốn để hỗ trợ nền kinh tế. Daiwa cũng dự báo, nhân dân tệ sẽ giảm 5,7% trong năm tới.
Nguồn DVO/ Bloomberg