Ảnh: gettyimages.com
Tương lai Chanel khi không còn Lagerfeld
Tôi hoàn toàn ở trên mặt đất, chỉ là không phải ở trên trái đất này” là một trong vô số những câu nói dí dỏm của Karl Lagerfeld, biểu tượng sáng tạo của hãng thời trang Pháp Chanel vừa qua đời vào tháng 2.2019. Lagerfeld có thể không cảm thấy mình thuộc về hành tinh này nhưng ông biết rất rõ những cư dân giàu có của hành tinh thích mặc gì.
Là một trong những thiên tài vĩ đại trong ngành thời trang xa xỉ Pháp bên cạnh Christian Dior, Coco Chanel (nhà sáng lập Chanel) và Yyes Saint Laurent, Karl Lagerfeld đã đưa Chanel, nơi ông giữ vai trò Giám đốc sáng tạo hơn 35 năm qua, trở thành tập đoàn đa quốc gia hiện nay với danh mục sản phẩm đa dạng từ túi xách, nước hoa, mỹ phẩm cho đến quần áo, trang sức và giày dép. Vì thế, sự qua đời của ông đã khiến cho những lời đồn đoán dậy sóng về tương lai của thương hiệu thời trang xa xỉ 108 tuổi này.
Vị cứu tinh
Lagerfeld được mời vào tái cấu trúc Chanel vào năm 1983. Để hồi sinh Chanel, anh em Alain và Gérard Wertheimer - ông chủ của Chanel - đã cầu cứu Lagerfeld, người đã giành giải thưởng thiết kế danh giá Woolmark ở độ tuổi 21 và đến năm 1965 trở thành Giám đốc sáng tạo của thương hiệu thời trang Paris Chloé và Fendi, hãng thời trang đồ lông nổi tiếng của Ý.
Khi được mời về chấn hưng thương hiệu thời trang này, Chanel lúc đó chỉ là một thương hiệu thời trang “cổ lỗ sĩ” như lời miêu tả của Lagerfeld. Lagerfeld đã nhanh chóng tăng sức quyến rũ cho thời trang vải tweed (chất liệu thô, len có bề mặt sần) của Chanel với cách cắt may nữ tính hơn và tăng cường sử dụng ngọc trai, chuỗi... Mặc dù Chanel vẫn giữ tính độc quyền bằng cách cho ra đời những bộ váy 15.000USD và các chiếc túi xách bằng da 5.000USD, nhưng đồng thời duy trì được sức hấp dẫn đối với thị trường đại chúng nhờ son môi có giá dưới 30USD và nước hoa chưa tới 100 USD/chai.
Theo Elodie Nowinski, Giáo sư nghiên cứu thời trang tại Trường Kinh doanh EM Lyon, Lagerfeld là “một thiên tài về marketing” vì “ông biết cách tạo hình ảnh thời trang cao cấp, đồng thời cũng khiến thương hiệu Chanel được khao khát trong giới bình dân”. Chính sự kết hợp giữa sức hút đại chúng và tính độc quyền hàng xa xỉ đã giúp Chanel trở thành một gã khổng lồ với vô số cửa hàng, boutique trên khắp thế giới, cùng số nhân viên lên tới 20.000 người. Mới đây, Chanel lần đầu tiên công bố kết quả kinh doanh trong lịch sử 108 năm với doanh thu năm 2017 đạt 9,6 tỉ USD và lợi nhuận hoạt động 2,7 tỉ USD.
Là người nghiện việc, ông hầu như không bao giờ nghỉ phép, thiết kế khoảng 14 bộ sưu tập mỗi năm từ trang phục sang trọng cho đến thời trang bình dân. “Thiết kế là hơi thở. Nếu tôi không thể thở thì tôi gặp rắc rối to rồi”, ông thường nói. Với cách phục sức đặc trưng: áo sơ mi cổ cao, tóc trắng buộc kiểu đuôi ngựa, cặp mắt kính mát và găng tay màu đen, Lagerfeld giám sát tới 8 bộ sưu tập Chanel mỗi năm như bộ sưu tập xuân, thu, đồ trượt tuyết, hàng may đo cao cấp... Là nhà thiết kế thời trang cho phái nữ nổi tiếng, Lagerfeld có một danh sách dài các khách hàng là ngôi sao nổi tiếng như diễn viên Cate Blanchett và ca sĩ Pharrell Williams.
BNP Paribas ước tính giá trị của thương hiệu này lên tới hơn 50 tỉ USD, đưa anh em nhà Wertheimer vào nhóm những người giàu nhất nước Pháp. Theo Bloomberg Billionaires Index, giá trị tài sản ròng của mỗi người là gần 21 tỉ USD. Bản thân Lagerfeld kiếm về cho mình khoảng 400 triệu euro (453 triệu USD).
Ai sẽ kế vị Lagerfeld?
Với bộ óc thiên tài và sức làm việc không ngừng nghỉ, Lagerfeld đã trở thành biểu tượng sáng tạo của ngành thời trang Pháp, là linh hồn của Chanel. Vì thế, sự ra đi của Karl Lagerfeld đã tạo ra thách thức sáng tạo lớn nhất cho thương hiệu thời trang này, kể từ khi nhà sáng lập Coco Chanel qua đời cách đây gần nửa thế kỷ. “Chúng ta đã mất đi một thiên tài sáng tạo - người đã giúp đưa Paris trở thành thủ đô thời trang của thế giới”, Bernard Arnault, Chủ tịch kiêm CEO tập đoàn hàng xa xỉ Pháp LVMH, nhận xét.
Lagerfeld ra đi gửi lại trọng trách thiết kế sáng tạo các bộ sưu tập cho Virginie Viard, Phó Giám đốc sáng tạo lâu năm, được Chanel gọi là “cộng sự gần gũi nhất của ông hơn 30 năm qua”. Điều quan trọng đối với tương lai của thương hiệu thời trang này là liệu Viard có thoát khỏi cái bóng quá lớn của Lagerfeld và đưa ra một tầm nhìn thuyết phục hoặc liệu Chanel có tìm kiếm người kế vị từ bên ngoài như Phoebe Philo (rời khỏi nhãn hàng Celine của LVMH vào năm ngoái) hay Alber Elbaz (từng làm cho Lanvin).
Mặc dù anh em nhà Wertheimer (khoảng 70 tuổi) chưa tiết lộ kế hoạch tìm người kế vị, nhưng họ rõ ràng đã nghĩ về tương lai không có Lagerfeld. Họ đã chỉ định các thành viên hội đồng quản trị độc lập và đã gộp Chanel và hàng chục chi nhánh (trong đó có các nhà cung cấp hàng thêu, da, găng tay da và các linh kiện đồng hồ được thâu tóm từ nhiều năm trước) thành một công ty holding duy nhất (đăng ký ở London).
Ngoài ra, từ lâu làm lơ với thương mại điện tử, nay Chanel đã chỉnh trang lại website vào mùa hè vừa qua, cho thêm kính mát vào danh mục sản phẩm trang điểm và nước hoa và bắt đầu công bố giá các sản phẩm thời trang, phụ tùng trên mạng. Cách đây 1 năm, Chanel đã mua cổ phần trong nền tảng thương mại điện tử Farfetch để giúp phát triển các công cụ kỹ thuật số cho các cửa hàng của Chanel.
Chanel phủ nhận kế hoạch IPO hoặc bán doanh nghiệp nhưng một điều chắc chắn là Chanel đang trở thành đối tượng bị nhòm ngó. Các tập đoàn hàng xa xỉ như LVMH và Kering SA, chủ sở hữu Gucci, đang tìm kiếm các tài sản hấp dẫn để thâu tóm, trong khi các đối thủ Mỹ như Tapestry và Michael Kors, các quỹ đầu tư tư nhân và các tập đoàn Trung Quốc như Fosun và Shandong Ruyi cũng đang tìm cách gia tăng sự hiện diện ở thị trường thời trang xa xỉ. “Chanel chắc chắc là một tài sản rất hấp dẫn nhưng đến giờ chưa treo biển bán”, chuyên gia Jelena Sokolova của Morningstar nhận định