Thứ Sáu | 16/08/2013 19:51

Tự do hóa dòng vốn tại Trung Quốc: Vinh quang, lẫn gian khổ

Nếu tự do hóa dòng vốn, tiền sẽ chảy vào hay chạy ra khỏi biên giới Trung Quốc nhiều hơn?

Tự do hóa dòng vốn, điều kiện tiên quyết để đồng nhân dân tệ mang tính chuyển đổi toàn diện

Trong cuộc họp giữa năm gần đây, Cục Quản lý Nhà nước về ngoại hối của Trung Quốc (SAFE) đã đặt nhiệm vụ hàng đầu là điều tiết dòng chảy vốn qua biên giới. Trung Quốc cam kết đưa nhân dân tệ trở thành tiền tệ được chuyển đổi đầy đủ, nới lỏng kiểm soát dòng vốn ngoại chảy ra cũng như dòng vốn nội chảy vào trong nước. Kế hoạch trên được dự kiến thực hiện trong năm nay. Trong cuộc họp này, SAFE đã kết luận rằng, giai đoạn tiếp theo của quản lý ngoại hối sẽ được "vinh quang và gian khổ".

Lời hứa đầu tiên của Trung Quốc về việc làm cho đồng nhân dân tệ được phép chuyển đổi đầy đủ đã cách đây 20 năm. Khi đó, cuộc khủng hoảng tài chính châu Á đã làm giảm khả năng tự do hóa tài khoản vốn một cách sớm và nhanh chóng. Nhưng sau đó, để phục hồi kinh tế sau cơn chấn động, hầu hết các nền kinh tế mới nổi nới lỏng kiểm soát vốn để thu hút dòng vốn ngoại. Bằng cách nhập khẩu vốn, những nước nghèo có thể đầu tư nhiều hơn khả năng tiết kiệm của mình.

Tuy nhiên tình hình tại Trung Quốc có đôi chút khác biệt, khi tỷ lệ tiết kiệm lại cao hơn tỷ lệ đầu tư, do đó đầu tư nhiều hơn có lẽ là sự lựa chọn tốt cho nền kinh tế Trung Quốc lúc bấy giờ. Nhưng Trung Quốc nên tự do hóa dòng vốn một cách từ từ, đó là cách nâng cao hiệu quả đầu tư, chứ không phải số lượng khoản tiền đầu tư. Đó là khuyến nghị được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra trong báo cáo về kinh tế của Trung Quốc, được công bố tháng trước.

Phải tự do hóa dòng vốn, Trung Quốc mới mong phá vỡ hệ thống tiền tệ đơn cực.


Khuyến nghị trên có vẻ hợp lý bởi nhiều lý do. Trước tiên, đối với nhà đầu tư nước ngoài, khi được phép “đổ tiền”vào bất cứ nào phù hợp, không bị cản trở bởi sự kiểm soát vốn. Hoạt động đầu tư từ dòng vốn ngoại sẽ bổ sung cả về lượng và chất cho lĩnh vực đầu tư tại Trung Quốc. Thứ hai, nới lỏng kiểm soát vốn cũng sẽ cho phép người tiết kiệm tại Trung Quốc đa dạng hóa tài sản, hạ bớt nhiệt trên thị trường bất động sản. Và nếu người dân Trung Quốc được phép đầu tư ra nước ngoài dễ dàng hơn, họ sẽ không còn xem bất động sản tại Trung Quốc là sự lựa chọn duy nhất hay các lựa chọn khác thường thấy như gửi tiết kiệm, đầu tư chứng khoán trong một thị trường dễ gặp rủi ro do lừa đảo hay đầu cơ đều trở nên kém hấp dẫn hơn.

Dòng chảy vốn trong quá trình tự do hóa

Lập luận này đặt ra câu hỏi thú vị. Liệu Trung Quốc sẽ được lợi hơn khi nhận đầu tư từ nước ngoài hay khi đầu tư ra phần còn lại của thế giới? Và nếu quản lý ngoại hối của Trung Quốc được dỡ bỏ, thì dòng vốn sẽ chảy vốn vào trong hay ra ngoài Trung Quốc?

Dĩ nhiên, cả hai hướng chảy của dòng vốn đều sẽ được khơi thông. Trung Quốc vẫn là một nước phát triển nhanh hơn hầu hết các nước khác. Mặc dù lãi suất tiền gửi đang bị giới hạn bởi sàn lãi suất do Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) quy định, nhưng vẫn còn cao hơn so với Mỹ hay Nhật Bản. Tỷ giá hối đoái (USD/NDT) vẫn đang tăng, lên cao nhất trong vòng 19 năm trong tuần trước 6,12 NDT /USD. Chắc chắn, trong quý đầu tiên của năm 2013, dòng vốn ngắn hạn vào Trung Quốc đang tăng mạnh, bao gồm vốn đầu tư và cả đầu tư trực tiếp nước ngoài đã lên tới 58,2 tỷ USD.

Những dấu hỏi hoài nghi về một hướng dịch chuyển ngược lại vẫn tồn tại. Bởi các hộ gia đình không tránh khỏi những lo lắng về tốc độ tăng trưởng đang chậm lại của Trung Quốc và trong hoàn cảnh ấy, chính phủ thường sẽ nắm mọi cơ hội để thu hút dòng vố từ nước ngoài. Mỗi cá nhân được cho phép mang ra nước ngoài 50.000 USD/năm nhưng một giới hạn mới có thể được thiết lập, khắt khe hơn để hạn chế sự di chuyển dòng vốn ra nước ngoài. Ý kiến bi quan tin rằng một dòng tiến lớn hơn sẽ chảy ra khỏi biên giới Trung Quốc nếu tự do hóa dòng vốn xảy ra. Và có cơ hội để chứng minh luận điểm này. Đà tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc trong quý thứ II khiến cho dòng vốn ngắn chảy ra khỏi biên giới.

Trong báo cáo của mình, các nhà kinh tế của IMF đưa ra quan điểm riêng về những gì sẽ xảy ra, nếu Trung Quốc nới lỏng kiểm soát dòng vốn. Phân tích tập trung vào "danh mục đầu tư" và đưa ra kết luận rằng, dòng chảy vốn qua biên giới sẽ mở rộng đáng kể theo cả hai hướng vào trong và ra ngoài.

Theo ước tính của IMF, khối ngoại sẽ mua các chứng khoán tại Trung Quốc trong khoảng từ 2% - 10% GDP và qua đó làm tăng gánh nợ nước ngoài của Trung Quốc. Mặt khác, người dân Trung Quốc sẽ mua các tài sản nước ngoài với tổng giá trị tương đương 15% - 25% GDP. Sự kết hợp của các dòng vốn sẽ làm giá trị của các chứng khoán trị tăng lên khoảng18% GDP trong khối tài sản ròng của Trung Quốc.

Những dự báo lạc quan

Đáp lại dòng chảy lớn của vốn, đồng nhân dân tệ có giảm giá hay không? Các nhà kinh tế của IMF tin rằng đồng nhân dân tệ vẫn còn bị "định giá thấp" và số phận của đồng nhân dân tệ còn phụ thuộc vào các loại tiền khác. Dòng chảy vốn lớn nhất tại Trung Quốc là thông qua PBOC.

Bằng cách mua USD (cũng như nhiều ngoại tệ khác), PBOC có thể làm giảm bớt áp lực tăng giá của đồng nhân dân tệ, áp lực xuất phát từ thặng dư thương mại khổng lồ của Trung Quốc và tỷ lệ đầu tư trực tiếp nước ngoài. Nếu kiểm soát vốn được dỡ bỏ và dòng vốn tư nhân chảy ra ngoài, áp lực này sẽ được giảm bớt. PBOC có thể ngừng tích lũy dự trữ ngoại hối với tốc độ lớn. Trong ngắn hạn, nếu các doanh nghiệp và hộ gia đình tại Trung Quốc mua tài sản nước ngoài nhiều hơn, ngược lại PBOC có thể mua ít hơn.

Đó sẽ là tin tốt lành, bởi nhà đầu tư tư nhân tại Trung Quốc có thể sẽ mua tài sản một cách hiệu quả hơn PBOC. Năm ngoái, thu nhập đầu tư quốc tế đã giảm 57,4 tỷ USD. Theo một báo cáo của Viện nghiên cứu tiền tệ Hong Kong năm 2012, vào thời điểm tự do hóa dòng vốn, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc có thể chưa đến 40% tổng tài sản Trung Quốc có ở nước ngoài. Phần còn lại sẽ có nhiều đầu tư trực tiếp sinh lợi và chứng khoán tư nhân.

Cuối cùng, Trung Quốc sẽ thu được từ khối tài sản nước ngoài nhiều hơn chi phí phải trả cho những khoản nợ. Vào năm 2020, tổng thu nhập đầu tư ròng của Trung Quốc có thể lên đến 250 tỷ USD, đó chẳng phải là một kết quả vẻ vang hay sao.

Nguồn Dân Việt/The Economist


Sự kiện