Tuần bận rộn của thị trường toàn cầu
Trên thực tế, các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đang hoạt động ở những cấp độ rất khác nhau, thậm chí đi trên những lập trường đối lập.
Ngân hàng trung ương Anh (BOE) có thể sẽ nâng lãi suất từ mức thấp kỷ lục 0,5% sau khi kết thúc cuộc họp chính sách vào ngày 10/7, và đây chắc chắn là ngân hàng trung ương lớn đầu tiên thắt chặt chính sách.
Theo kết quả khảo sát của Reuters, hơn 60 chuyên gia kinh tế dự báo, Vương quốc Anh sẽ tăng lãi suất vào quý I/2015 trong khi 40% chuyên gia cho rằng BOE sẽ tăng lãi suất trước khi kết thúc năm nay.
Mặc dù kinh tế Anh đang phát triển nhanh nhưng thị trường nhà đất lại vượt tầm kiểm soát của các nhà quản lý khi giá nhà tại London tăng gần 26% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn kiên trì cắt giảm chương trình mua trái phiếu hàng tháng và duy trì lãi suất thấp sang tận năm 2015.
Tuần trước, chính phủ Mỹ cho biết, các doanh nghiệp đã tăng cường tuyển dụng, đẩy số người có việc làm tăng cao trong tháng 6 và hỗ trợ quá trình phục hồi của nền kinh tế.
Thị trường Mỹ tuần này, sẽ không đón nhận nhiều số liệu kinh tế và sẽ vẫn tập trung thảo luận về thời điểm tăng lãi suất của ngân hàng trung ương. JPMorgan dự báo, Fed sẽ tăng lãi suất vào quý III/2015
Ngày 9/7, Fed cũng sẽ công bố biên bản cuộc họp chính sách tháng trước, trong đó ngân hàng thể hiện niềm tin kinh tế Mỹ đang trên đà phục hồi mạnh mẽ và đánh tín hiệu có thể bắt đầu tăng lãi suất vào năm tới.
Cũng trong tháng 6, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng đã hạ một loạt các lãi suất chủ chốt; đồng thời, đánh tín hiệu có thể sẽ nới lỏng định lượng để thoát khỏi tình trạng giảm phát.
Vài giờ sau khi chủ tịch ECB Mario Draghi phát biểu, Jens Weidmann của Ngân hàng Bundesbank nhận định, ECB không nên nới lỏng chính sách quá lâu.
Tuần này cũng là thời gian bận rộn đối với thị trường châu Á với tâm điểm là kết hoạch ngân sách của Ấn Độ, bầu cử tại Indonesia và số liệu kinh tế Trung Quốc.
Thị trường Nhật Bản sẽ bắt đầu tuần mới với số liệu về tài khoản vãng lai của tháng 5 và số đơn đặt mua máy móc - chỉ số báo trước về hoạt động đầu tư vốn. Cả hai số liệu này đều được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trong tháng 5.
Ngày 9/7, thị trường tài chính tại Indonesia sẽ tạm thời đóng phiên để thực hiện cuộc bầu cử tổng thống dự báo sẽ là cuộc đua quyết liệt giữa Cựu đại tướng quân đội Prabowo và Thống đốc Jakarta Joko Widodo.
Tại Ấn Độ, sự kiện chính của thị trường là kế hoạch ngân sách chi tiết của tân Thủ tướng Narendra Modi trong bối cảnh giới đầu tư rất lo ngại về tình hình thâm hụt tăng cao.
Moody's dự báo, thâm hụt thương mại tháng 6 của Ấn Độ sẽ giảm xuống 6,5 tỷ USD so với 11 tỷ USD trong tháng 5.
Một trong những biện pháp mà chính phủ Ấn Độ có thể áp dụng là cải cách cơ cấu, như thuế hàng hóa và dịch vụ, theo nhận định của các chuyên gia phân tích tại Deloitte.
Trong tuần, các quan chức đứng đầu Trung Quốc và Mỹ sẽ gặp nhau tại buổi nói chuyện thường niên tại Bắc Kinh vào 2 ngày 9 và 10/7. Mỹ có thể sẽ tiếp tục kêu gọi Trung Quốc đẩy mạnh hơn nữa vai trò của thị trường trong việc định giá đồng nhân dân tệ.
Ngày 9/7, Trung Quốc cũng sẽ công bố số liệu lạm phát và thương mại của tháng 6. Moody's dự báo, lạm phát của Trung Quốc sẽ giảm xuống 2,3% và có thặng dư thương mại 25 tỷ USD do xuất khẩu giảm.
Ngoài ra, giới thương nhân cũng sẽ dõi theo các quyết định chính sách của các ngân hàng trung ương tại Hàn Quốc, Indonesia và Malaysia. Các chuyên gia dự báo, Hàn Quốc và Indonesia sẽ không thay đổi chính sách nhưng Ngân hàng Negara của Malaysia sẽ tăng lãi suất.
Nguồn Theo DVO/ Reuters, CNBC