Ảnh: SCMP.
Tương lai nào cho đàm phán thương mại Mỹ-Trung?
Ngày 6.5, nhà đàm phán thương mại hàng đầu của Mỹ cho biết rằng phái đoàn Trung Quốc đã quay lưng với những lời hứa ban đầu và thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ được tăng lên 25% vào ngày 10.5.
Sự phản kháng của Trung Quốc là "không thể chấp nhận được", Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer nói với các phóng viên ở Washington.
"Trong suốt tuần qua, chúng tôi đã thấy ... một sự quay lưng với lại các cam kết từ phía Trung Quốc," Nikkei Asian Review dẫn lời ông Lighthizer. Ông nói rằng Trung Quốc đã rút khỏi các cam kết cụ thể, một động thái sẽ dẫn đến những thay đổi đáng kể trong văn bản của thỏa thuận.
Một phái đoàn Trung Quốc dự kiến sẽ đến Washington vào ngày 7-8 tháng 5, ông Lighthizer cho hay. Thông báo được đưa ra vài giờ sau khi Trung Quốc tuyên bố phái đoàn đàm phán vẫn sẽ đến Mỹ theo kế hoạch, bất chấp lời đe dọa đột ngột của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc áp thuế bổ sung đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc.
Hôm 6.5, ông Trump đã chỉ trích Trung Quốc về các thực hành thương mại của nước này, nói rằng Mỹ đã mất nhiều tỷ USD cho Bắc Kinh và thề sẽ bảo vệ thương mại Mỹ, và làm leo thang căng thẳng với lời đe dọa tăng thuế.
Ông đã nói rằng Mỹ sẽ tăng thuế đối với hàng hóa trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc lên 25% từ ngày 10.5, báo hiệu sự thất vọng về những tiến triển trong các cuộc đàm phán thương mại song phương.
Công ty nghiên cứu Enodo Economics cho biết đoạn tweet của ông Trump phản ánh sự nghiêm túc của Mỹ để đạt thỏa thuận lớn với Trung Quốc. Diana Choyleva, nhà kinh tế trưởng của Enodo, nói: "Trước áp lực lớn mà ông Trump đang đặt ra đối với Trung Quốc, nước Mỹ cũng sẽ phải chuẩn bị để bãi bỏ việc áp thuế, vì Trung Quốc sẽ không muốn bị nhìn nhận là khuất phục trước áp lực từ Mỹ. "
Giới phân tích nhận định đây không phải là lần đầu tiên ông Trump đe dọa Trung Quốc bằng thuế quan bổ sung. Hu Xijin, tổng biên tập tờ Global Times, đăng dòng tweet rằng Trung Quốc "không đánh giá cao thủ thuật này".
Cho đến gần đây, ông Trump vẫn luôn tán dương rằng các cuộc đàm phán đang tiến triển "rất tốt". Hy vọng về một thỏa thuận chấm dứt căng thẳng thương mại đã thúc đẩy cổ phiếu đi lên. Tuy nhiên, những lời đe dọa mới nhất có thể khiến Bắc Kinh trở nên cứng rắn hơn, kéo dài cuộc chiến thương mại hơn nữa và khiến chuỗi cung ứng quốc tế gặp rủi ro, với những hậu quả nghiêm trọng tiềm tàng cho nền kinh tế toàn cầu.
Công ty Nghiên cứu Gavekal Research mô tả những tuyên bố của ông Trump là “thủ thuật vào phút cuối” để xoa dịu các nhà phê bình rằng nước Mỹ không đạt một thỏa thuận đủ tốt với Bắc Kinh.
"Khả năng cao là hai bên vẫn sẽ đạt một thỏa thuận, nhưng sẽ mất nhiều thời gian hơn", nhà phân tích Arthur Kroeber của Gavekal Research viết trong một ghi chú.
"Lý do chính là các thị trường toàn cầu đã được định giá dựa trên giả định hai bên đạt sẽ đạt thỏa thuận, do đó, sự đổ vỡ của các cuộc đàm phán sẽ gây ra một cuộc bán tháo lớn", ông Kroeber lập luận.
Ông Wendy Cutler, cựu quan chức ngoại giao thương mại Mỹ, nhận định: "Chính quyền Trump thường dùng những lời đe dọa tăng thuế để phá vỡ sự bế tắc. Trong khi chiến thuật này đã đạt được một số thành công, lời đe dọa mới nhất làm nảy sinh nhiều rủi ro và có thể dẫn đến tổn hại lớn cho Mỹ hơn là cho Trung Quốc, nếu chính quyền Trump không thể thuyết phục nền kinh tế thứ 2 thế giới mở cửa thị trường hơn nữa và phải đối mặt với mức thuế cao trên nhiều sản phẩm, cùng với những sự trả đũa khác từ phía Trung Quốc".
Nguồn Nikkei Asian Review