Qatar thông báo sẽ ra khỏi OPEC vào thời điểm ngay trước cuộc họp của tổ chức này dự kiến vào ngày 6/12 tại Vienna (Áo). Ảnh: AFP

 
Thái Bình Thứ Sáu | 07/12/2018 07:00

Tương lai nào cho OPEC sau sự ra đi của Qatar?

Việc Qatar rút khỏi OPEC đang làm dấy lên những câu hỏi về tương lai của tổ chức này.

Cú giáng vào uy tín của OPEC

"Đổi mới hay là chết", câu nói này đã được dư luận Trung Đông nhắc đến trong những ngày qua khi nói về OPEC. 

Theo Trang mạng Al Arabiya (Saudi Arabia), sự ra đi của Qatar là một điểm tích cực để OPEC phải thực sự đánh giá lại vai trò của mình, trong một bối cảnh năng lượng và địa chính trị đã phức tạp hơn nhiều so với khi nó được thành lập.

Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Qatar đã nhấn mạnh Qatar sẽ không rút khỏi lĩnh vực kinh doanh dầu lửa, nhưng sẽ rút khỏi một tổ chức đang bị điều hành bởi một quốc gia, ám chỉ Saudi Arabia, theo trang mạng Al Arabiya.

Căng thẳng chính trị giữa Qatar với một số quốc gia Arab, đứng đầu là Saudi Arabia, đã kéo dài 18 tháng. Trong khi đó, nếu nhìn vào lịch sử, ngay cả trong chiến tranh Iran - Iraq, hay mối quan hệ Iran - Saudi Arabia dù căng thẳng trong nhiều năm, thì các quốc gia vẫn có thể ngồi cùng nhau trong OPEC, với tâm thế về một tổ chức phi chính trị, chỉ phục vụ các mục tiêu kinh tế.

Tuong lai nao cho OPEC sau su ra di cua Qatar?
 

Qatar tuyên bố rút khỏi OPEC để tập trung nâng cao sản lượng khí đốt. Nhưng đáng chú ý, OPEC không điều chỉnh sản lượng khí đốt của Qatar, OPEC chỉ điều chỉnh sản lượng dầu. Thế nhưng Qatar vẫn quyết tâm rút khỏi OPEC.

Theo một số tờ báo, nó không chỉ được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng quan hệ giữa nước này với quốc gia Arab vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, nó còn được đưa ra trong bối cảnh các thành viên OPEC đang phải chịu sức ép của Mỹ. Đặc biệt, Quốc hội Mỹ đang tính tới khả năng sẽ ban hành một đạo luật có tên NOPEC, trừng phạt OPEC theo luật chống độc quyền của Mỹ.

Có thể nói, sự ra đi của Qatar, dù vì bất cứ lý do gì, cũng như một cú giáng vào uy tín của OPEC. Kể từ khi ngành dầu khí đá phiến phát triển tại Bắc Mỹ, OPEC đã cho thấy họ hầu như mất khả năng kiểm soát giá dầu nếu không có sự trợ lực của một số đối tác ngoài OPEC như Nga.

Trong bối cảnh đó, tại cuộc họp này, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất cho biết, nhiều khả năng các bên sẽ tìm các lối đi để thể chế hóa sự hợp tác giữa OPEC và các đối tác, vốn đã kéo dài suốt 2 năm qua.

“Điềm xấu” cho OPEC

Việc Qatar rút khỏi OPEC được nhận định sẽ không có tác động lớn đến thị trường dầu mỏ quốc tế trong năm tới, bởi sản lượng dầu mỏ của Qatar chỉ chiếm khoảng 2% sản lượng dầu thô của OPEC. Tuy vậy sự ra đi của thành viên lâu năm này lại là “chuyện lớn” đối với hình ảnh và sự đoàn kết của tổ chức OPEC.

Đây không phải lần đầu tiên OPEC chứng kiến các thành viên nói lời chia tay. Indonesia gia nhập năm 1962 và từng tạm ngừng tư cách thành viên hai lần, gần đây nhất vào tháng 11.2016. Các thành viên khác như Gabon và Ecuador cũng tạm ngừng tham gia OPEC trong những năm 1990 và quay lại sau đó vài năm. Tuy nhiên, trường hợp của Qatar gây chú ý hơn cả.

Ngoài 5 nước sáng lập gồm Iran, Iraq, Venezuela, Kuwait và Saudi Arabia, Qatar là thành viên lâu năm nhất trong số các thành viên OPEC. Là một trong số những quốc gia giàu có nhất thế giới, với nguồn lực tài chính dồi dào, Qatar có tiếng nói quan trọng với các nước trong OPEC.

Tuong lai nao cho OPEC sau su ra di cua Qatar?
Bộ trưởng Năng lượng Qatar Saad al-Kaabi. Ảnh: Reuters

Trong nhiều năm, Qatar đã duy trì là cầu nối quan trọng giữa các nước trong liên minh. Ngoài ra, nước này còn giữ vai trò trung gian giúp kết nối giữa OPEC với các đối thủ dầu mỏ lớn khác như Nga hay Mỹ. Cách đây 2 năm, khi giá dầu xuống mức thấp kỷ lục khoảng 30 USD/thùng, Qatar khi đó đang giữ vai trò Chủ tịch luân phiên của OPEC, đã đóng vai trò quan trọng trong việc giúp xây dựng thỏa thuận cắt giảm sản lượng.

Sau quá trình thương lượng đầy khó khăn, Qatar đã phải thuyết phục các nước trong tổ chức, đặc biệt là Saudi Arabia, nước xuất khẩu dầu lớn nhất, lần đầu tiên sau 8 năm nhất trí cắt giảm sản lượng dầu mỏ. Đây được xem là bước tiến lớn giúp tái cân bằng thị trường và giảm sản lượng dư thừa, qua đó kéo giá dầu thoát khỏi mức thấp kỷ lục. Như vậy có nghĩa, quyết định rời OPEC của Qatar sẽ để lại một khoảng trống của một thành viên tích cực trong tổ chức này.

Tuong lai nao cho OPEC sau su ra di cua Qatar?
 

Ngoài ra, sự ra đi của Qatar kèm theo những bất mãn về sự chi phối của một vài quốc gia trong OPEC cho thấy nội bộ tổ chức này đang bị chia rẽ và “rạn nứt” nghiêm trọng. Trong bối cảnh OPEC đang cố gắng thu hút thêm các thành viên mới, quyết định vừa rồi của Qatar sẽ đặt ra những hoài nghi về danh tiếng và hình ảnh của tổ chức này.

Còn trong nội bộ OPEC, việc rút lui của Qatar có thể sẽ mở đường cho các thành viên nhỏ khác làm điều tương tự. Và như vậy, sự tan rã của OPEC là viễn cảnh có thể xảy ra. Theo một số chuyên gia, kể cả khi OPEC không tan rã theo đúng nghĩa đen, vai trò của tổ chức này có thể dần biến thành “không còn ý nghĩa” nếu vết “rạn nứt” ngày càng bị nới rộng.

Nói tóm lại, sự rút lui của Qatar là dấu hiệu đầu tiên dự báo về một tương lai nhiều biến động trong OPEC.