Tướng Mỹ: Nga sẽ khiến phương Tây không kịp trở tay
Chia sẻ với Reuters, Trung tướng Ben Hodges, Chỉ huy quân đội Mỹ tại châu Âu nhận định mối đe dọa hiện nay không phải là việc Nga sẽ tổ chức tấn công nhằm vào một quốc gia láng giềng nào đó bởi Moscow đang tập trung toàn lực cho cuộc chiến tại Ukraine.
Tuy nhiên, tướng Ben Hodges cho rằng tình hình có thể thay đổi trong vài năm tới. Theo đó, Tổng thống Vladimir Putin sẽ nâng cao năng lực chiến đấu cho quân đội Nga để cùng lúc tổ chức tới 3 cuộc tấn công kiểu Ukraine, khiến phương Tây không kịp trở tay.
“Ngay bây giờ, nếu không tổng động viên toàn quân, tôi cho rằng Nga không đủ năng lực để tổ chức tới 3 cuộc tấn công cùng một lúc. Họ hiện chỉ có thể tiến hành một cuộc tấn công. Nhưng trong 4 – 5 năm tới, tôi nghĩ mọi thứ sẽ thay đổi”, Tướng Hodges chia sẻ.
“Rõ ràng, trong 4 – 5 năm tới, Nga sẽ có khả năng vừa triển khai hoạt động quân sự tại miền đông Ukraine vừa gây áp lực cho các nước vùng Baltic vừa gây sức ép cho Georgia và nhiều quốc gia khác mà không cần tới lệnh tổng động viên toàn quân”, ông Hodges nói thêm.
Cuộc chiến tại Ukraine mà NATO cáo buộc Moscow hỗ trợ binh sĩ và vũ khí cho phe ly khai miền đông, đã khiến nhiều quốc gia láng giềng gần biên giới Nga thêm phần lo lắng. Thậm chí, họ còn tích cực tìm kiếm sự hỗ trợ phòng thủ từ đồng minh phương Tây.
Đến nay, Nga vẫn phủ nhận mọi cáo buộc điều quân tới tham gia cuộc chiến tại miền đông Ukraine, nhưng phương Tây cũng tuyên bố họ nắm trong tay "bằng chứng" về việc Moscow điều động các đoàn xe thiết giáp và hàng trăm binh sĩ tới đây.
Hơn 4.000 người đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh bùng nổ từ tháng 4/2014 tại miền đông Ukraine.
Tăng chi tiêu quốc phòng dù khủng hoảng kinh tế
Tổng thống Putin đã cam kết dành hàng tỷ USD để thúc đẩy năng lực chiến đấu cho quân đội Nga bất chấp nền kinh tế quốc gia đang rơi vào khủng hoảng do lệnh trừng phạt của phương Tây và giá dầu thế giới giảm.
Theo các chuyên gia NATO, giao tranh tại Ukraine, nơi lực lượng quân sự Nga nhanh chóng sáp nhập bán đảo Crimea và phe ly khai giành ưu thế kiểm soát khu vực miền đông, cho thấy động thái tăng chi tiêu quốc phòng của Tổng thống Putin đã thu được kết quả. Các lực lượng Nga mà thực tế là những đơn vị tinh nhuệ quy mô nhỏ đã chứng minh khả năng chiến đấu hiệu quả hơn rất nhiều so với cuộc chiến tại Georgia hồi năm 2008.
Thậm chí, Moscow còn phát triển cái gọi là năng lực "hybrid war". Trong đó, Nga vừa tổ chức, tài trợ tiền và vũ khí cho những tay súng nổi dậy tại địa phương vừa điều động các binh sĩ tinh nhuệ mặc đồng phục không phù hiệu tới vùng giao tranh. Chiến lược này từng được Nga áp dụng tại Crimea với sự xuất hiện của "little green men" (những người mặc đồ xanh), nhanh chóng giành quyền kiểm soát bán đảo này mà không vấp phải sự phản ứng đáng kể nào của quân chính phủ Ukraine.
Theo Tướng Hodges, những quốc gia láng giềng gần Nga như các nước vùng Baltic và Georgia hiện vẫn an toàn nhưng về lâu dài thì không.
“Tôi cho rằng Nga hiện đang tập trung tại Ukraine. Tôi nghĩ một số quốc gia láng giềng của Nga vẫn đang xem xét tình hình và họ sẽ có tới 2 – 3 năm để chuẩn bị phương án đối phó trước khi trở thành mục tiêu tấn công của Nga”, ông Hodges nói.
Trong cuộc họp thượng đỉnh tại xứ Wales hồi tháng 9/2014, NATO đã đồng thuận triển khai hàng loạt hành động đối phó với những mối đe dọa từ Nga bao gồm việc tăng cường tổ chức các cuộc tập trận tại Đông Âu và thành lập một lực lượng phản ứng nhanh “mũi nhọn”.
Trong tuần này, hãng tin TASS trích lời Bộ trưởng Quốc phòng Nga, ông Sergei Shoigu cho hay Moscow vẫn tiếp tục thực hiện những kế hoạch hiện đại hóa quân sự với mức chi phí hơn 20 ngàn tỷ rúp (300 tỷ USD) cho tới năm 2020.
Theo ông Shoigu, trong năm nay, kế hoạch hiện đại hóa quân sự của Nga sẽ bao gồm việc trang bị thêm 700 xe bọc thép mới, 126 chiếc máy bay quân sự, 88 chiếc trực thăng và 2 lữ đoàn trang bị hệ thống tên lửa phòng không Iskander-M.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế, khoản chi ngân sách quốc phòng trị giá 68 tỷ USD của Mosocw hồi năm 2013 mới chỉ bằng 1/9 số tiền Washington bỏ ra.
Song, theo một quan chức NATO giấu tên, trong những năm gần đây, quân đội Nga đã tiến hành hiện đại hóa lực lượng tên lửa, tàu ngầm và không quân dù Moscow thường bị lỡ kế hoạch. Còn trong năm tới, Nga sẽ cải thiện sức mạnh cho hạm đội Biển Bắc, Baltic và Biển Đen đồng thời hiện đại hóa lực lượng bộ binh.
Tuy nhiên, tình trạng giá dầu thế giới sụt giảm và tác động từ lệnh trừng phạt của phương Tây cũng sẽ khiến quá trình hiện đại hóa quân sự của Nga bị chậm lại.
Trong khi đó, ngiới phân tích NATO cho rằng Nga sẽ không muốn đối đầu trực tiếp với Mỹ. Thay vào đó, Moscow có thể tổ chức một cuộc tấn công kiểu sáp nhập bán đảo Crimea tại một quốc gia như Estonia, nơi có đông đảo người dân tộc thiểu số Nga sinh sống.
Họ (người Nga) có đủ năng lực để triển khai nhanh chóng và tổ chức phòng ngự trước khi chúng ta kịp trở tay trước một cuộc tấn công kiểu Crimea”, quan chức NATO nhận định.
Khi nhận xét về học thuyết quân sự hiếu chiến mới được Tổng thống Nga Putin thông qua, Trung tướng Kaupo Rosin phụ trách tình báo quân sự Estonia cho rằng đây không khác gì một việc “ngược đời” khi cùng lúc, “Moscow chơi môn khúc côn cầu còn các nước Tây Âu chơi môn trượt băng nghệ thuật”.
Nguồn Infonet