Thứ Năm | 16/01/2014 09:01

Tỷ phú CP Group của Thái Lan săn cơ hội tại Việt Nam

Hồi tháng 4/2013, công ty con của CP Group là CP All đã chi 6,6 tỷ USD để thâu tóm hãng bán lẻ của Thái Lan là Siam Makro.
Sau vụ Tập đoàn Berli Jucker (BJC) mua lại cổ phần Family Mart Nhật Bản để phát triển thương hiệu B’mart tại Việt Nam, thì mới đây, thông tin Chủ tịch CP Group đàm phán mua Metro Việt Nam, khiến các doanh nghiệp Việt Nam phải để tâm.

Tuần qua, báo chí nước ngoài đưa tin, tỷ phú Thái Lan - Dhanin Chearavanont (Chủ tịch của Charoen Pokphand Group) đã đàm phán mua lại Metro Cash & Carry Việt Nam từ Metro Group (Đức) với giá 500 triệu USD.

Tuy nhiên, cuộc đàm phán của ông này đã không thành vì bị đại gia bán lẻ của Đức từ chối và khẳng định sẽ không từ bỏ Việt Nam - thị trường vẫn có tiềm năng tăng trưởng mạnh.

Tỷ phú CP Group của Thái Lan săn cơ hội tại Việt Nam
Tỷ phú CP Group của Thái Lan săn cơ hội tại Việt Nam

"Điều này có vẻ càng tăng thêm tham vọng muốn thâu tóm bằng được doanh nghiệp này của tỷ phú Dhanin Chearavanont. Bởi, ông vốn được giới đầu tư tại châu Á biết đến với lòng kiên trì theo đuổi một thương vụ mua - bán nào đó", một nhà môi giới các thương vụ M&A tại Việt Nam cho hay.

Hồi tháng 4/2013, công ty con của CP Group là CP All, chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn nhất Thái Lan đã chi 6,6 tỷ USD để thâu tóm hãng bán lẻ của Thái Lan là Siam Makro. Mức giá này cao ngất ngưởng so với mức giá thị trường của Siam Makro khi đó là 5,7 tỷ USD.

Siam Makro thành lập năm 1988, hiện điều hành gần 60 siêu thị khắp Thái Lan. Năm 2012, Công ty đạt doanh thu 112 tỷ baht (khoảng 3,9 tỷ USD), tăng 15% so với năm 2011. Lợi nhuận cũng tăng 37% lên 3,6 tỷ baht.

Giới phân tích cho biết, thương vụ này thể hiện tham vọng lấn sang sân bán lẻ của CP Group, không chỉ ở Thái Lan mà còn tại các quốc gia trong khu vực.

Ông Korsak Chairasmisak, Giám đốc điều hành CP All cho hay, Thái Lan đang hướng tới cơ hội từ kế hoach hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) dự kiến diễn ra vào năm 2015. Trong kế hoạch này, CP All muốn giới thiệu sản phẩm của các doanh nghiệp Thái Lan, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trên thị trường ASEAN.

"Mặc dù các sản phẩm xuất khẩu của Thái Lan được xem là có chất lượng cao, nhưng họ vẫn cần các kênh phân phối hiệu quả hơn. Siam Makro sẽ là một kênh phân phối mới, để các sản phẩm nông nghiệp như thực phẩm tươi và thịt đông lạnh sang các nước ASEAN", ông Korsak Chairasmisak nói.

Cùng với mục đích tận dụng thị trường AEC đang hình thành, trước đó, Tập đoàn Berli Jucker Plc (BJC), thuộc sở hữu của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi, đã mua lại hệ thống 42 cửa hàng FamilyMart (Nhật Bản) tại Việt Nam trong liên doanh với Tập đoàn Phú Thái, với tuyên bố, "chỉ cần 3 năm để đạt doanh thu 10 tỷ baht (hơn 6.800 tỷ đồng)".

Vài năm gần đây, BJC không bỏ qua các cơ hội tham gia vào thị trường bán lẻ quốc tế và mở rộng thêm cửa hàng bán lẻ tại Thái Lan.

Ông Aswin Techajaroenvikul, Chủ tịch BJC cho hay: "Chúng tôi đang hoàn thiện ý tưởng kinh doanh và thương hiệu tại Việt Nam. Tại đây, chúng tôi là người chơi mới trên thị trường bán lẻ. Tuy nhiên, cạnh tranh ở Việt Nam không đến mức khắc nghiệt như thị trường Thái Lan", ông Aswin Techajaroenvikul nói.

Hiện Phú Thái và BJC đã ra mắt thương hiệu chuỗi bán lẻ mới mang tên B'mart. Tuy nhiên, phía Phú Thái cho hay, mô hình này vẫn đang được BJC thử nghiệm và có thể trong tháng 9/2014, mọi thông tin chính thức mới được công bố.

Lợi thế của BJC tại Việt Nam là sở hữu 65% cổ phần của Công ty Thái An JSC, một công ty chuyên phân phối và vận chuyển thực phẩm tại miền Bắc. Công ty này có mặt tại tất cả 63 tỉnh, thành phố, có quan hệ thương mại với 200 nhà phân phối phụ, 2.500 nhà bán buôn và hàng chục ngàn nhà bán lẻ tại chợ truyền thống.

Đặc biệt, vào tháng 12/2012, BJC đã đầu tư 1 tỷ baht cùng với Tập đoàn Mongkol thành lập Công ty Thai Corp International Vietnam (TCI) để mở siêu thị tại Việt Nam. Mục tiêu của TCI là trở thành công ty phân phối và bán hàng Thái Lan lớn nhất tại thị trường Việt Nam và khu vực Đông Dương.

Ông Mongkol Banthrarungroj, Giám đốc TCI cho biết, liên doanh này có mục tiêu tạo dựng thương hiệu cho hàng hoá Thái Lan, mở rộng thị trường cho hàng hoá Thái Lan sang Myanmar, Lào, Campuchia và Việt Nam. Ngược lại, đây cũng là kênh đưa hàng Việt Nam thâm nhập sâu rộng hơn vào thị trường ASEAN.

Cũng theo ông Mongkol Banthrarungroj, TCI kỳ vọng có thể tăng doanh số tại thị trường Việt Nam từ 1.200 tỷ đồng hiện tại lên 3.000 tỷ đồng vào năm 2015, khi AEC chính thức hoạt động.

Trong khi đó, tập đoàn mẹ của Công ty là BJC cũng kỳ vọng trong vòng 3 năm tới, thị trường Việt Nam sẽ mang lại 10 tỷ baht doanh thu.

Theo Đầu tư - Anh Hoa

Nguồn Người Đồng Hành


Sự kiện