Tứ hổ châu Á: Nanh đã cùn?
Bà Bonnie Tu, Chủ tịch 70 tuổi của Giant, nhà sản xuất xe đạp lớn nhất thế giới, đang mệt mỏi vì cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, khi thuế quan từ phía Mỹ đã gây khốn đốn cho các chuỗi cung ứng của Tập đoàn và đẩy cao chi phí. Biện pháp đối phó của bà Bonnie Tu là thu hẹp quy mô sản xuất tại Trung Quốc, thay vào đó mở rộng ở Đài Loan. “Chúng tôi không còn lựa chọn nào khác”, bà nói.
Không chỉ Giant, hàng chục công ty Đài Loan khác cũng phải co cụm trong thời gian gần đây, trong đó có hãng máy tính Compal, công ty giấy Long Chen, Delta Electronics. Vào năm 2018, chính quyền Đài Loan đã ra mắt văn phòng Invest Taiwan, cam kết cấp các khoản vay giá rẻ cho doanh nghiệp nhằm hỗ trợ chi phí di dời sản xuất. Đến nay văn phòng này đã chấp nhận hồ sơ của hơn 150 công ty.
Qua những diễn biến này, có vẻ như Đài Loan đã hưởng lợi từ thương chiến Mỹ - Trung. Ngay cả Singapore và Hàn Quốc cũng đã giành được thị phần ở Mỹ từ tay Trung Quốc. Nhưng sẽ là một sai lầm khi cho rằng thương chiến chỉ mang đến điều tốt đẹp cho các chú hổ châu Á (bao gồm các nền kinh tế Singapore, Hồng Kông, Hàn Quốc và Đài Loan). Xét tổng quan, thiệt hại nhiều hơn là có lợi. Thương chiến đang gây gián đoạn ở 3 mảng chủ chốt mà những nền kinh tế này dựa vào: một hệ thống thương mại toàn cầu cởi mở, các mạng lưới sản xuất đặt tại châu Á của họ và thị trường lớn nhất là Trung Quốc. Các chuyên gia Goldman Sachs so sánh diễn biến tăng trưởng của 13 nền kinh tế tại châu Á trong mối tương quan với tiềm năng của họ, nhận thấy các chú hổ châu Á chiếm tới 4 trong số 5 vị trí chót bảng.
Thương chiến Mỹ - Trung tác động đến các nền kinh tế châu Á cũng là chuyện dễ hiểu. Bởi lẽ, xuất khẩu đã và đang là động cơ chủ chốt tạo nên sức bật thần kỳ của các nước này thời hậu chiến. Chẳng hạn, Hàn Quốc bắt đầu với các sản phẩm thép mạ thiếc, gỗ dán và dệt. Các nhà xuất khẩu nước này hưởng lợi từ tín dụng giá rẻ, chính sách miễn giảm thuế nhập khẩu và đồng won giảm giá vào năm 1964. Tổng thống Park Chung-hee khi đó tự hào công bố 30.11.1964 - thời điểm xuất khẩu hàn Quốc vượt 100 triệu USD - là “Ngày Xuất khẩu” (sau này gọi là “Ngày Thương mại”).
Thậm chí khi các chú hổ châu Á trở nên hùng mạnh hơn, xuất khẩu vẫn là một trụ cột của nền kinh tế. Tại Hàn Quốc, sau một thập niên thành công với công nghiệp nhẹ, các quan chức đã hỗ trợ những ngành công nghiệp nặng hơn như đóng tàu và hóa chất. Hay Đài Loan đã thành lập các công viên khoa học cho những ngành tiên tiến từ quang điện tử học cho đến chất bán dẫn. Singapore thì thành lập Ủy ban Máy tính Quốc gia vào năm 1981 để đào tạo lao động công nghệ cao.
Giống như các nền kinh tế giàu có khác, các chú hổ châu Á đã chuyển phần lớn hoạt động sản xuất cơ bản sang Trung Quốc. Một ví dụ là Foxconn của Đài Loan, nhà sản xuất theo hợp đồng chính cho Apple. Foxconn đã mở nhà máy đầu tiên ở Trung Quốc vào năm 1988; 30 năm sau hãng này tuyển dụng xấp xỉ 1 triệu lao động tại đây. Nhưng trong quá trình chuyển hoạt động sản xuất cấp thấp sang Trung Quốc, các chú hổ châu Á cũng đã leo lên bậc thang cao hơn của chuỗi giá trị. Hàn Quốc hiện là nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất thế giới. Đài Loan có công suất lớn nhất về sản xuất chất bán dẫn. Kết quả là Hàn Quốc và Đài Loan mỗi bên chiếm hơn 12% nhu cầu cuối cùng của Trung Quốc đối với máy tính và hàng điện tử, gấp 2 lần bất kỳ đối tác thương mại nào.
Khi các doanh nghiệp cùng tụ họp ở Trung Quốc, châu Á đã trở thành một khu vực sản xuất vô cùng quyền lực. Tỉ trọng của châu Á trong thương mại toàn cầu về phụ tùng và linh kiện đã tăng từ 19% lên tới 30% giai đoạn 2000-2016. Trung Quốc đại lục là quê hương của 4 trong số 7 cảng container sầm uất nhất thế giới; những cảng sầm uất khác nằm ở Singapore, Busan (Hàn Quốc) và Hồng Kông.
Cả Singapore và Hồng Kông đều đã củng cố được vai trò là trung tâm quản lý của Công xưởng châu Á. Hơn 4.000 công ty đã chọn Singapore làm trụ sở vùng, thường để giám sát khu vực Đông Nam Á. Hồng Kông có ít hơn với xấp xỉ 1.500 trụ sở doanh nghiệp, nhưng lại thành công hơn nhiều so với Singapore về khả năng thu hút doanh nghiệp Trung Quốc đến sàn chứng khoán của mình. Thị trường chứng khoán Hồng Kông trị giá hơn 4.000 tỉ USD trong khi con số này của Singapore chỉ xấp xỉ 700 tỉ USD.
Những mối dây ràng buộc này cũng đưa các chú hổ châu Á lên đầu sóng ngọn gió khi có tác động tiêu cực từ bên ngoài. Thương chiến với Mỹ đang tác động đến Trung Quốc, nhưng các chú hổ châu Á, trong nhiều phương diện, lại bị dễ bị tổn thương hơn do các nền kinh tế của họ có quy mô nhỏ hơn và mở cửa hơn với bên ngoài. Tại Trung Quốc, xuất khẩu chiếm khoảng 20% GDP, trong khi tại Hàn Quốc, con số này là hơn 45%, Đài Loan là 65% và Singapore và Hồng Kông xấp xỉ tới 200%.
Khi làm gián đoạn chuỗi cung ứng, thương chiến cũng đe dọa nghiêm trọng đến mô hình sản xuất toàn cầu của các chú hổ châu Á. Có thể thấy các nền kinh tế này vẫn phụ thuộc rất nhiều vào nguồn đầu vào từ bên ngoài. Họ cũng phục vụ cho rất nhiều khách hàng khác nhau, trong đó có cả những khách hàng mà người Mỹ không thích. Các nhà sản xuất chip Đài Loan, chẳng hạn, cung cấp chip không chỉ cho các công ty Mỹ mà còn cho cả Huawei, tập đoàn viễn thông Trung Quốc đang trong tầm ngắm của Mỹ.
Các vấn đề tại châu Á cũng có thể đến từ nội tại. Mối quan hệ cơm không lành, canh không ngọt giữa Hàn Quốc và Nhật là một ví dụ. Nhật đã hạn chế xuất khẩu sang Hàn Quốc những vật liệu quan trọng trong việc sản xuất chip bán dẫn.
Đối mặt với quá nhiều điều không chắc chắn, các chú hổ châu Á đã tìm cách đa dạng hóa khách hàng và sản phẩm của họ. Đài Loan từ lâu thúc giục doanh nghiệp phải khai phá các thị trường mới nổi bên ngoài Trung Quốc. Chính phủ Hàn Quốc cũng tích cực xúc tiến nhiều sản phẩm khác nhau. Trong “Ngày Thương mại” gần đây nhất, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã cổ xúy các ngành mới như xe điện và robot.
Thế nhưng, với các mối quan hệ quá chặt chẽ, đan xen trong thời đại toàn cầu hóa, hệ quả là các doanh nghiệp thấy khó mà biết nên giao dịch với ai và nên đánh ở thị trường nào. Bà Bonnie Tu của Giant cho rằng: “Các công ty cần phải bám vào những gì họ có thể kiểm soát được. Chúng ta phải tập trung vào tính hiệu quả và tự động hóa”.
Nguồn Economist