Tương lai nào chờ đợi Châu Âu thời hậu Brexit?
Liên minh Châu Âu (EU) đã và đang dự liệu các kịch bản tương lai của mình sau khi Vương quốc Anh ra đi. Và một trong những kịch bản đó sẽ khiến khối liên minh 27 nước thành viên này đánh mất rất nhiều sức mạnh của mình.
Theo viễn cảnh xấu nhất này, vốn là một trong 5 kịch bản được Ủy ban Châu Âu (EC) tiết lộ vào hôm 1/3, EU sẽ chẳng là gì ngoài việc là một thị trường chung (Nothing but the single market), và không còn đảm bảo được 4 điểm tự do “cơ bản”, bao gồm quyền tự do chọn nơi sinh sống và làm việc của người lao động.
Khi đó, thay vì thúc đẩy phát triển kinh tế và phúc lợi xã hội trên toàn Châu Âu, khu vực này chỉ tập trung vào các quan hệ thương mại – vốn là điều duy nhất có lợi từ EU mà thủ tướng Anh Theresa May còn chút quan tâm.
EC miêu tả kịch bản xấu nhất này trong sách trắng phát hành hôm 1/3 như sau: “Trong kịch bản nếu 27 nước thành viên Châu Âu không thể nhất trí với nhau về các khía cạnh chính trị nữa, khối này sẽ ngày càng tập trung đào sâu vào việc xây dựng thị trường chung. Khi đó, sẽ không có sự đồng thuận nào để làm việc cùng nhau về các vấn đề di cư, an ninh hay phòng thủ. 27 thành viên của khối không muốn tiếp tục làm việc với nhau về hầu hết các chính sách… Khối này cũng sẽ giảm đi phần lớn luật lệ bằng cách bỏ đi 2 luật cho mỗi một ý tưởng mới được đưa ra”.
Carsten Brzeski, kinh tế gia trưởng tại ING, cho biết trong một email rằng việc chỉ tập trung vào thị trường chung có nghĩa là sự chấm hết cho khu vực đồng Euro. Ông nói thêm: “Việc giảm quy mô của EU xuống chỉ còn là một thị trường chung có thể giúp việc đưa ra quyết định trở nên đơn giản hơn, nhưng khả năng hợp tác cùng nhau sẽ bị hạn chế. Hậu quả là, EU sẽ trở thành một mạng lưới các hiệp định song phương, dẫn đến khoảng cách giữa các kỳ vọng và hiện thực ngày càng xa vời hơn. Nếu Liên minh Châu Âu chỉ là một thị trường chung thì toàn khu vực đồng euro sẽ đứng trước nhiều rủi ro”.
Mặc dù các kịch bản được đưa ra bởi Brussels có khá ít chi tiết, một trong những hậu quả của kịch bản chỉ còn thị trường chung là ngân sách EU sẽ chỉ dành cho các hoạt động liên quan tới lĩnh vực này. Hiện tại, ngân sách của EU được sử dụng cho khá nhiều mục đích: hỗ trợ các dự án nông nghiệp, ngư nghiệp, môi trường trong khối, cũng như để viện trợ nhân đạo và thanh toán chi phí hành chính của các cơ quan hoạt động trên toàn châu Âu,...
Bốn kịch bản khác bên cạnh kịch bản chỉ còn thị trường chung là:
• Tiếp tục như hiện nay (Carrying on): tập trung vào việc xây dựng thị trường chung và hợp tác quân sự, nhưng tất các các khía cạnh khác sẽ được từng nước xoay sở.
• Ưu tiên không gian riêng (Those who want more do more): một số thành viên có thể chủ động thực thi một vài lĩnh vực riêng mà không cần sự thông qua của cả 27 nước.
• Làm ít hơn nhưng hiệu quả hơn (Doing less more efficiently): EU chỉ tập chung vào một số chính sách
•. Làm nhiều hơn cùng nhau (Doing much more together): hội nhập sâu rộng thêm nữa và hợp tác với nhau trên càng nhiều lĩnh vực càng tốt.
Theo Brzeski, cả 5 viễn cảnh này chỉ là “phác thảo sơ khởi” và chỉ đưa ra được “một đánh giá mơ hồ về những điểm tiêu cực và tích cực”.
Ông nói thêm: “ Nhưng đây là bước đi chính thức đầu tiên kể từ sau cuộc trưng cầu dân ý tại Anh về Brexit, và có thể là manh mối cho tuyên bố chung sắp tới của các lãnh đạo Châu Âu tại Hội nghị Châu Âu tại Roma vào ngày 25/3. Hội nghị này sẽ đưa ra các tín hiệu đầu tiên về việc các lãnh đạo Châu Âu sẽ muốn đi xa đến đâu cùng nhau trong thời hậu Brexit”.
Bá Ước
Nguồn CNBC