Ảnh: theverge.com
Tương lai nào cho Alphabet, công ty mẹ của gã khổng lồ tìm kiếm Google?
“Được thôi, tại sao không? Thử làm xem nào”. Khi nói những lời này, Sergey Brin đã quyết định từ bỏ con đường học thuật và dốc toàn lực vào Google, một công ty mà ông đồng sáng lập với người bạn Larry Page vào năm 1998. Khoảng 21 năm sau, Page và Brin lại quyết định buông tay đối với đứa con tinh thần của mình. Cụ thể, đầu tháng 12 vừa qua, Page và Brin tuyên bố sẽ rời khỏi vị trí CEO và Chủ tịch Alphabet, công ty mẹ của Google và là công ty niêm yết có giá trị lớn thứ 4 thế giới với vốn hóa 927,11 tỉ USD (tính đến ngày 12.12.2019).
Thung lũng Silicon luôn ca ngợi các doanh nhân khởi nghiệp đã tạo nên những bước nhảy khổng lồ. Xét ở những tiêu chuẩn này, Google đã nhảy rất nhanh và rất xa. Hiện Công ty đang chiếm lĩnh thị trường tìm kiếm, xử lý hơn 2.000 tỉ câu hỏi tìm kiếm mỗi năm. Ngay từ ban đầu, động cơ tìm kiếm của Google đã tận hưởng một vòng lặp tăng trưởng: càng có nhiều người sử dụng thì Google càng thu thập nhiều dữ liệu hơn và càng trở nên hữu ích hơn và tất nhiên là kiếm nhiều tiền hơn khi các nhà quảng cáo sẵn sàng chi tiền để thu hút sự chú ý của hàng tỉ người sử dụng Google trên khắp thế giới.
Mô hình kinh doanh này đã là con gà đẻ trứng vàng cho Google. Bằng chứng là Google đã chỉ mất 8 năm để đạt 10 tỉ USD doanh số bán hằng năm. Tổng mức lỗ lúc đỉnh điểm của Công ty chỉ là 21 triệu USD. Làm một phép so sánh, Uber đã tạo ra 15 tỉ USD doanh thu nhưng đến nay vẫn còn thua lỗ. Trong khi đó, lãi ròng của Alphabet trong năm kết thúc vào ngày 30.9.2019 lên tới 32,62 tỉ USD, tăng 73,81% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dù vậy, vẫn có nhiều điều không chắc chắn về công ty này. Một câu hỏi lớn là về chiến thuật. Các gã khổng lồ công nghệ khác đã đa dạng hóa vượt ra khỏi mảng kinh doanh cốt lõi, như Amazon bắt đầu ở mảng thương mại điện tử nhưng giờ là một người chơi lớn trong lĩnh vực điện toán đám mây. Tại Trung Quốc, Tencent đã bành trướng từ video game sang rất nhiều dịch vụ khác nhau. Alphabet cũng không ngồi yên: Công ty đã mua YouTube vào năm 2006 và mở rộng sang lĩnh vực di động với việc tung ra Android vào năm 2007, hiện là hệ điều hành đang chạy trên 80% smartphone của thế giới. Nhưng đến nay 85% doanh số bán của Công ty vẫn đến từ quảng cáo tìm kiếm.
Câu hỏi thứ 2 là Công ty sẽ bị các nhà chức trách đưa vào diện cần “kiểm soát” ở mức độ nào. Vị thế độc quyền của Alphabet trong mảng tìm kiếm đã dấy lên mối quan ngại về việc cạnh tranh không công bằng. Lượng dữ liệu khổng lồ mà Công ty đang nắm giữ cũng đặt dấu hỏi về tính riêng tư. Và vì Alphabet là một đường dẫn thông tin và tin tức có sức ảnh hưởng rất lớn nên tác động về mặt chính trị là lý do khiến Công ty bị đưa vào tầm ngắm. Tất cả những điều này dẫn đến sự quản lý nghiêm ngặt hơn từ phía các nhà chức trách. Alphabet đã bị phạt 9 tỉ USD tại EU, trong khi tại Mỹ, giới chính trị ở cả hai đảng đều duy trì đưa ra các quy định gắt gao hơn đối với Alphabet, thậm chí một số yêu cầu chia tách. Nếu Alphabet bị quản lý và kiểm soát như vậy, lợi nhuận có thể sẽ giảm mạnh.
Câu hỏi cuối cùng là “ai sẽ kiểm soát Alphabet?”. Page và Brin đã đưa ra phương pháp kiểm soát gọi là “sự giám sát kiểu cha mẹ” vào năm 2001 và thuê CEO từ bên ngoài. Hiện cả hai nhà sáng lập quyết định không nắm giữ bất kỳ vị trí điều hành nào nữa mà giao quyền cầm cương cho Sundar Pichai. Theo đó, Pichai hiện đang giữ vị trí CEO ở Google, cũng đồng thời trở thành CEO ở công ty mẹ Alphabet.
Thời gian gần đây, Brin ít khi thấy xuất hiện. Còn Page không hề có mặt trong cuộc họp cổ đông thường niên năm nay của Alphabet. Trong một lá thư chung khi tuyên bố từ chức, Brin và Page nói rằng: “Chúng tôi chưa bao giờ khư khư giữ lấy vai trò điều hành khi chúng tôi nhận thấy có một cách tốt hơn để điều hành doanh nghiệp. Alphabet và Google không còn cần đến 2 CEO và 1 vị Chủ tịch”.
Dù nói như vậy, nhưng với cơ chế cổ phiếu đa tầng có nghĩa là Brin và Page sẽ vẫn kiểm soát hơn 50% quyền biểu quyết tại Công ty (dù không còn điều hành, Brin và Page vẫn ngồi trong ban quản trị Công ty).
Trong số các gã khổng lồ công nghệ, cho đến nay có Microsoft và Apple là đã chuyển giao cho người kế vị. Hai công ty này đã tăng trưởng khá tốt một phần vì các nhà sáng lập hoặc gia tộc của họ không nắm giữ quyền biểu quyết sau khi họ rời khỏi doanh nghiệp. Microsoft, chẳng hạn, đã thành công tái định vị là một công ty điện toán đám mây sau khi Bill Gates ra đi vào năm 2000. Microsoft hiện có giá trị vốn hóa cao hơn cả Alphabet. Trong khi đó, tại Alphabet, với cơ chế cổ phiếu đa phần, chắc chắn quyền tự do của Sundar Pichai sẽ bị giới hạn. Đó là lý do cổ phiếu công ty này không hề rục rịch sau thông tin thoái vị của Brin và Page.
Những câu hỏi trên cho thấy có quá nhiều điều không chắc chắn về tương lai của Alphabet. Và liệu nhà đầu tư còn kiên nhẫn đến bao giờ, nhất là khi canh bạc của Brin và Page vào các công nghệ tương lai, như xe không người lái vẫn chưa cho thấy kết quả?
►Google và Facebook chiếm 34% thị phần quảng cáo online năm 2020
►Sau Google và GoPro, đến lượt Fitbit, Tile muốn dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc
Nguồn The Economist