Tỷ phú Berezovsky đặt dấu chấm hết cho kỷ nguyên tài phiệt Nga?
Cái chết đột ngột của nhà tài phiệt Nga
Hôm 23/3, tỷ phú Berezovsky - người từng được mệnh danh là hình ảnh địa diện của giới tài phiệt Nga thập niên 1990 - được phát hiện qua đời tại một căn hộ cư trú bên ngoài thủ đô London.
Một vệ sĩ riêng của ông Berezovsky - người duy nhất có mặt trong căn phòng khi ông qua đời - cho biết anh ta không hề gặp ông chủ của mình kể từ tối ngày 22/3. Sau khi phát hiện những tín hiệu bất thường, người vệ sĩ này buộc phải phá cửa phòng tắm và phát hiện ông Berezovsky đã chết từ trước đó.
Theo tờ Wall Street Journals, tại nơi ông qua đời, cảnh sát đã tiến hành kiểm tra pháp y, trong khi các chuyên gia hóa học và bức xạ không tìm thấy bất cứ dấu vết hóa học, sinh học hay phóng xạ nào liên quan tới cái chết của Berezovsky. Tại thời điểm đó, các nhà điều tra cho biết họ vẫn chưa xác định được nguyên nhân cái chết, song cũng loại bỏ tin đồn cho rằng ông Berezovsky đã bị ám sát.
Tuy nhiên, các tờ báo và phương tiện truyền thông lại đưa ra khá nhiều suy đoán về nguyên nhân cái chết của ông Berezovsky.
Trong số các suy đoán, nổi lên giải thuyết vị tỷ phú người Nga đã treo cổ tự sát khi các nhà điều tra tìm thấy một chiếc khăn quàng cổ gần thi thể nạn nhân. Chiếc khăn này sau đó được xác định là của người vợ cũ của ông Berezovsky, bà Galina Besharova, người sẽ được hưởng toàn bộ tài sản khi ông qua đời.
Trong khi đó, tờ Ria Novosti của Nga, trích dẫn một nguồn tin thân cận, cho biết có thể ông Berezovsky qua đời vì một cơn đau tim đột ngột. Trước đó, vị tỷ phú người Nga đã gặp một số vấn đề sức khỏe và buộc phải đi điều trị.
Trong khi đó, một số giả thuyết lại cho rằng ông Berezovsky đã tự tử vì trầm cảm, sau khi thất bại trong vụ kiện với tỷ phú Roman Abramovich và chấp nhận mất 5,6 tỷ USD. Bên cạnh đó, có thông tin cho rằng ông Berezivsky còn phải gánh nhiều khoản nợ khổng lồ.
Tỷ phú Berezovsky là ai?
Boris Berezovsky sinh năm 1946 tại Moskav, trong một gia đình người Do Thái. Lớn lên ông theo học tại Đại học Moskav và lấy bằng tiến sĩ năm 1984.
Danh tiếng và vai trò Berezovsky trên chính trường Nga bắt đầu nổi lên vào thập niên 1990, thời điểm liên bang Xô Viết xụp đổ. Tận dụng thời điểm hỗ loạn thời hậu Liên Xô, Berezovsky đã nhanh chóng làm giàu và thâu tóm quyền lực trên chính trường.
Năm 1993, tỷ phú Berezovsky gặp Boris Yeltsin và nhanh chóng bắt tay thành lập một liên minh kinh tế - chính trị, đôi bên cùng có lợi với tổng thống Nga. Dưới sự bảo trợ của chính quyền Yeltsin, Berezovsky đã thực hiện một loạt thương vụ thâu tóm kinh tế quan trọng, đem lại cho ông vị thế nhà tài phiệt số 1 của Nga thời điểm đó.
Các vụ thâu tóm điển hình của Berezovsky có thể kể đến như vụ thâu tóm 49% cổ phần đài truyền hình quốc gia Nga, hay mua lại công ty dầu khí Sibneft, công ty hàng không quốc gia Nga Aeroflot... Đổi lại, Berezovsky trở thành người đứng ra huy động các tỷ phú khác quyên góp hàng trăm triệu USD cho chiến dịch tranh cử của ông Yeltsin.
Ở thời đỉnh cao, Berezovsky sở hữu khối tài sản lên tới 3 tỷ USD. Nhóm tỷ phú của ông cũng sở hữu khối tài sản bằng 50% tổng thu nhập quốc nội (GDP) của Nga vào thời điểm đó.
Nhận định về Berezovsky, cựu phó thủ tướng dưới thời Yeltsin, ông Boris Netsov, cho biết: "Ông ta là người tạo nên giới tài phiệt Nga hiện đại. Berezovsky cũng là người đã dùng tiền bạc và quyền lực để tạo nên địa vị cho mình".
Kỷ nguyên tài phiệt lụi tàn
Mọi chuyện xấu đi với đế chế tài phiệt của Berezovsky khi vụ bê bối nghe lén, ghi âm và lưu trữ thông tin trái phép về các quan chức Nga, bao gồm cả Boris Yeltsin, bị phanh phui năm 1998.
Ngay sau đó, hàng loạt công ty của Berezovsky cũng bị công an điều tra. Kết quả, Berezovsky bị sa thải khỏi điện Kremlin và đối mặt với lệnh bắt giữ từ chính quyền Yeltsin. Tuy nhiên, lệnh này sau đó bị hủy bỏ.
Mặc dù vậy, Berezovsky đã không thể thoát khỏi các cuộc điều tra trên quy mô lớn dưới thời tổng thống Vladimir Putin - người từng cam kết sẽ cho điều tra các nhà tài phiệt dưới thời hậu Liên Xô, những người làm giàu quá nhanh và quá dễ dàng nhờ mối quan hệ với giới chính trị.
Năm 2001, Berezovsky buộc phải trốn sang Pháp trước khi sống lưu vong tại Anh. Năm 2002, chính quyền Nga chính thức phát lệnh truy nã Berezovsky với tội danh rửa tiền và làm ăn phi pháp.
Trong thời gian lưu vong tại Anh, Berezovsky đã phát động hàng loạt chiến dịch chống chính quyền Putin, đồng thời đâm đơn kiện ông chủ câu lạc bộ bóng đá Chelsea, Roman Abramovich, và đòi bồi thường 6,5 tỷ USD. Đây được coi là vụ kiện dân sự lớn nhất trong lịch sử tòa án Anh.
Tài sản của Berezovsky cũng dần bị phá tán sau vụ kiện tụng thất bại với Abramovich, làm ăn thua lỗ và bê bối đời tư. Năm 2011, Berezovsky mất hàng trăm triệu USD để dàn xếp vụ li dị lịch sử với vợ cũ.
Trong những ngày cuối đời, Berezovsky tỏ ra ân hận vì những hành động trong quá khứ và bày tỏ mong muốn được trở về Nga.
Một người quen biết với Berezovsky cho biết: "Ông ấy bày tỏ mong muốn được trở về quên hương thân yêu một lần nữa". Bản thân vị tỷ phú cũng thừa nhận: "Tôi không mong gì hơn là được trở về Nga. Tôi không biết phải làm gì. Tôi đã 67 tuổi và tôi không biết phải làm gì tiếp theo".
Thậm chí, ông Berezovsky còn gửi thư riêng cho tổng thống Putin và thừa nhận những sai lầm trong quá khứ, đồng thời mong muốn được trở về quê hương và được tha thứ sai lầm. Tuy nhiên, nguyện vọng của ông đã không thể thực hiện.
Phát biểu về cái chết đột ngột của ông Berezovsky, giới truyền thông Nga gọi đây là sự kiện "đánh dấu sự kết thúc của một kỷ nguyên".
Nguồn RT, WSJ, BBC/Khampha