truthfeed.com

 
Thứ Sáu | 28/07/2017 11:13

Từng một thời giàu có, vì sao Venezuela giờ đây rơi vào đói khổ?

Là quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới, nhưng Venezuela lại đang đứng trên bờ vực sụp đổ hoàn toàn cả về kinh tế lẫn xã hội.

Venezuela đang cạn kiệt thực phẩm. Các bệnh viện lâm vào tình trạng quá tải với hàng loạt trẻ em mắc bệnh trong khi bác sĩ không có đủ thuốc hoặc máy X-quang. Điện thì cứ chập chờn lúc có lúc không. Cả nền kinh tế đang trên con đường dẫn tới sụp đổ, sau khi GDP giảm 18,6% trong năm 2016.

Thứ duy nhất mà Venezuela có dồi dào là sự hỗn loạn.

Hôm Chủ nhật, Tổng thống Nicolas Maduro đã kêu gọi một cuộc trưng cầu dân ý cho phép ông sửa đổi Hiến pháp và sắp xếp lại toàn bộ Quốc hội. Ý định này đã bị phe đối lập chỉ trích mạnh mẽ là tạo điều kiện cho Maduro củng cố quyền lực quá nhiều.

Venezuela đã sụp đổ như thế nào?

Tổng trữ lượng dầu mỏ của Venezuela là lớn nhất thế giới, lên đến 297 tỷ thùng. Lẽ ra với nguồn tài nguyên vô giá này, người Venezuela chả bao giờ cần phải lo nghĩ về chuyện thiếu tiền. Nhưng sự thực trớ trêu là bây giờ ngân sách chính phủ Venezuela đang cạn kiệt, lạm phát thì tăng vọt (đạt 800% trong năm 2016), và không ai biết liệu tình hình có còn trở nên tồi tệ hơn nữa hay không.

Vào những năm 1990, Venezuela vẫn còn là một cường quốc kinh tế của Nam Mỹ vào những năm 90. Nhưng khi đó tình trạng bất bình đẳng khá là trầm trọng. Một nhóm tinh hoa nhỏ đã kiểm soát gần như mọi mặt của nền kinh tế, dẫn tới sự bất mãn ngày càng gia tăng từ số đông dân chúng nghèo khổ.

Năm 1999, nền chính trị Venezuela chuyển hướng sang đường lối dân túy, với chiến thắng bầu cử của cựu sĩ quan quân đội Hugo Chavez. Tổng thống Chavez đã cắt đứt mối quan hệ ngoại giao với Mỹ và quay sang ủng hộ Trung Quốc và Nga, cả hai nước này cho Venezuela vay hàng tỷ USD. Chavez giữ chức tổng thống cho đến khi qua đời vào năm 2013, và ngày nay ông vẫn được coi là anh hùng của những người nghèo khổ.

Nhưng chính phủ của ông đã chi tiêu quá đà cho phúc lợi xã hội, và đã áp giá cố định cho mọi thứ. Chính phủ Chavez cũng tuyên bố đất nông nghiệp là tài sản của nhà nước, dẫn tới việc ngành nông nghiệp rơi vào tình trạng rối loạn khi nhiều nông dân không còn muốn đầu tư vào mảnh đất của mình. Trong giai đoạn 2006-2016, sản lượng bắp ngô tại Venezuela giảm 50%, còn sản lượng thịt bò giảm 32%.

Điều này khiến cho Venezuela phụ thuộc vào việc bán dầu ra nước ngoài để mua thực phẩm. 80% lượng thực phẩm được tiêu thụ tại Venezuela ngày nay là đến từ nhập khẩu. 

Trước khi chết, Chavez chọn Maduro làm người kế vị, và Maduro giữ nguyên các chính sách của ông Chavez. Chính quyền Maduro cũng đã ngừng đưa ra bất kỳ số liệu thống kê đáng tin cậy nào, bao gồm cả tăng trưởng kinh tế và lạm phát. Đồng thời chính quyền này cũng để mặc cho tình trạng hối lộ tràn lan trong các dự án hạ tầng, trong khi số nợ công thì gia tăng chóng mặt.

Trong khi đó giá dầu, vốn là hàng hoá xuất khẩu duy nhất của Venezuela, bắt đầu đà  giảm mạnh.

Vào năm 2014, giá dầu còn khoảng ở mức khoảng 100 USD/thùng. Sự phát triển của công nghệ dầu đá phiến ở Mỹ đã khiến sản lượng dầu tăng mạnh, khiến giá toàn cầu có lúc giảm xuống còn 26 USD/thùng vào năm 2016. Hiện giá dầu dao động quanh mức 50USD/thùng, có nghĩa là thu nhập của Venezuela đã bị cắt giảm một nửa.

Theo một văn bản mà Reuters thu thập được từ ngân hàng trung ương Venezuela, ngành dầu khí của nước này đã sụt giảm 12,7% trong năm nay, còn các ngành khác sụt giảm 19,5%.

Tung mot thoi giau co, vi sao Venezuela gio day roi vao doi kho?
Dự trữ ngoại hối (tỷ USD) của Venezuela qua các năm. Ảnh: CNN Money/Ngân hàng TW Venezuela

Với giá dầu thấp và ngân sách chính phủ cạn kiệt, việc kiểm soát giá cả đã trở thành vấn đề lớn. Nhà nước Venezuela vẫn trợ cấp lương thực với mức giá rất thấp để xoa dịu người nghèo. Ngân hàng trung ương thì in tiền với tốc độ chóng mặt, kéo theo việc đồng nội tệ bolivar mất giá, làm gia tăng thất nghiệp tăng lên và sụt giảm thu nhập.

Đồng thời, thái độ đối đầu của Maduro đối với giới doanh nghiệp nước ngoài đã dẫn tới cuộc tháo chạy tập thể của các nhà đầu tư. Pepsi, General Motors và United Airlines nằm trong số những công ty đã cắt giảm hoạt động hoặc đóng cửa hoàn toàn chi nhánh tại Venezuela. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tỷ lệ thất nghiệp ở Venezuela trong năm nay có thể đạt 25%.

Lạm phát sẽ còn tồi tệ hơn. Trong năm 2010, USD đổi được 8 bolivar, nhưng hiện nay con số đó là 8.000 bolivar theo tỷ giá hối đoái không chính thức. Giá cả có thể tăng vọt 2.000%  trong năm tới.

Để khắc phục, ông Maduro đã tăng mức lương tối thiểu lên gấp ba trong năm nay. Điều đó đã tạo ra một sự hỗ trợ ngắn hạn cho người nghèo, nhưng các chuyên gia nói đây là một biện pháp vô ích trong dài hạn.

Nhà kinh tế học Alberto Ramos,, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu khu vực Mỹ Latinh ở Goldman Sachs, nói: "Nền kinh tế Venezuela thực sự hỗn loạn, nó đã sụp đổ hoàn toàn và không còn đường lùi".

Maduro đổ lỗi cho các đối thủ của ông về những bất ổn kinh tế của Venezuela, và cho rằng các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với các nhà lãnh đạo Venezuela là bằng chứng cho thấy Mỹ đang tiến hành một cuộc chiến kinh tế nhắm vào nước này.

Khi đồng tiền không đến đúng chỗ

Trong nhiều năm qua, Maduro đã có 2 lựa chọn: trả nợ cho Trung Quốc, Nga và các nhà đầu tư nước ngoài, hoặc mua lương thực và thuốc cho người dân.

Ông đã chọn việc trả nợ. Kết quả: số người thiếu ăn và tử vong vì bệnh tật tại Venezuela tăng mạnh. Theo một cuộc thăm dò trên toàn quốc, tình trạng thiếu lương thực đang nghiêm trọng đến nỗi mỗi người nghèo ở Venezuela đã mất đi bình quân 8,6kg trọng lượng cơ thể trong năm ngoài.

Venezuela chủ yếu mua thực phẩm từ Brazil, Colombia và Mexico. Theo công ty nghiên cứu Panjiva, trong 5 tháng đầu năm nay, lượng xuất khẩu lương thực từ các nước trên sang Venezuela đã giảm 61% so với cùng kỳ năm 2015.

Sự đi xuống của ngành y tế Venezuela còn trầm trọng hơn: đã có 756 phụ nữ tử vong trong khi sinh con vào năm ngoái, tăng 76% so với năm 2015, theo một bản thông báo hiếm hoi của chính phủ.

Gần 11.500 trẻ sơ sinh Venezuela chết vào năm 2016, tăng 30% so với năm trước. Các ca sốt rét đã lên đến 240.000 ca, tăng 76% so với năm 2015.

Tiến sĩ Huniades Urbina-Medina, người đứng đầu khoa sản tại Bệnh viện nhi de Niños J.M de los Rios ở Caracas, nói: "Ngay cả ở bệnh viện vẫn không có thức ăn cho bệnh nhân. Chúng tôi thiếu thuốc men, máy chụp X-quang, máy quét CT. Chúng tôi không có gì cả".

Không chỉ có vậy, người dân Venezuela còn phải đối phó với tình trạng thiếu điện và nước thường xuyên.

Các cuộc khủng hoảng này khiến tầng lớp thượng lưu và trung lưu của Venezuela tháo chạy ra nước người, dẫn tới sự chảy máu chất xám nghiêm trọng. Theo nghiên cứu của giáo sư xã hội học Tomas Paez, gần 2 triệu người Venezuela đã rời khỏi đất nước này từ năm 1999, trên tổng số 30 triệu dân.

Liệu sẽ có thay đổi?

Người ta đã từng nghĩ Venezuela sẽ có thay đổi khi các nhà lãnh đạo phe đối lập giành được đa số ghế trong Quốc hội nước này vào năm 2015, nhưng hóa ra nó chỉ tạo ra thêm bế tắc.

Đầu năm 2016, Maduro bố trí những người ủng hộ ông vào Tòa án Tối cao để ngăn cản Quốc hội miễn nhiệm ông. Sau đó tới tháng 3/2017, Tòa án Tối cao đã ra lệnh giải tán hoàn toàn Quốc hội và giành hết quyền lực của cơ quan này, dẫn đến  các cuộc biểu tình kéo dài hàng tháng trời, gây ra cái chết cho gần 100 người.

Mạnh Đức

Nguồn CNN Money