Tương lai châu Âu sau 'thập kỷ mất mát'
Tuy nhiên, các công ty hàng đầu của châu Âu có thể làm gì để tồn tại trong những năm tới? Liệu Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Brussels có sự điều hành chưa đúng và tại sao môi trường kinh doanh vẫn chưa được cải thiện?
Các nhà lãnh đạo châu Âu nói rằng tổng GDP của Liên minh châu Âu (EU) là gần 17.400 tỷ USD, nhiều hơn 600 tỷ USD so với Mỹ. Nếu quy đổi theo tỷ lệ GDP toàn cầu thì EU chiếm trên 23%, còn Mỹ là 22%. Sự so sánh ấn tượng đó có thể được hiểu là về tiềm năng kinh tế, châu Âu vượt trội so với Mỹ. Tuy nhiên, châu Âu không phải là Eurozone, đặc biệt nhìn từ góc độ doanh nghiệp. Chính Eurozone đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng nhất trong lịch sử thời hậu chiến của mình.
Doanh nghiệp đi xuống
Giá trị thị trường của 500 công ty hàng đầu thế giới theo ước tính của Financial Times (FT 500) là hơn 30.000 tỷ USD. Đây là những công ty có thể gây dựng hoặc phá đổ một quốc gia, đồng thời cũng có những đóng góp cho triển vọng tăng trưởng toàn cầu. Trong đó, các công ty Mỹ chiếm 41%. Theo giá trị thị trường, tỷ trọng của các công ty này cao hơn đáng kể (khoảng 45%), còn các công ty châu Âu chiếm 27,4%. Tuy nhiên, công ty thuộc Eurozone chỉ chiếm 16,4% tổng số. Đặc biệt, 30 doanh nghiệp Anh (quốc gia không thuộc Eurozone) đóng một vai trò quan trọng, chiếm 1/5 trong toàn bộ các công ty EU và hơn 1/4 tổng giá trị thị trường.
Khoảng hai thập kỷ trước đây, nhiều đối thủ Nhật Bản được Mỹ coi là các công ty khổng lồ của thế kỷ 21 mà có thể dễ dàng mua được nước Mỹ, ngay khi họ nắm lấy Rockefeller Center. Tuy nhiên, cổ phiếu của các công ty Nhật Bản đã giảm một nửa xuống chỉ còn chưa đầy 7% trong 500 công ty hàng đầu thế giới. Xét về giá trị thị trường, tỷ trọng của họ thậm chí còn thấp hơn vì chỉ chiếm 5%. Trong khi đó, chỉ một thập kỷ trước hiếm có tập đoàn khổng lồ nào của Trung Quốc lọt vào danh sách top 500. Ngày nay, tỷ lệ của các công ty Trung Quốc gần như là ngang với các đối thủ từ Nhật Bản, khoảng 6%. Tính theo giá trị thị trường, các công ty Trung Quốc đã chiếm hơn 7% tổng số và do đó đã vượt trên cả các đối thủ Nhật Bản.
Tổng cộng, bốn nhóm - các công ty hàng đầu thế giới của Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Trung Quốc - chiếm hơn 80% số lượng và hơn 84% tổng giá trị thị trường của 500 công ty hàng đầu thế giới.
Các công ty Mỹ và châu Âu chiếm tới 2/3 (68%) trong số 500 công ty hàng đầu và theo giá trị thị trường, tỷ trọng của họ thậm chí còn cao hơn (72%). Nhưng về lâu dài, tỷ trọng của các công ty của hai khối này đã suy giảm cấu trúc tương đối, điều diễn ra trước thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Bên cạnh đó, các biến động dữ dội trong cuộc khủng hoảng và hậu quả của sự trì trệ kéo dài đang đẩy nhanh hơn tình trạng suy giảm đó.
"Thập kỷ mất mát"
Khi cuộc khủng hoảng 2008 - 2009 tác động đến châu Âu, các nền kinh tế chủ chốt của châu lục này phải dựa vào mô hình xã hội hào phóng của họ, trong khi những thách thức về cơ cấu bị gạt sang một bên. Thay vì hối thúc các doanh nghiệp tăng cường khả năng cạnh tranh và đổi mới, châu Âu lại dựa trên các chiến lược mà khi thực hiện đã tỏ ra không thành công.
Ban đầu, cuộc khủng hoảng ở châu Âu được nhìn nhận chủ yếu qua vấn đề thanh khoản và khủng hoảng ngân hàng. Đó là lý do tại sao Brussels tung ra gói cứu trợ 770 tỷ euro "gây sốc và kinh hoàng" để ổn định khu vực đồng tiền chung. Đằng sau điểm đồng thuận, rõ ràng gói giải cứu là không đủ, các chính sách thắt lưng buộc bụng quá khắt khe, trong khi lại bỏ qua nhiều điểm khác của cuộc khủng hoảng. Hậu quả là nó tạo ra sự phản đối mạnh mẽ, thậm chí bạo lực ở Nam Âu và chia rẽ khu vực. Những gì theo sau đó là các nền kinh tế nhỏ hơn - Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Ireland - đã bị cuốn vào cơn suy thoái nghiêm trọng. Các nền kinh tế chịu khủng hoảng này ban đầu bị coi là "tổn thất ngoại vi" cho đến khi cuộc khủng hoảng Eurozone ăn sâu vào Tây Ban Nha, Italy và thậm chí cả Pháp.
Ban đầu ECB (lúc bấy giờ do Chủ tịch Jean - Claude Trichet điều hành), phản ứng quá chậm chạp và tăng lãi thay vì cắt giảm. Cho đến khi ECB đảo ngược lại cách tiếp cận, thì thời gian quý báu và hàng triệu việc làm đã bị mất. Sau đó, người kế nhiệm ông Trichet, Chủ tịch Mario Draghi, đã cắt giảm lãi suất và cam kết bảo vệ đồng euro "bằng mọi giá". Các thị trường ổn định, nhưng phải nhờ vào gói cứu trợ tài chính rất lớn, điều đã gây chia rẽ Eurozone giữa các nước Bắc Âu bảo thủ về tài chính với các nền kinh tế ốm yếu Nam Âu, trong khi khu vực Trung và Đông Âu phải đối mặt với những thách thức kinh tế và địa chính trị.
Hơn thế nữa, nhiều nền kinh tế châu Âu, bao gồm cả các nước Bắc Âu, đã bắt đầu dè sẻn chi tiêu cho lĩnh vực cải cách, do đó tự làm cho chính họ dễ bị tổn thương hơn trong tương lai. Khi cuộc khủng hoảng lan sang Italy và Tây Ban Nha, các gói cứu trợ tài chính không còn phát huy tác dụng. Lúc này cải cách cơ cấu trở nên quan trọng, nhưng kể từ khi chúng được xem như là một sự “tự sát về chính trị”, thì thay vì nhanh chóng đổi mới, các chính phủ lại trì hoãn việc này.
(Còn tiếp)
Nguồn Tin tức