Trong nửa đầu năm 2024, Hàn Quốc đã nhập khẩu nhiều kim chi hơn là xuất khẩu, đa phần từ Trung Quốc. Ảnh: FT.

 
Khánh Tú Chủ Nhật | 22/09/2024 22:55

Từ thép đến kim chi: Xuất khẩu Hàn Quốc đối mặt với làn sóng từ các đối thủ Trung Quốc

Các ngành xuất khẩu của Hàn Quốc như thép, hóa dầu và dệt may đang chịu áp lực lớn từ hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc trên thị trường toàn cầu.

Các nhà xuất khẩu Hàn Quốc đang đối mặt với những thách thức đáng kể khi cạnh tranh với hàng hóa Trung Quốc đổ vào thị trường quốc tế, từ các ngành thép và hóa dầu cho đến dệt may và mỹ phẩm giữa bối cảnh tình trạng dư thừa công suất và nhu cầu nội địa yếu của Trung Quốc lan rộng.

Ngay cả trong lĩnh vực kim chi, một biểu tượng quốc gia của Hàn Quốc, các nhà sản xuất cũng đang gặp khó khăn. Trong nửa đầu năm 2024, Hàn Quốc đã nhập khẩu nhiều kim chi hơn là xuất khẩu, đa phần từ Trung Quốc. Sự cạnh tranh từ kim chi Trung Quốc ngày càng lớn, khi giá chỉ bằng 1/6 so với kim chi Hàn Quốc.

Trước đây, Hàn Quốc được dự đoán sẽ hưởng lợi từ căng thẳng thương mại gia tăng giữa Trung Quốc và phương Tây, khi các biện pháp thuế và hạn chế từ Mỹ và EU đối với Trung Quốc thúc đẩy người mua toàn cầu chuyển sang các ngành công nghệ bán dẫn và xe điện của Hàn Quốc. Giá trị xuất khẩu của Hàn Quốc đã tăng đều đặn mỗi tháng kể từ tháng 10 năm ngoái.

Tuy nhiên, các chuyên gia thương mại cho biết phần lớn những lợi ích này đến từ nhu cầu tăng vọt đối với chip nhớ, mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Hàn Quốc. Trong khi đó, các khó khăn trong các lĩnh vực khác đang mất thị phần vào tay các đối thủ Trung Quốc có chi phí thấp hơn không được nhắc đến.

“Nhiều phân tích về tình trạng dư thừa công suất của Trung Quốc tập trung nhiều vào các tranh chấp thương mại giữa Trung Quốc với phương Tây, cũng như các lĩnh vực xe điện, năng lượng mặt trời và pin. Nhưng đây là vấn đề ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế toàn cầu, và mở rộng ra nhiều lĩnh vực hơn ngoài ngành công nghiệp xanh”, ông Yeo Han-koo, cựu Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc hiện làm việc tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson ở Washington, cho biết.

Theo một cuộc khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc, 70% các công ty đã cảm nhận hoặc dự đoán tổn thất kinh doanh do xuất khẩu từ Trung Quốc. Cạnh tranh chủ yếu diễn ra tại các thị trường Đông Nam Á, Trung Đông, Trung Á và Mỹ Latinh, nơi các nhà xuất khẩu Trung Quốc đang tìm kiếm cơ hội tăng trưởng.

Giá trung bình của hàng xuất khẩu Trung Quốc trên toàn cầu đã giảm mỗi tháng từ tháng 1/2023 đến tháng 4 năm nay, giảm tổng cộng 10,2%. Trong khi đó, giá hàng xuất khẩu của Hàn Quốc chỉ giảm 0,1% trong cùng kỳ, theo số liệu từ Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc.

“Việc Trung Quốc chuyển hướng xuất khẩu khỏi Mỹ và châu Âu giống như con dao hai lưỡi đối với các doanh nghiệp Hàn Quốc. Mặc dù Hàn Quốc có nhiều cơ hội xuất khẩu sang Mỹ hơn do sự vắng mặt của Trung Quốc, xuất khẩu của Trung Quốc sang các quốc gia như Việt Nam, Ả Rập Xê Út, Brazil và Kazakhstan đã tăng đáng kể trong năm nay, gây khó khăn cho các công ty Hàn Quốc tại các thị trường này”, ông Do Won-bin,  Chuyên gia nghiên cứu tại KITA, cho biết.

Các nhà sản xuất thép Hàn Quốc chịu tổn thất khi sự cạnh tranh từ Trung Quốc gia tăng cùng với sự suy giảm của ngành xây dựng trong nước. Các công ty như Hyundai Steel, Posco và Dongkuk Steel ghi nhận lợi nhuận hoạt động quý II giảm 78,9% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi mảng thép của Posco giảm 50,3% và Dongkuk Steel giảm 23%. Theo Hiệp hội Sắt và Thép Hàn Quốc, giá thép Trung Quốc trung bình là 863 USD/tấn, so với giá 2.570 USD/tấn của thép Hàn Quốc.

Các nhà sản xuất thép Hàn Quốc chịu tổn thất khi sự cạnh tranh từ Trung Quốc gia tăng cùng với sự suy giảm của ngành xây dựng trong nước. Ảnh: FT.
Các nhà sản xuất thép Hàn Quốc chịu tổn thất khi sự cạnh tranh từ Trung Quốc gia tăng cùng với sự suy giảm của ngành xây dựng trong nước. Ảnh: FT.

Các công ty hóa dầu hàng đầu của Hàn Quốc cũng gặp khó khăn, với một số công ty ngừng sản xuất, rút khỏi các liên doanh và hoãn kế hoạch mở rộng do thua lỗ trong các hoạt động kinh doanh cốt lõi. “Các doanh nghiệp Hàn Quốc cần phải phân biệt sản phẩm thông qua chất lượng để đối phó với sự cạnh tranh gay gắt từ Trung Quốc”, ông Do nói.

Thế nhưng, những số liệu khảo sát mới đây của KCCI cho thấy các nhà sản xuất Hàn Quốc đang mất niềm tin vào khả năng duy trì lợi thế cạnh tranh của mình. Chỉ có 26,2% các công ty tham gia khảo sát cho biết họ tự tin có thể duy trì được lợi thế về công nghệ và chất lượng so với các đối thủ Trung Quốc trong 5 năm tới, trong khi 73,3% các công ty khác đang đối mặt với viễn cảnh bị vượt qua trong thời gian tương tự.

Có thể bạn quan tâm:

Đầu tư toàn cầu vào thịt nuôi cấy và thực phẩm thay thế giảm 67%

Nguồn FT